Bè nổi, phao xốp, váng dầu nổi trên mặt biển; hộp nhựa, chai lọ tràn lan trên vịnh Hạ Long trở thành nỗi ám ảnh với khách Tây.

Patricia Mayerhofer, một du khách người Úc vừa kết thúc hành trình khám phá vịnh Lan Hạ (Hải Phòng) và vịnh Hạ Long (Quảng Ninh) trên du thuyền vào cuối tháng 2. Sau chuyến đi, nữ du khách chia sẻ trên hội nhóm du lịch nổi tiếng về trải nghiệm của mình tại hai điểm đến này.

Patricia Mayerhofer cho biết, vịnh Hạ Long là địa điểm du lịch tuyệt đẹp của Việt Nam nếu như không xuất hiện đầy rác. "Mặt biển bẩn, có váng dầu, điều này thật khủng khiếp", nữ du khách viết.

1 Khach Tay Den Vinh Ha Long Khong Dam Boi Vi Rac Ngap Tren Bien

Chia sẻ của Patricia Mayerhofer trở thành chủ đề được bàn tán sôi nổi trên mạng xã hội. Bên dưới bài viết, rất nhiều bình luận khác của khách nước ngoài nói rằng họ cũng có những trải nghiệm tương tự khi đến vịnh Hạ Long.

2 Khach Tay Den Vinh Ha Long Khong Dam Boi Vi Rac Ngap Tren Bien

Khách quốc tế phàn nàn về vấn đề ô nhiễm biển tại vịnh Hạ Long (Ảnh: Chụp màn hình).

"I saw the same, it's horrible" (tạm dịch: Tôi cũng thấy điều tương tự, thật tồi tệ), một du khách bình luận.

Thực tế, đây không phải lần đầu tiên vịnh Hạ Long bị du khách nước ngoài than phiền về việc mặt biển đầy rác, ảnh hưởng đến cảnh quan và trải nghiệm của khách khi tham quan vịnh.

Ông Phạm Hà, CEO Lux Group, đơn vị chuyên tổ chức dịch vụ du thuyền tại Hạ Long, cho biết: Giữa tháng 1, khi tiễn một đoàn khách Pháp 10 người đi du thuyền Hạ Long, tham quan hai ngày một đêm, họ đã chia sẻ rất thích cảnh đẹp của vịnh nhưng chê thậm tệ môi trường bụi bẩn và rác.

"Hạ Long mênh mông là rác", họ nói với tôi và cho biết việc này khiến họ suy nghĩ về chuyện có nên quay lại vịnh lần nữa không", ông Phạm Hà nói.

Theo ông Hà, ô nhiễm môi trường đang là vấn đề nhức nhối trên vịnh. Rác bám vào khe đá, nổi trên mặt biển khiến khách nước ngoài không dám xuống bơi. Nhiều khách quốc tế bức xúc, truyền tai nhau và chia sẻ hình ảnh, trải nghiệm không tốt lên mạng xã hội, các trang du lịch lớn.

3 Khach Tay Den Vinh Ha Long Khong Dam Boi Vi Rac Ngap Tren Bien

Đơn cử, tại Vịnh Hạ Long, ước tính trung bình 4 tấn rác thải/ngày đêm, chủ yếu là rác thải nhựa trôi nổi trên biển (Ảnh: Patricia Mayerhofer)

Tương tự, đại diện Hội du thuyền Lan Hạ cũng cho biết, các đơn vị thành viên Hội Du thuyền đã đóng góp chi phí, nhân lực để vớt rác hàng ngày. Thậm chí khách quốc tế cũng tham gia vớt, tuy nhiên không thể dọn hết rác và vớt xong không có nơi chứa hay xử lý rác.

Theo các báo cáo thống kê từ Viện Nghiên Cứu Phát Triển Du Lịch (ITDR), lượng chất thải nhựa do khách du lịch thải ra các khu du lịch biển Việt Nam đến năm 2019 là khoảng 230.110 tấn.

Trung bình một ngày mỗi khách du lịch thải ra môi trường từ 5-10 túi ni-lon; 2-4 vỏ chai nhựa, hộp sữa và các vật dụng cá nhân bằng nhựa dùng 1 lần khác.

Thực tế, lượng rác thải nhựa xả ra môi trường tại các điểm đến du lịch chiếm tỷ lệ rất lớn và ngày càng tăng lên.

Đơn cử, tại Vịnh Hạ Long, ước tính trung bình 4 tấn rác thải/ngày đêm, chủ yếu là rác thải nhựa trôi nổi trên biển. Tại Sầm Sơn, trung bình 105 tấn rác thải/ngày đêm, trong đó, rác thải nhựa chiếm 24%, tương đương 25,2 tấn/ngày đêm.

Tình trạng ô nhiễm môi trường biển ảnh hưởng xấu đến hình ảnh du lịch Việt Nam, đặc biệt tại một điểm đến quốc tế được UNESCO công nhận như vịnh Hạ Long.

Nhiều doanh nghiệp tại Hạ Long cho biết, họ đã mất nhiều thời gian quảng bá hình ảnh, đổi mới sản phẩm, nỗ lực để thu hút dòng khách nhà giàu châu Âu.

Tuy nhiên, rác thải trên vịnh khiến nhiều khách quốc tế dù yêu thích dịch vụ đến mấy cũng không muốn quay lại. Doanh nghiệp cho rằng, cần có giải pháp quyết liệt về vấn đề rác thải trên vịnh.

Nguồn: Báo điện tử Dân trí




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC