Khi các ông bà cử tương lai bảo Thanh Hóa... giáp Đồng Nai!Đó là những thế hệ kẻ sĩ của thời đại mới. Và họ trả lời câu hỏi "tỉnh nào phía Bắc giáp Thanh Hóa, phía Nam giáp Hà Tĩnh, phía Tây giáp Lào, phía Đông giáp biển Đông?" là Đồng Nai, Tây Ninh…!

Một lần mở tivi, tôi tình cờ xem chương trình Rung chuông vàng mà đội chơi là sinh viên Trường Đại học Hùng Vương, Phú Thọ - một địa chỉ thuộc cố hương mình, thì lấy làm vui lắm.

Ngày ngày bận việc, chẳng có nhiều thời gian để thường xuyên xem truyền hình, nhưng có một số chương trình, “game show” có nội dung thi thố, đấu trí về sự hiểu biết, về tri thức và trí thông minh của lớp trẻ như: Đường lên đỉnh Olympia, Rung chuông vàng…vẫn lôi cuốn, phấn khích mỗi khi tôi có thời gian rảnh rỗi để xem.

 
Nữ MC đọc câu hỏi: “Tỉnh nào mà phía Bắc giáp Thanh Hoá, phía Nam giáp Hà Tĩnh, phía Tây giáp Lào, phía Đông giáp biển Đông?”. Người dẫn lại có ý gợi: “Đó là quê hương của ai?”.

Thật bất ngờ, khi những chiếc bảng trả lời của các nam thanh nữ tú mở ra, không ít trong số các ông bà cử tương lai có đáp án là Đồng Nai, Tây Ninh…!

Tôi thật sự bị hẫng. Cơn buồn dấm dứt mấy ngày liền chưa nguội, không biết có phải mình là người cả nghĩ, hay vì chạnh lòng cố hương? Câu hỏi tưởng quá dễ dàng với đối tượng là sinh viên, lại là những sinh viên, chắc chắn phải được tuyển chọn kỹ để nhằm cái đích rung được “Chuông vàng” hẳn hoi cơ mà, sao có thể nhầm lẫn, mù mờ về địa lý quốc gia một cách đáng kinh ngạc như thế?!

Ngẫm lại, sự kiện này quả không khác nhiều những bài thi sử, thi văn “siêu tưởng tượng”, đọc mà kinh hoàng, mà cười ra nước mắt trong những kỳ thi phổ thông trung học những năm gần đây.
 
Chẳng hạn như: “Sau Lê Lai, Lê Lợi không chịu được cảnh lòng mang dạ sói của thực dân Pháp, đã nổi dậy đấu tranh năm 1975”, “Đến 30/4/1975 bộ đội ta tiến thẳng và bao vây Điện Biên Phủ”, hay “Rạng sáng 1/1 1975, nhân lúc quân lính Mỹ say sưa, quân ta tấn công, giặc bỏ cả đồn bốt chạy sang Trung Quốc” (viết về ý nghĩa lịch sử của Tổng tấn công và nối dậy mùa xuan 1975)...
 
Ôi, có học sinh, sinh viên nước nào lại giỏi “mần văn” như sinh viên nước ta không nhỉ?
 
Kiến thức địa lí, lịch sử, văn học như vậy quả thực đáng báo động về chất lượng và phương pháp giáo dục. Mà không biết về đất đai, sông núi, lơ mơ về lãnh thổ đất nước mình thì làm sao có niềm tự hào, sự trân trọng về Tổ quốc?
 
Một tổ quốc mà có khi chỉ giản dị là những viên cuội dưới lòng khe, những dải cát vàng tít tắp, những hòn đảo khơi xa gió bão cũng là máu thịt mình, là những giá trị thiêng liêng mà ông cha để lại, phải được giữ gìn, bảo vệ nó.

Thế nên, từ hôm đó, tôi lại cứ vẩn vơ thế này, nên chăng trong mỗi phòng học, bên cạnh bục giảng của thầy cô, cần treo một tấm bản đồ Việt Nam (có thể cả một bản đồ thế giới ở bên đối diện để thấy ta trong thế giới) đóng khung trang trọng, có tín hiệu dễ nhận dạng (đèn báo, màu sắc chẳng hạn), có các thông số về diện tích, chiều dài đất nước, tiềm năng biển đảo…để con em chúng ta, từ năm nọ tới năm này, đất đai, vóc dáng tổ quốc, các địa danh, các điểm lịch sử, trong bài học và cả ngoài bài học, ngấm vào máu thịt, vào trái tim mình như một lẽ tự nhiên vậy.

Vì những điều giản dị nhưng không nhỏ bé này, xin rung một hồi chuông báo động, để tất cả dân ta phải biết sử địa của ta, chứ không chỉ những người đi thi để được "Rung chuông vàng".
 
Nhớ lời các bậc tiền nhân còn ghi ở văn bia tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám: “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia”. Nguyên khí phải được chăm sóc, nuôi dưỡng và hướng đạo mới trở thành nghiệp nước.
 
Trần Quang Quý.



 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC