101/155 dự án công được giao vốn bồi thường, giải phóng mặt bằng tại TP HCM chưa giải ngân được đồng nào, dù đã gần hết quý 3.

Thông tin nêu trong báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường về tình hình giải ngân vốn bồi thường, hỗ trợ, tái định cư dự án đầu tư công trên địa bàn. Năm nay, tổng vốn bồi thường cho 155 dự án ở thành phố khoảng 21.200 tỷ đồng. Hiện, các địa phương giải ngân được hơn 7.600 tỷ (đạt hơn 36%), phần lớn từ dự án Vành đai 3 TP HCM.

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường, đến ngày 13/9 chỉ có 30 dự án đảm bảo tỷ lệ giải ngân, 24 dự án đang chậm. Hơn 100 dự án có tỷ lệ giải ngân bằng 0. Nhiều nhất ở TP Thủ Đức với 26 dự án, Củ Chi 11, Bình Chánh 10, Hóc Môn 9... Với tỷ lệ này, các địa phương khó hoàn thành kế hoạch giải ngân.

1 Hon 100 Du An O Tp Hcm Chua Giai Ngan Dong Nao

Người dân ở huyện Hóc Môn phá dỡ nhà giao đất cho thành phố làm dự án Vành đai 3, tháng 6/2023. Ảnh: Thanh Tùng

Ngoài 155 dự án được giao vốn mới trong năm nay, các địa phương đã giải ngân được 3.900 tỷ đồng (khoảng 70%) trong tổng số 5.700 tỷ đồng của 116 dự án chuyển tiếp từ năm ngoái.

Về nguyên nhân giải ngân chậm, Sở Tài nguyên và Môi trường, cho biết do việc thẩm định dự toán chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư chưa chính xác, dẫn đến một số dự án sau khi lập xong hồ sơ bị dư ra một khoản không thể giải ngân.

Mặt khác, hệ số điều chỉnh giá đất chậm được duyệt cũng như một số vướng mắc trong bồi thường, hỗ trợ, tái định cư ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân. Ngoài ra, nơi tái định cư không được bố trí kịp cũng tác động việc duyệt hệ số điều chỉnh giá đất vì hai phần việc này phải thực hiện song song.

Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân, cơ quan này đề nghị dự án của năm ngoái đã duyệt hệ số điều chỉnh giá đất, địa phương cần vận động các hộ nhận tiền bồi thường, giao mặt bằng, để thực hiện dứt điểm. Với dự án được duyệt năm 2023, cần sớm ra quyết định thu hồi đất cho từng trường hợp bị ảnh hưởng và chi bồi thường.

TP HCM năm nay được giao vốn đầu tư công nhiều nhất nước với hơn 70.000 tỷ đồng, gồm cả phần đền bù, giải phóng mặt bằng và xây lắp. Số vốn này gấp đôi năm ngoái. Tính đến hết tháng 8, tỷ lệ giải ngân ở thành phố đạt gần 30%, cải thiện hơn cùng kỳ 2022. So với mục tiêu giải ngân ít nhất 95%, thành phố cần phải "tiêu" khoảng 46.000 tỷ đồng trong quý 4.

Gia Minh

Nguồn: VNEXPRESS.NET




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC