"Tôi thuộc thế hệ cuối 8X. Ngay từ đầu tiểu học, tôi đã được cho học tiếng Anh, nhưng học đến đại học, tôi vẫn không thể nói và nghe. Tất cả những gì tôi biết chỉ là làm ngữ pháp, và đọc được căn bản. Lên năm ba đại học, tôi may mắn gặp được một thầy giáo dạy đúng phương pháp. Chỉ sau một năm, tôi đã có thể nghe, nói, giao tiếp thuần thục bằng tiếng Anh. Theo tôi, vấn đề khiến học sinh Việt không thể nói được tiếng Anh chỉ là phương pháp học đúng mà thôi.
Rút kinh nghiệm từ bản thân, tôi cho hai con của mình học tiếng Anh đúng phương pháp ngay từ nhỏ. Tôi quy định với các con là khi đi học ở trường, các con có thể nói tiếng Việt, nhưng về nhà là bắt buộc phải nói tiếng Anh hoàn toàn, xem TV cũng phải là các chương trình bằng tiếng Anh. Nhờ đó, đến nay, các con tôi dù mới 5 và 7 tuối đã có thế nói tiếng Anh rất lưu loát. Các con cũng đọc khá tốt vì ngày nào tôi cũng đưa cho một cuốn truyện bằng ngoại ngữ để đọc trước khi đi ngủ".
Đó là chia sẻ của độc giả Uyenphungup về "Những lý do khiến học sinh không nói được tiếng Anh". Nhiều học sinh có điểm thi cao vẫn không nói được tiếng Anh, đó là một thực tế đáng buồn cho thấy việc dạy trong nhà trường ở ta còn nhiều bất cập. Chương trình phổ thông cũ (chương trình 2006); phương pháp giảng dạy hàn lâm; học sinh học nhiều về từ vựng, ngữ pháp, ngữ âm hơn là kỹ năng Nghe, Nói, Đọc, Viết; thiếu động lực hay môi trường thực hành... là những vấn đề đã tồn tại từ rất lâu trong việc dạy và học ngoại ngữ, nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết triệt để.
Cho rằng việc đặt nặng dạy ngữ pháp khiến học sinh Việt yếu giao tiếp, bạn đọc Khánh bình luận: "Mục tiêu dạy tiếng Anh trong trường phổ thông là thiên về đào tạo chuyên gia, không phù hợp với đại đa số học sinh. Vì học quá nặng về ngữ pháp, nên học sinh sợ sai mỗi khi nói tiếng Anh, từ đó dẫn tới e ngại sử dụng tiếng Anh trong giao tiếp hàng ngày.
Theo tôi, chúng ta cần phải thay đổi mục tiêu dạy tiếng Anh trong trường phổ thông sang hướng dạy nghe, nói là chính, đồng thời đưa ngữ pháp thành tiêu chí thứ yếu. Học sinh nói sai ngữ pháp cũng không sao, miễn là người nghe hiểu là được. Ngay cả tiếng Việt, nhiều người Việt nói tiếng mẹ để còn sai ngữ pháp nhưng cũng đâu có sao. Còn ai có nhu cầu học tiếng Anh theo kiểu hàn lâm, chuyên sâu thì có thể theo học chuyên ngành riêng sau này".
Đồng quan điểm, độc giả Yourlieinapril nhấn mạnh:"Phần lớn trường học dạy tiếng Anh nặng về phần nghe, đọc, cho nên nếu cho một em học sinh cấp ba bình thường làm bài thi TOEIC thì điểm khả năng cao sẽ từ mức khá trở lên. Mặt khác, hai kỹ năng nói và viết lại không được chú trọng nhiều. Lý do đơn giản là vì đi thi Tiếng Anh ở trường hay thi tốt nghiệp THPT cũng đều là dạng trắc nghiệm chứ không thi giao tiếp, vấn đáp. Do đó giáo viên thường sẽ không chú trọng vào hai kỹ năng này".
Dạy và học tiếng Anh ở Việt Nam đang mắc một lỗi cơ bản, đó là chưa học nói đã lo học chữ. Có thể nhận thấy một điều rằng người Việt phải mất 5-6 năm để học nói tiếng Việt, đến khi 6 tuổi vào tiểu học mới bắt đầu học chữ, và đến năm 9 tuổi mới học ngữ pháp. Vậy tại sao khi học tiếng Anh, ngay sau khi học ABC, học sinh đã phải học ngữ pháp, học cấu trúc câu? Học ngược như thế thì học sinh của chúng ta không thể giỏi ngoại ngữ được", bạn đọc Hoàng Thạch nói thêm.
Trong khi đó, chỉ ra những bất cập cần khắc phục để việc học tiếng Anh của học sinh Việt đạt hiệu quả tốt nhất, độc giả Đinh tiên phong đánh giá: "Giờ học Tiếng Anh ở trường, tôi thấy giáo viên vừa vào lớp đã chào hỏi ngay bằng một câu tiếng Việt, trong khi không nói một câu tiếng Anh giao tiếp nào. Vậy lấy gì, dựa vào đâu để việc học ngoại ngữ đạt được hiệu quả?
Ngoài ra, còn một số vấn đề tồn tại nữa như: phương pháp dạy và học hàn lâm, đặt nặng ngữ pháp, cấu trúc câu; giáo án lạc hậu; trình độ, kỹ năng của giáo viên chưa cao; học sinh, sinh viên chưa nhận thức đúng vai trò của ngoại ngữ nên thiếu động lực học tập... Chỉ khi chúng ta khắc phục được những vấn đề này thì may ra trình độ tiếng Anh của học sinh mới cải thiện".
Lê Phạm tổng hợp