Khi bạo lực đang được sử dụng thì sử dụng bạo lực để tạm thời chấm dứt nó là khó tránh. Nhưng bài học muôn thuở ở bất cứ đâu, bạo lực (đơn thuần) chỉ nuôi dưỡng thêm bạo lực.
“Ngã” ở đâu thì phải đứng dậy ở đó; đánh mất dân thì phải nỗ lực lấy lại từ dân.
Một trí thức có gia đình sống nhiều chục năm ở Tây Nguyên nhận xét rằng, “Sau sự kiện ‘nhà nước Đề Ga 2003”, giao thông, điện, y tế rất được nhà nước quan tâm, cuộc sống của người dân Tây Nguyên thay đổi vượt bậc. Nhưng, đất đai vẫn là một vấn đề lớn”. Ức chế không chỉ bị thu hồi đất. Theo ông, “Ở một số buôn làng, đồng bào bán hết đất cho người Kinh, thậm chí không còn đất để địa táng theo truyền thống cha ông họ”.
Chính quyền cơ sở, nhất là xã, rất khó xử. Đồng bào phá rừng, nếu mà ngăn họ thì họ không còn kế sinh nhai. “Tao đói, cán bộ có cho tao ăn ko?”. Nhưng, nếu làm ngơ, thì họ phá rừng, làm rẫy thuần thục tầm 5 năm, bán cho người Kinh, rồi lại tìm khoảng rừng mới, phá tiếp... Cứ thế, đồng bào các dân tộc lùi sâu, lùi sâu…
Nếu bỏ qua yếu tố văn hóa và lịch sử, chúng ta sẽ thấy thật vô lý, tại sao sau khi đã xài hết tiền bán đất, “Đồng bào” lại đổ lỗi, “Do người Kinh nên tụi tao mới khó khăn”.
Nhưng, Tây Nguyên ngày xưa là “vùng người thượng”. Kể từ khi Tây Nguyên nằm trong ranh giới quốc gia Việt Nam, Tây Nguyên trở thành “vùng kinh tế mới của người Kinh”. Ngày xưa, Tây Nguyên không chỉ là một lãnh địa mà còn là một thế lực. Họ sử dụng gỗ, ngà voi, sừng tê, kỳ nam, mật ong… để đổi lấy muối, gạo, vải vóc… và “nói chuyện phải quấy” với người Kinh.
Ngày nay, cùng khai thác những lâm sản ấy, người Kinh có lợi thế hơn nhiều. Người Kinh phá rừng đại ngàn bằng máy móc, vận chuyển gỗ và các sản vật quý hiếm bằng xe cộ… Người Kinh ở Tây Nguyên tự giao du với người Kinh ở miền xuôi. Người Thượng không còn công cụ và cơ hội để “nói chuyện” với người Kinh nữa. Không gian sống tại chỗ của họ bị thu hẹp, cơ hội ảnh hưởng ra ngoài, không còn.
Không chỉ có người Thượng ở Tây Nguyên, trong cộng đồng các dân tộc của quốc gia Việt Nam, nhiều dân tộc vừa có bản sắc hơn hẳn người Kinh vừa có tư chất thông minh không kém người Kinh. Nhưng cả người Thượng và hơn 50 dân tộc thiểu số khác luôn thua kém người Kinh cơ hội tiếp cận kinh tế, văn hóa cũng như chính trị.
Tối qua, VTV đưa phát biểu của ba thanh niên người dân tộc bị bắt trong vụ bạo loạn, họ đều có vẻ như chưa đến 30. Nhưng, một người trong số họ phải nói qua phiên dịch, hai người còn lại không nói sõi tiếng Việt [ít học có thể là nguyên nhân khiến họ dễ bị kích động mua chuộc hơn].
Trong số 53 dân tộc ở Việt Nam, có 33 dân tộc có chữ viết riêng nhưng ngay từ khi vào trường, họ đã không được học bằng tiếng mẹ đẻ. Trong một quốc gia mà người Kinh chiếm 85,3% thì việc lấy tiếng Việt làm ngôn ngữ chính là không có gì phải bàn cãi. Tuy nhiên, chỉ tính riêng về ngôn ngữ, phải thấy, hơn 14,1 triệu người dân tộc thiểu số đã thua kém người Kinh ngay từ khi mới ra đời.
Một nhà báo người Dao nói với tôi rằng, kể cả khi đi học và đi làm, để bằng được người Kinh, chị phải nỗ lực gấp 3 lần.
Sự kiện những người dân bản địa sử dụng bạo lực lúc 0:35 phút ngày 11-6-2023 ở Tây Nguyên mang màu sắc xung đột sắc tộc, văn hóa [bao gồm tôn giáo]. Nó vừa gây tội ác nhưng cũng chứa đựng những ẩn ức của những người cảm thấy bị thua thiệt trong mọi phương diện, bị dồn nén trong không chỉ một thế hệ. Việc tháo gỡ, vì thế, chỉ bạo lực cũng sai, chỉ tiền bạc cũng sai mà chỉ đối phó, sách lược cũng sai.
Nên hoãn việc sửa Luật Đất Đai cho đến khi thực sự tìm được những công cụ chính sách hóa giải các xung đột không chỉ giữa người Kinh với người Thượng mà còn phải hóa giải được các xung đột trong nội bộ người Kinh, trong nội bộ các gia tộc, gia đình.
Không thể cấm người dân tộc bán đất cho người Kinh hay cấm người Kinh mua đất của người dân tộc vì làm như thế là tước bớt quyền về tài sản của người dân tộc.
Nhưng cũng không để quyền này phá vỡ các không gian sinh tồn của người dân tộc.
Đồng bào các dân tộc mạnh hơn khi họ sống trong một cộng đồng. Cộng đồng cần một “không gian sinh tồn”. Và, theo kinh nghiệm từ nhiều cộng đồng thiểu số trên thế giới, hành động tập thể [collective action] thường có kết quả bảo vệ “không gian sinh tồn” tốt hơn những nỗ lực cá nhân.
Nên xác lập sở hữu cộng đồng ["community ownership" hoặc "collective ownership"] về tài nguyên kể cả đất, rừng, nước, thuỷ sản, khoáng sản... trong “không gian sinh tồn” đó cho các cộng đồng dân tộc. Bằng cách này, vừa bảo vệ được “không gian sinh tồn” đặc thù vừa không hạn chế quyền tìm kiếm cơ hội khác, như mua đất, làm ăn… riêng lẻ, bên cạnh người Kinh của người dân tộc.
Nên thu hẹp khoảng cách bất bình đẳng về cơ hội tiếp cận với tri thức bằng cách thiết lập chế độ giáo dục song ngữ. Học sinh cấp I được học các kiến thức phổ thông bằng tiếng mẹ đẻ, đồng thời, tiếng Việt là một môn học riêng. Từ cấp II, chương trình học chính bằng tiếng Việt nhưng phải có giáo viên bản ngữ trợ giúp đảm bảo các em theo kịp phần kiến thức phổ thông không được học bằng tiếng mẹ đẻ.
Cho dù trong thời đại ngày nay, các em có thể tìm kiếm các phương tiện nghe nhìn để tự học tiếng Việt. Môn tiếng Việt như là một ngôn ngữ thứ hai phải luôn được dạy cho đến khi các em đủ chuẩn vào đại học.
Ở những huyện xã, nơi có những cộng đồng người dân tộc thiểu số sống lâu đời, nên ấn định số lượng đại biểu HĐND người dân tộc không thấp hơn 40% [ngay cả khi tỷ lệ người dân tộc thấp hơn 40%] hoặc cho họ quyền phủ quyết một số chính sách liên quan.
Thay vì áp dụng chế độ “Đảng cử dân bầu” với những đại biểu này nên để các cộng đồng đưa những người tiêu biểu, thực sự nói tiếng nói của họ vào các cơ quan dân cử [Trong số 499 đại biểu Quốc hội khóa XV có 89 đại biểu “Đảng cử” người dân tộc thiểu số].
Trong một quốc gia có 54 dân tộc thì bản sắc dân tộc phải là sự đa dạng, không thể “phát huy” chúng bằng cách “xây một nhà hát các dân tộc” ở Thủ đô. Áp đặt ngôn ngữ hay lấn át, xóa nhòa bản sắc thiểu số chỉ là sự đồng hóa, không những không thể hóa giải mà còn nuôi dưỡng mầm xung đột.
Đừng nghĩ đồng bào các dân tộc đương nhiên có nghĩa vụ biết ơn khi người Kinh đặt không gian sinh tồn của họ vào phần “bờ cõi” mà người Kinh “mở mang”.
Đúng là họ chưa từng “độc lập” với tư cách một quốc gia. Nhưng ở trong quốc gia ấy, nếu người thiểu số “lép vế”, vừa phải chia sẻ với người Kinh không gian sinh tồn của mình, vừa không có cơ hội ngang bằng với người Kinh khi muốn vươn ra thì nếu họ có coi người Kinh như thực dân chúng ta cũng không nên trách họ.
Nhà báo Huy Đức