Học giả Trung Quốc lại hỗn láo vu cáo Việt Nam trên Tân Hoa Xã Trung Quốc và những học giả như giáo sư Xuân xin hãy ngừng trò giả câm giả điếc, đánh lận con đen, hỏi ăn cơm chưa nói đi tắm rồi để thiên hạ chê cười.

Tân Hoa Xã ngày 13/6 đăng bài vu cáo Việt Nam của Cung Nghênh Xuân, một giáo sư luật quốc tế đại học Ngoại giao Trung Quốc trong vụ giàn khoan 981 (hạ đặt trái phép tại thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam) với giọng điệu mỉa mai, miệt thị: "Việt nam không lừa được ai".

Luận điểm đầu tiên bà Xuân đưa ra, với tư cách chuyên gia "luật quốc tế" Trung Quốc bà cho rằng Việt Nam "gây rối hoạt động bình thường của giàn khoan Trung Quốc trong vùng biển ngoài khơi đảo Trung Kiến (tên Trung Quốc gọi đảo Tri Tôn) thuộc quần đảo Tây Sa (tức quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, bị Trung Quốc xâm lược năm 1956, 1970 và chiếm đóng bất hợp pháp tới nay) là xâm phạm chủ qyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Trung Quốc cũng như an toàn của giàn khoan".

Tạm chưa bàn đến chủ quyền Hoàng Sa, là chuyên gia luật quốc tế, hẳn bà Xuân thừa hiểu quần đảo Hoàng Sa mà bà gọi là Tây Sa, không có đời sống kinh tế độc lập, không đủ tiêu chuẩn của "quốc gia quần đảo" theo quy định của Công ước Liên Hợp Quốc 1982 (UCNLOS) để được hưởng quy chế vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý, mà chỉ có lãnh hải 12 hải lý xung quanh mỗi đảo. 

 

Vị trí Trung Quốc hạ đặt giàn khoan 981 cách đảo Tri Tôn 17 hải lý, nên nó không thể nằm trong cái bà Xuân và Trung Quốc ngụy biện là "vùng biển Tây Sa", trong khi nó cách đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi, Việt Nam 119 hải lý, nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam theo UNCLOS.

Vùng biển mà giàn khoan 981 hạ đặt không liên quan gì đến quần đảo Hoàng Sa, và ngay từ đầu, Việt Nam đã khẳng định rõ, giàn khoan Trung Quốc xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam và khu vực này không phải vùng biển tranh chấp. Ấy vậy mà đến giờ phút này, Cung Nghênh Xuân, Bộ Ngoại giao và truyền thông nhà nước Trung Quốc cứ cố tình nói rằng nó nằm trong "vùng biển Tây Sa không có tranh chấp"?! Đó chỉ là trò tháu cáy, đánh tráo khái niệm pháp lý mà thôi, không thể làm thay đổi được thực tế.

Trước những bằng chứng không thể chối cãi mà các cơ quan chức năng và Bộ Ngoại giao Việt Nam công bố về việc các tàu Trung Quốc bao gồm tàu công vụ, "tàu cá" vỏ thép đã liều lĩnh đâm va các tàu thực thi pháp luật của Việt Nam, thậm chí đâm chìm tàu cá Việt Nam mà bà Xuân, cùng với Bộ Ngoại giao Trung Quốc vẫn ngụy biện rằng tàu Việt Nam đâm tàu Trung Quốc, thì đó là lối hành xử của một kẻ vừa ăn cắp, vừa la làng không đáng để nói chuyện ở đây.

Học giả Trung Quốc lại hỗn láo vu cáo Việt Nam trên Tân Hoa Xã_0

Quay lại câu chuyện về chủ quyền đối với Hoàng Sa, bà giáo sư Xuân cho rằng Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo này ít nhất là từ thế kỷ thứ 10 nhưng không hề trích dẫn bằng chứng nào. Một giáo sư luật như bà không lẽ lại có thể hồ đồ, cảm tính đến vậy, hay có thế lực nào đứng sau ép bà phải "phịa" ra thông tin ấy? Chúng tôi xin cung cấp luôn cái "chứng cứ" ấy cho bà và truyền thông nhà nước Trung Quốc, như sau:

Theo vtv.vn ngày 13/6, nghiên cứu lịch sử Biển Đông từ các nguồn thư tịch cổ, Nhà nghiên cứu Hán Nôm Phạm Hoàng Quân khẳng định, từ thời Hán cách đây khoảng 2.000 năm cho đến sau Thế chiến thứ II, không có tài liệu nào ghi rằng Biển Đông với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền của Trung Quốc.

Cuốn sách sớm nhất được Trung Quốc dẫn ra làm căn cứ về cái gọi là “chủ quyền” của họ đối với Hoàng Sa và Trường Sa là cuốn Dị vật chí của Dương Phù thời Đông Hán. Nhưng thực ra thì đây chỉ là những ghi chép về các hiện tượng mà được cho là lạ hay gọi là dị vật bên ngoài Trung Quốc, nên không thể coi là chứng lý về chủ quyền.

Ông Phạm Hoàng Quân, nhà nghiên cứu Hán Nôm cho biết: “Dị vật chí xuất hiện khoảng năm 1150, tức là vào đời hậu Hán. Ở trong Dị vật chí chỉ có một đoạn ngắn ghi lại vùng biển có nhiều đá san hô, có đá nam châm thì ghe thuyền phải cẩn thận khi đi qua đó. Ghi chép như thế không thể nói rằng người Trung Quốc có đến đó.”

Giáo sư Vũ Minh Giang, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam nói, Trung Quốc muốn chứng minh rằng, ghi chép trong Dị vật chí về mặt kiến tạo chỉ có vùng Hoàng Sa và Trường Sa mới có đá nam châm cho nên họ đi đến kết luận là từ thời Đông Hán, người Trung Quốc đã tìm thấy 2 quần đảo này, phát hiện nó và khẳng định đấy là của mình. Về mặt sử liệu đó chỉ là thủ thuật cắt xén, gán ghép theo ý mình, chứ không có ý nghĩa về mặt khoa học.

Cái mà bà giáo sư Xuân nói rằng ngay cả khoảng những năm 1930 "sức mạnh quốc gia Trung Quốc giảm sút chưa từng có, nhưng chính phủ Trung Quốc vẫn phản đối người Pháp chiếm đóng bất hợp pháp một số đảo trên Biển Đông, từ năm 1934 - 1935 Trung Quốc thành lập 1 ủy ban đặc biệt để khảo sát các đảo khác nhau trên Biển Đông để đổi tên các đảo, rặng san hô và xuất bản bản đồ chính thức, đánh dấu Đông Sa, Tây Sa, Nam Sa, Trung Sa là lãnh thổ rõ ràng của Trung Quốc" đã lòi ra cái đuôi bành trướng của Bắc Kinh. 

Những đảo này đâu phải đảo vô chủ, chính bà Xuân đã khẳng định nó có tên có tuổi đàng hoàng thì người Trung Quốc mới phải tìm cách "đổi tên". Thực chất hoạt động này chính là khởi đầu cho tham vọng bành trướng, xâm lược lãnh thổ của nhà nước Trung Quốc.

Đã chưa từng có chủ quyền đối với Hoàng Sa và Trường Sa, nên lập luận của giáo sư Xuân và truyền thông nhà nước Trung Quốc về việc "Nhật Bản xâm lược Tây Sa, Nam Sa và phải trả lại Trung Quốc theo Tuyên bố Cairo" chỉ còn là trò trẻ con, không có gì đáng bàn ở đây. Hoàng Sa, Trường Sa không phải chỗ Trung Quốc có thể nhảy vào nhận phần như vậy được.

Đến lúc hết lý, giáo sư Xuân lôi chuyện lá thư năm 1958 của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng gửi cố Thủ tướng Chu Ân Lai, thậm chí là một số cái Trung Quốc gọi là "bằng chứng Việt Nam thừa nhận Tây Sa, Nam Sa của Trung Quốc" được Bộ Ngoại giao nước này tung lên mạng hôm 9/6, xin giáo sư Xuân và giới học giả, truyền thông nhà nước Trung Quốc vui lòng đọc bình luận của Tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ. 

Để kết thúc vấn đề, xin nói rõ rằng trong vụ giàn khoan 981, Việt Nam đang tố cáo Trung Quốc vi phạm nghiêm trọng UNCLOS, xâm phạm VÙNG ĐẶC QUYỀN KINH TẾ và THỀM LỤC ĐỊA của Việt Nam theo quy định của UNCLOS, không phải câu chuyện về CHỦ QUYỀN QUẦN ĐẢO HOÀNG SA, mặc dù Hoàng Sa vẫn là nỗi niềm đau đáu của mỗi người Việt Nam sau khi bị Trung Quốc dùng vũ lực xâm lược và chiếm đóng trái phép, người Việt chưa và không bao giờ từ bỏ chủ quyền với quần đảo này.

Truyền thông Trung Quốc và những học giả như giáo sư Xuân xin hãy ngừng trò giả câm giả điếc, đánh lận con đen, hỏi ăn cơm chưa nói đi tắm rồi để thiên hạ chê cười cái tầm của một giáo sư nước lớn. 

HỒNG THỦY




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC