Trong khi người tiêu dùng chưa hết bức xúc vì những chuỗi bán lẻ Khai Silk, Con Cưng, Mumuso... bán hàng giả mạo xuất xứ thì dân kinh doanh lại thấy bình thường vì việc này diễn ra rất nhiều năm ở khắp các chợ, cửa hàng, thậm chí cả trung tâm thương mại

42 1 Khong Chi Con Cung Khai Silk Hang Cat Mac Thay Nhan Ban Day Cho

Khảo sát của phóng viên Báo Người Lao Động tại một số chợ lớn ở TP HCM chuyên kinh doanh hàng quần áo, may mặc như chợ Tân Bình (quận Tân Bình), chợ An Đông (quận 5), cho thấy quần áo toàn hàng hiệu bày bán la liệt, nhất là mặt hàng quần jean với đủ nhãn hiệu nổi tiếng thế giới như Levis, CK… nhưng giá chỉ hơn trăm ngàn đồng/cái.

Tại một sạp quần áo tại chợ Tân Bình, người bán đưa ra cả rổ đầy đủ các hiệu quần jean bằng chất liệu simili, kim loại để may hoặc nẹp lên quần và cho biết khách đặt hàng thích hiệu gì thì họ sẽ may lên ngay hiệu đó.

Ông Lê Nguyên Bình, chủ một sạp quần áo tại chợ, cho biết quần jean ở đây chủ yếu được may ở khu vực Tân Bình, giá bỏ sỉ chỉ vài chục ngàn đồng/cái, nếu hàng tốt thì trên trăm ngàn đồng là cao.

Bà Hạnh, kinh doanh quần áo tại chợ Bình Tây (quận 6), nhìn nhận trước đây có thông tin quần áo Trung Quốc chứa chất gây ung thư nên người tiêu dùng tẩy chay và chỉ chọn hàng Việt Nam.

Tuy nhiên, sau đó nguồn quần áo Trung Quốc vẫn tiếp tục tràn về do giá quá rẻ. Để bán được hàng này "người ta" phải tháo nhãn mác Trung Quốc thay bằng nhãn Việt Nam.

Cách làm này đã trở nên khá phổ biến tại các chợ, thậm chí nó còn vô cả cửa hàng.

42 2 Khong Chi Con Cung Khai Silk Hang Cat Mac Thay Nhan Ban Day Cho

Quần jean bày bán ở chợ đa phần đầu gắn mác các thương hiệu nổi tiếng trên thế giới (Ảnh: Tấn Thạnh)

Trong khi đó, các mặt hàng mắt kính, đồng hồ, túi xách, dây nịt… hàng hiệu Omega, Orient, Gucci, LV, Dior, Prada, Versace, Guess, Channel… được bày bán đầy tại các chợ Bến Thành, An Đông với giá chỉ vài trăm ngàn cho đến hơn một triệu đồng cho một sản phẩm.

Người bán, người mua biết rõ việc này nhưng đều nhắm mắt cho qua.

Ông Lê Thanh Huy, một chủ của hàng kinh doanh mắt kính, đồng hồ tại chợ Bến Thành, cho rằng những mặt hàng này bày bán trên thị trường phần lớn là hàng giả, hàng xách tay, hàng lậu.

Loại hàng này bán ra lời gấp nhiều lần so với giá vốn, do đó tiểu thương lao vào kinh doanh mặt hàng này, họ sẵn sàng đóng phạt khi bị cơ quan chức năng kiểm tra.

42 3 Khong Chi Con Cung Khai Silk Hang Cat Mac Thay Nhan Ban Day Cho

Túi xách tại các chợ cũng toàn hàng hiệu (Ảnh: Tấn Thạnh)

Ông Nguyễn Văn Bách, Chi cục phó Chi cục QLTT TP HCM, nhận định hàng hóa nhập lậu chủ yếu có xuất xứ từ Trung Quốc do giá thành rẻ, nhiều chủng loại, đa dạng mẫu mã. Thời gian qua chi cục cũng kiểm tra hàng giả, hàng lậu tại các chợ truyền thống, trung tâm thương mại, tạm giữ 67.817 đơn vị sản phẩm giả.

Hình thức xử phạt còn nhẹ cũng như việc phối hợp kiểm tra giữa các cơ quan chức năng chưa đồng bộ, ban quản lý trung tâm, chợ cũng chưa quyết liệt kiểm soát.

Hàng lậu, hàng giả còn được quảng cáo, giao dịch mua bán qua các trang mạng xã hội, website.

Hàng đặt mua từ các website nước ngoài, sau đó được xách tay, vận chuyển bằng đường sắt, hàng không, đường biển về Việt Nam gây khó khăn cho cơ quan chức năng.

Cũng theo ông Bách, việc kiểm tra các trang mạng điện tử chưa đi vào chiều sâu, chỉ mới xử lý phần lớn các trường hợp thiết lập website thương mại điện tử bán hàng mà không thông báo với cơ quan quản lý nhà nước. Chưa khai thác thông tin nguồn gốc hàng hoá, nơi cất giấu, chứa trữ hàng hóa hay đầu mối cung cấp cho các đối tượng kinh doanh.

Ông Đỗ Ngọc Chính, Phụ trách văn phòng phía Nam Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam, nhận xét việc buôn bán hàng hóa trên thị trường hiện nay khá phức tạp, tinh vi.

Hàng hóa kém chất lượng len lỏi vào cả trung tâm thương mại lớn, hệ thống của hàng tiện ích. Do đó người tiêu dùng cần phải tỉnh táo để chọn lựa hàng hoá. Hội sẵn sàng đồng hành cùng người tiêu dùng tìm đến các cơ quan chức năng để giải quyết đến cùng.

Khách hàng muốn kiện Con Cưng ra toà

Liên quan vụ thương hiệu Con Cưng "treo đầu dê bán thịt chó" lừa người tiêu dùng bằng việc cắt và thay mác nhãn hiệu, trao đổi với báo chí ngày 24-7, anh Trương Đình Công Vĩnh, người mua bộ quần áo bé gái nghi bị lỗi của Con Cưng, cho biết sẽ khởi kiện Con Cưng ra toà.

"Hiện tại, tôi không quan tâm đến vấn đề bồi thường, điều mà tôi quan tâm là chất lượng về sản phẩm của Con Cưng. Con Cưng đã đánh lừa niềm tin của hàng triệu người, vì vậy cần phải làm rõ nguồn gốc xuất xứ của những sản phẩm mà Con Cưng đã nhập về và bán cho người tiêu dùng Việt.

Quy trình kiểm tra sản phẩm của doanh nghiệp này thực sự có được thực hiện chặt chẽ hay không?

Sản phẩm đã thật sự hoàn thiện hay chưa khi đưa ra thị trường... phải kiểm tra chặt chẽ những khâu đó, vì đâu phải để xảy ra lỗi mới nói là do quy trình kiểm tra chưa chặt chẽ" - anh Vĩnh nói.

Nguyễn Hải

Nguồn: Báo điện tử Người Lao Động

 




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC