Đóng tàu ngầm là vượt quá khả năng của Việt Nam, chúng ta chỉ có thể đóng tàu tầm trung, tàu phóng lôi, một số mẫu trung gian.
Chỉ gia công thiết kế của nước ngoài
Đã từng công tác tại Vinashin, kỹ sư Nguyễn Khắc Hiền, nguyên giám đốc Công ty tư vấn thiết kế tàu biển Vinashin không quá bất ngờ trước việc Nga đưa ra nhận định, hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực đóng tàu dân sự vẫn chưa có được sự phát triển tương xứng, phía Việt Nam ít đưa ra sáng kiến về phát triển mối quan hệ đóng tàu song phương.
Ông Hiền phân tích, Nga là một nước nổi tiếng với việc đóng tàu quân sự, nhưng tàu dân dụng Nga không phải là nước có tiềm năng phát triển mạnh. Các nước có thế mạnh về lĩnh vực này phải là Hà Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản...
"Theo tôi về mặt khoa học kỹ thuật đóng tàu cơ bản Nga đứng hàng đầu thế giới, nhưng về mặt công nghệ tàu thủy thì Nga không tiên tiến, chỉ mạnh về đóng tàu quân sự.
Hơn nữa, sự phát triển quan hệ kinh tế giữa hai nước hiện nay không phải ở mức phát triển gắn bó, cho nên nhiều hạn chế, dù cố gắng nhiều cũng không phát triển được.
Trong khi, đóng tàu ngầm là vượt quá khả năng của Việt Nam, chúng ta chỉ có thể đóng tàu tầm trung, tàu phóng lôi, một số mẫu trung gian.
Nói ngay đến tập đoàn Vinashin không phải bỏ lỡ cơ hội, mà không có khả năng học thiết kế tàu ngầm, vì nguồn nhân lực không có khả năng tiếp nhận kinh nghiệm.
Nếu có thì hiện nay phải là Viện khoa học kỹ thuật quân sự, Viện kỹ thuật hải quân mới có thể học, nhưng cơ hội thì đã qua rồi", ông Hiền nói.
Còn Công ty TNHH MTV Đóng Tàu Nam Triệu, Công ty TNHH MTV Đóng tàu Bến Thủy, Tổng công ty công nghiệp tàu thủy Bạch Đằng, cũng chỉ đóng các con tàu cơ bản, còn cần sự tinh xảo thì hoàn toàn không có.
Nó cũng giống như câu chuyện, chúng ta có thể làm xe lu, nhưng không làm được xe ô tô con kỹ thuật cao.Đồng thời, ông cũng chỉ rõ, hiện nay, Việt Nam chỉ còn có Nhà máy Đóng tàu Damen - Sông Cấm, nhưng sắp tới 100% vốn sẽ là của nhà đầu tư nước ngoài.
Cho nên chúng ta không nên mơ hồ, hy vọng vào tài năng và sự phát triển của các nhà máy đóng tàu với những nền tảng đang có.
"Đặc biệt, khi Vinashin vốn vẫn là một bộ máy chỉ có một khả năng duy nhất là gia công những thiết kế của nước ngoài ở một tầm cỡ nhất định như là 10 vạn tấn trở xuống.
Thậm chí, tất cả những trang thiết bị cũng được nhập từ nước ngoài về, từ những thiết bị đơn giản nhất.
Vì thế, kỳ vọng Vinashin sẽ đưa ngành đóng tàu Việt Nam đứng thứ 4 thế giới là mơ hồ, thậm chí nếu đứng được thứ 40 đã phải là cố gắng lắm.
Việt Nam phải nhìn thẳng sự thật, đừng mơ mộng hão huyền.
Làm sao đạt được tầm quốc tế khi chỉ làm được vài con tàu có trọng tải 3000-5000 tấn, thiết kế đơn giản, đi trong nội địa", ông Hiền chia sẻ.
Phải chuyển giao công nghệ
Cũng đưa ra quan điểm về vấn đề này, kỹ sư Đỗ Thái Bình, Phó Chủ tịch Hội khoa học kỹ thuật công nghiệp tàu thủy Việt Nam cho biết: "Từ trước đến nay, Nga vẫn là đối tác vô cùng thân thiết và quan trọng của ngành đóng tàu Việt Nam.
Thế nhưng, để việc hợp tác đạt được hiệu quả cao, thì cả hai bên đều cần phải có sự tương tác.
Ở đây, vốn dĩ Nga chưa có một cách hợp tác cởi mở, tiếp thị sản phẩm tốt, tiêu biểu, như thông qua Triển lãm Vietship 2016 đã thể hiện rõ điều này.
Tại Triển lãm, mặc dù Nga đưa cả Đại học Kỹ thuật Quốc gia Moskva Bauman, là trường rất nổi tiếng của Nga trong công nghiệp đóng tàu, nhưng cũng không được quan tâm và chú ý nhiều.
Trong khi, Việt Nam đôi khi cũng kín đáo, vì thế, nên giữa hai bên không có sự trao đổi, không đưa ra được sáng kiến là việc tất yếu".
Bên cạnh đó, theo ông Bình, hiện nay, Nga nhảy vào thị trường Việt Nam nhiều, nhưng phần lớn là các hợp đồng đóng tàu quân sự, tàu dân sự là vô cùng ít. Về chủ trương, Việt Nam rất ủng hộ các công ty Nga, nhưng bản thân mỗi bên đều phải tự cố gắng để tiếp cận.
Nếu như không có sự giao lưu, thì đó sẽ là khó khăn để Nga thâm nhập vào thị trường Việt Nam. Vì vốn dĩ, chúng ta vẫn nhìn Nga dưới dáng dấp Liên Xô cũ, tức là hỗ trợ, giúp đỡ, chứ không chuyển đổi sang cơ chế thị trường.
Như vậy cái nhìn của Việt Nam chưa đúng, thực ra Nga đang rất muốn tìm đơn vị đóng tàu Nhôm ở Việt Nam, như đóng tàu cánh ngầm, giống như tàu từ Sài Gòn đi Vũng Tàu, Sài Gòn đi Móng Cái, đó là thế mạnh của Nga nhưng triển khai như thế nào cả hai bên đều lúng túng.
Nga là một cường quốc đóng tàu, nhiều kinh nghiệm, nhưng phải nhìn nhận dưới góc độ thị trường.
Ví dụ như ngay trong việc nghiên cứu tàu cá bán cho Việt Nam, Nhật làm rất tốt, đi rất sát thực tế, phục vụ cho việc câu cá ngừ đại dương. Nhưng Nga thì khác, chưa thấy bóng dáng các doanh nghiệp Nga đi tìm hiểu thực tế và có xu hướng làm những việc tương tự.
Về triển vọng hợp tác, ông Bình khẳng định: "Đối với đóng tàu quân sự, chúng ta đã mua của Nga rất nhiều, điều đó thể hiện một sự tin tưởng. Nhưng với thị trường cạnh tranh, Việt Nam cũng cần có nhiều loại tàu khác của thế giới, không nên chỉ có vũ khí Nga, để thấy Nga không nên quá mong chờ là sẽ khống chế hoàn toàn thị trường đóng tàu quân sự của Việt Nam.
Còn đối với đóng tàu dân sự, Nga là nước ở vùng phương Bắc, điều kiện khai thác khác Việt Nam, nhưng kinh nghiệm về đóng tàu, vấn đề đào tạo theo tôi vẫn có ích cho chúng ta.
Để thấy, cả hai lĩnh vực quân sự và dân sự, chúng ta đều có triển vọng, nhưng phải chọn lựa cho đúng, Nga từ xưa nay chỉ nhìn Việt Nam như một nơi cung cấp, giúp đỡ tình anh em, chứ không có chuyển giao công nghệ, chế tạo. Mặc dù, ngành khoa học đóng tàu của Nga rất chuyên nghiệp, nó có thể giúp cho chúng ta phát triển.
Vấn để ở đây không còn chỉ là hợp tác mà phải là chuyển đổi công nghệ, cái này còn khó khăn hơn nhiều.
Thế nhưng, ngành công nghiệp nặng, cụ thể công nghệ luyện kim chưa có bất kỳ một sự phát triển nào, thì không biết ngành đóng tàu phải đi lên từ đâu", ông Bình nhấn mạnh.
Châu An