Đại biểu Phạm Văn Hòa cho rằng chỉ nên quy định thẩm quyền của Hà Nội khi quyết định các dự án chuyển đổi dưới 1.000ha rừng, dưới 500ha đất lúa; còn trên mức này thì cần xin cấp có thẩm quyền.

1 Khong Nen Cho Phep Ha Noi Quyet Dinh Du An Dau Tu Chuyen Doi Tren 1000ha Rung

Đại biểu Nguyễn Hải Anh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Chữ thập đỏ Việt Nam (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp) cũng nêu quan điểm Hà Nội cần đặt trọng tâm vào việc giữ gìn hơn nữa diện tích đất trồng rừng và coi việc nâng tỷ lệ che phủ rừng của Hà Nội là vấn đề sống còn, cốt lõi.

Đại biểu Nguyễn Hải Anh dẫn số liệu của thành phố Hà Nội cho biết tổng diện tích rừng và diện tích chưa thành rừng của thành phố này năm 2022 chỉ có trên 27.000 ha; trong đó diện tích có rừng chỉ 18.573 ha (với hơn 7.500 ha rừng tự nhiên và 11.000 ha rừng trồng), diện tích chưa thành rừng là 8.500 ha.

Với diện tích trên, theo đại biểu Nguyễn Hải Anh thì tỷ lệ che phủ rừng của Hà Nội chỉ đạt 5,59%, thuộc nhóm tỉnh, thành có tỷ lệ che phủ rừng thấp trong cả nước, thấp hơn nhiều so với mức trung bình của đồng bằng sông Hồng là 21,26%.

Từ băn khoăn đó, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Chữ thập đỏ Việt Nam cho rằng Hà Nội cần hạn chế tối đa dự án có yêu cầu chuyển đổi diện tích đất rừng sản xuất và có giải pháp tăng thêm diện tích cây xanh trong trung tâm đô thị thành phố.

Vị đại biểu thuộc Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp cũng cũng lưu ý trong trường hợp đặc biệt, Hà Nội cần thiết phải chuyển đổi diện tích rừng sản xuất thì phải quy định chặt chẽ hơn, bổ sung cơ chế lấy ý kiến nhân dân.

Ngoài ra, dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) cũng cần phải quy định diện tích tối đa được chuyển đổi, thay vì quy định diện tích tối thiểu là từ 1.000 ha trở lên với đất rừng và 500 ha với đất lúa như quy định trong dự thảo luật hiện nay./.

Nguồn: Vietnam+




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC