Khoai lang lệ thuộc Trung Quốc, dân lại điêu đứngTrong lúc người dân ở vùng ĐBSCL ồ ạt mở rộng diện tích trồng khoai lang để cùng cấp cho Trung Quốc thì nay họ tự trồng và không mua tiếp...

 Theo thông tin trên tờ Dân Việt, hiện bà con ở huyện Bình Tân - nơi có diện tích trồng khoai lang lớn nhất tỉnh Vĩnh Long và vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang gặp khó.

Khoai lang ế vì Trung Quốc chuyển từ thu mua sang tự trồng?

Phần lớn người trồng khoai ở ĐBSCL đều lỗ. Theo một hộ dân tính toán khi thu hoạch 7.000m2 chỉ được trên 90 tạ, bán ra được khoảng 27 triệu đồng. Nếu tính cụ thể thì 1.000m2 bỏ vốn khoảng 6 triệu đồng, nhưng tổng số tiền trên chia ra thì 1.000m2 chỉ được khoảng 3,8 triệu đồng, tức lỗ khoảng phân nửa vốn đầu tư.

Tình trạng trên khiến ngay cả các tổ viên của HTX Dịch vụ nông nghiệp Thành Đông (xã Thành Đông), nơi có nhiều kinh nghiệm sản xuất khoai lang trong nhiều năm qua cũng không tránh khỏi tình trạng thua lỗ.

Tình trạng thua lỗ khiến nhiều hộ dù khoai đã đến kỳ nhưng vẫn chưa thu hoạch mà cố chờ giá lên.

 Được biết, trong năm 2014 này chỉ ở tháng 2, khoai có giá cao nhất là 700.000 đồng/tạ, còn lại giá khoai lang liên tục giảm từ tháng 4, tháng 5 trở lại đây xuống còn mức dưới 500.000 đồng/tạ.

Ông Ngô Văn Tua, Chủ nhiệm HTX Dịch vụ nông nghiệp Thành Đông, cho biết: nguyên nhân dẫn đến giá khoai thấp là do phía Trung Quốc – thị trường chính tiêu thụ khoai lang của nước ta đang có khoai (tự sản xuất), nên nhu cầu không cao.

“Mình chỉ cung cấp qua đó bằng đường tiểu ngạch nên phải lệ thuộc, do bên đó định giá cả. Vì thế, các ngành chức năng cần tích cực hướng dẫn biện pháp khắc phục bệnh như hiện tượng khoai đột nhiên bị chết dây, nấm… và sâu đục vỏ (đục vào vỏ khoảng 3-4cm), can thiệp cung cầu thị trường, nếu không khoảng 2 năm nữa, sẽ không còn người trồng khoai”- ông Tua nói.

Dân trồng ớt cũng bị lừa

Mới đây nhiều người trồng ớt ở Đồng Tháp cũng điêu đứng vì ớt nghe lời thương lái Trung Quốc trồng giống ớt lạ, xong rồi bỏ, không chịu mua…

Phòng Nghiên cứu khoa học Sở NNPTNT tỉnh Đồng Tháp cho biết, năm 2013, toàn tỉnh có hơn 2.000ha đất trồng ớt, năng suất bình quân từ 21 - 25 tấn/ha. Tổng sản lượng ớt của tỉnh Đồng Tháp trên 50.000 tấn/năm.

Theo tính toán ở thời điểm tháng 4/2014, giá ớt loại 1 là 15.000 đồng/kg; loại 2 là 13.000-14.000 đồng/kg. Trong khi đó, chi phí đầu tư để sản xuất tính ra lên ít nhất cũng 20.000 đồng/kg do các chi phí phân, thuốc, nhân công chăm sóc, thu hoạch liên tục tăng.

Như vậy với giá này sau khi trừ chi phí, các hộ gia đình phải chịu lỗ 3.000 – 6.000 đồng/kg. Cứ nhân con số lỗ của mỗi kg ớt lên so với diện tích ớt trồng tại địa phương này thì đủ thấy mức thiệt hại đến đâu.

Khoai lang lệ thuộc Trung Quốc, dân lại điêu đứng_0
Cây ớt cũng khiến nhiều hộ dân tại Đồng Tháp phải ngậm đắng nuốt cay

Mới đây thứ trưởng bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Hà Công Tuấn cho biết: "Hiện phía Trung Quốc đang tăng cường giám sát xuất nhập khẩu tiểu ngạch. Thời gian tới, thậm chí một số cửa khẩu có khả năng sẽ dừng một thời gian để họ chấn chỉnh các quy định”.

Theo ông Tuấn, chúng ta nói doanh nghiệp phải chuyển sang chính ngạch nhưng đã không có chính sách gì hoặc chính sách thực thi không hiệu quả để hỗ trợ chuyển đổi. Thương nhân Trung Quốc vẫn tự do thoải mái chi phối việc mua hàng hoá Việt Nam.

"Họ tạo điều kiện cho những cách làm khiến hàng hoá Việt Nam mất uy tín như gắn đinh vào tôm, trộn bùn đất vào chè xanh… Trong khi đó, những người cố gắng làm hàng tốt lại không được hỗ trợ tìm thị trường, hỗ trợ có một môi trường cạnh tranh công bằng để phát triển", ông Tuấn nói.

Theo Phương Nguyên
Báo Đất Việt




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC