Thế giới có quỹ phúc lợi xã hội
Thông qua Đất Việt, GS.VS Trần Đình Long, Phó Chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam đã góp ý cho dự thảo quyết định Thủ tướng quy định về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân vừa được Bộ Công thương công bố để xin ý kiến nhân dân.
Theo đó, những người thuộc diện chính sách, người có công, người già... đều được Nhà nước trợ giúp nhằm đáp ứng những nhu cầu thiết yếu trong cuộc sống. Đây là một quỹ rất lớn mà các nước phát triển đều có và nó còn trợ giúp cho cả người dân khi thất nghiệp, khó khăn trong việc làm, sức khỏe yếu....Quan tâm đến đề xuất lập quỹ bình ổn giá điện trong dự thảo của Bộ Công thương, GS.VS Trần Đình Long cho biết, thông thường ở nhiều nước phát triển không có quỹ mang tên quỹ bình ổn giá điện mà có quỹ phúc lợi xã hội.
Ở Việt Nam cũng đã đề xuất ý tưởng này từ lâu nhưng cho đến nay vẫn chưa thực hiện được. Riêng đối với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cách đây khá lâu cũng đề xuất ý tưởng lập một quỹ để phục vụ công ích như điện khí hóa nông thôn, các gia đình chính sách, khó khăn sẽ được hỗ trợ trực tiếp từ quỹ này.
"Nếu làm được như vậy thì tôi cho rằng rất tốt", GS.VS Trần Đình Long nói.
Cũng theo vị chuyên gia, cơ chế hoạt động của quỹ bình ổn giá điện sẽ gần giống như quỹ bình ổn giá xăng dầu để không phải thay đổi giá điện quá nhiều lần trong một năm hoặc biên độ thay đổi quá lớn gây xáo trộn trong sản xuất và trong sinh hoạt. Nhưng ông nhấn mạnh, nếu làm được quỹ công ích hay quỹ phúc lợi xã hội thì sẽ giải quyết nhiều vấn đề rộng hơn.
Nên trích từ lợi nhuận doanh nghiệp điện
Theo dự thảo của Bộ Công thương, nguồn hình thành quỹ bình ổn giá điện sẽ được trích từ giá bán điện và sẽ tính vào chi phí sản xuất kinh doanh điện. Tuy nhiên, quỹ chỉ được trích lập khi các yếu tố đầu vào hình thành giá bán điện giảm so với hiện hành và chi phí sản xuất kinh doanh điện bị “treo” (chưa được tính hết vào giá bán điện) đã được xử lý hết.
Theo GS.VS Trần Đình Long, việc lập quỹ bình ổn giá điện nên lấy từ sự đóng góp của các đơn vị điện lực. Theo đó, doanh thu và lợi nhuận của các doanh nghiệp có thể khác nhau, có công ty rất thuận lợi, ví dụ nơi dân cư tập trung cao, địa bàn không kéo dài thì tổn thất và khó khăn về quản lý ít, phúc lợi của họ cao hơn. Còn công ty phụ trách nơi không thuận lợi thì phúc lợi sẽ ít đi. Do vậy, tùy theo tình hình cụ thể của các đơn vị điện lực mà họ đóng góp vào quỹ này.
"Như vậy, nếu trích quỹ thì nên lấy nguồn từ lợi nhuận của ngành điện. Nói cho cùng nó cũng sẽ ảnh hưởng đến giá điện vì đó chính là tiền của người dân trả cho việc dùng điện, ngành điện có doanh thu từ việc bán điện mà ra. Tuy nhiên phải làm thế nào để việc đóng góp vào quỹ bình ổn giá điện hợp lý hơn. Mức đóng góp của các đơn vị trong EVN nói riêng hay trong ngành điện nói chung có thể khác nhau, ví dụ đơn vị nào doanh thu nhiều, lợi nhuận cao thì đóng góp nhiều, nơi nào doanh thu thấp thì huy động đóng góp ít", GS.VS Trần Đình Long đề xuất.
Trước lo ngại người dân sẽ phải trả thêm tiền điện để bình ổn giá điện cho các doanh nghiệp dùng công nghệ lạc hậu, hao tổn điện năng, GS.VS Trần Đình Long cho biết, Nhà nước đã có nhiều quy định để hạn chế việc này, như ra các chính sách về nhập khẩu thiết bị, đánh thuế đối với những doanh nghiệp có công nghệ thấp, tiêu thụ nhiều điện năng, dán nhãn năng lượng các sản phẩm nhằm định hướng cho khách hàng mua sắm sản phẩm tiết kiệm điện năng.
Bàn đến việc giá điện Việt Nam vận hành theo cơ chế thị trường, vị chuyên gia lưu ý điều này có nghĩa giá điện sẽ phải thay đổi các yếu tố đầu vào để thích ứng với giá thế giới tuy nhiên thị trường thế giới nhiều lúc thay đổi quá nhanh với biên độ quá lớn nên mục đích của các giải pháp là làm thế nào đảm bảo được thay đổi theo biến động của yếu tố đầu vào nhưng không quá thường xuyên, không quá lớn trên thị trường.
Thành Luân