Với mục tiêu đón 4,2 triệu lượt khách quốc tế và 27-28 triệu lượt khách nội địa trong năm nay, ngành du lịch đã tỏ ra quan tâm hơn tới việc hợp tác với ngành thương mại.
Tổng cục Du lịch đã chính thức công bố chương trình kích cầu du lịch năm năm 2010, với tên gọi "Việt Nam - Điểm đến của bạn". Chương trình gồm bảy nội dung, trong đó có ba nội dung mới là: bán hàng giảm giá vào mùa thấp điểm “Impressive Viet Nam Grand Sale 2010” nhằm thu hút khách du lịch cả trong vào ngoài nước; chương trình xúc tiến tại chỗ dành cho khách du lịch đã đến Việt Nam với khẩu hiệu “Việt Nam thân thiện chào đón bạn” và chương trình hướng về cội nguồn dành cho Việt kiều.
Nhưng có lẽ điểm nhấn của chương trình này chính là chiến dịch bán hàng giảm giá "Impressive Vietnam Grand Sale 2010" vào mùa thấp điểm của du lịch, vào tháng 8-9 hàng năm. Mục đích của chiến dịch không chỉ giúp tiêu thụ hàng hóa mà còn thu hút khách du lịch cả trong và ngoài nước.
Ông Vũ Thế Bình, Vụ trưởng Vụ Lữ hành, Tổng cục Du lịch cho biết: nguồn thu nhập chính của ngành du lịch nhiều nước như Thái Lan, Malaysia và Singapore chính là từ việc mua sắm của du khách. Các quốc gia này đã rất thành công trong việc tổ chức các chiến dịch bán hàng giảm giá.
Cũng theo thống kê, du khách đến Việt Nam có chi phí cho mua sắm chỉ 10 - 14%, trong khi đó ở Thái Lan, con số này lên tới 51%. Chính vì thế, bắt đầu từ năm nay, ngành du lịch Việt Nam sẽ áp dụng mô hình du lịch kết hợp mua sắm.
Theo đó, vào mùa thấp điểm của ngành du lịch Việt Nam, Tổng cục Du lịch sẽ phối hợp với Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) để thực hiện chiến dịch bán hàng giảm giá tại một số thành phố lớn, trung tâm du lịch của nước ta là Hà Nội, Ðà Nẵng và Tp.HCM… Đối tượng tham gia là các siêu thị, cửa hàng mua sắm, cửa hàng thủ công mỹ nghệ, các điểm du lịch, khách sạn, nhà hàng...
Tại các điểm tham gia chiến dịch này sẽ diễn ra hàng loạt các chương trình như: bốc thăm trúng thưởng cho du khách mua hàng tại các siêu thị, mở hội chợ bán hàng giảm giá từ 10-50%... Về phí du khách chỉ cần xuất trình hộ chiếu hoặc chứng minh nhân dân để nhận thẻ ưu đãi để tham gia các chương trình.
Tuy nhiên, tới thời điểm này, qua trao đổi với đại diện nhiều công ty du lịch tại Hà Nội, hầu hết các đơn vị mới biết được chủ trương này, còn việc triển khai thực hiện vẫn chưa được hướng dẫn.
“Từ định hướng đến thực hiện phải có những hướng dẫn. Trên thực tế, đã có không ít văn bản được ban hành, nhưng mỗi địa phương lại thực hiện một cách khác nhau”, ông Trần Văn Ân, Giám đốc Trung tâm Du lịch Biển Xanh thuộc Công ty Khách sạn du lịch Thắng Lợi cho hay.
Về phía ngành thương mại, “tuy ngành du lịch “ngỏ lời” muộn với ngành thương mại, nhưng muộn còn hơn không”, bà Đinh Thị Mỹ Loan Tổng thư ký Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam nhìn nhận.
Cũng theo bà Loan, việc thực hiện thành công Tháng khuyến mại Tp.HCM vào tháng 9 và Tháng khuyến mại Hà Nội vào tháng 11 năm 2009 chính là những tiền đề quan trọng cho việc liên kết giữa hai ngành.
Tuy nhiên, sau thời điểm “khơi mào”, đến nay đã gần 2 tháng nhưng phía Tổng cục vẫn chưa có buổi làm việc trở lại với Hiệp hội để bàn bạc về kế hoạch triển khai cụ thể.
Do vậy, theo ý kiến của bà Loan, để chiến dịch này phát huy hiệu quả và mang lại lợi ích cho các bên tham gia, Tổng cục Du lịch cần sớm làm việc với các sở công thương các tỉnh để cơ quan này có thông báo kịp thời đến các doanh nghiệp trên địa bàn để họ sớm có kế hoạch tham gia.
Theo VnEconomy.