Cầm đồ vốn là một hình thức kinh doanh ra đời do nhu cầu tất yếu của xã hội, với mục đích chính là giải quyết nguồn tín dụng nhanh và ngắn hạn cho những người có nhu cầu. Tuy nhiên, theo thời gian, dịch vụ này đã có nhiều biến tướng với "phần chìm" vô cùng phức tạp.
Nhắc đến cầm đồ ở Hà Nội, người ta nhớ ngay đến phố Đặng Dung - nơi hoạt động sinh lợi chủ yếu là cầm đồ. "Khách hàng" tìm đến con phố này chủ yếu là dân cá độ, lô đề, cờ bạc... nhu cầu "vốn" rất lớn. Dần dà, những món lợi nhuận kếch xù từ hoạt động cầm đồ đã khiến không ít người "đổ vốn" kinh doanh vào dịch vụ này. Bằng chứng là giờ ra đường, người ta có thể bắt gặp nhan nhản những hiệu cầm đồ, hay có những con phố nổi tiếng không kém Đặng Dung là mấy về số lượng các hiệu cầm đồ như Phùng Hưng, đường Láng, Đê La Thành, Lương Thế Vinh... Số liệu thống kê mới nhất, trên địa bàn 29 quận huyện của thành phố, có tới 2.200 cửa hàng cầm đồ có giấy phép kinh doanh.
Chỉ tính riêng quận Hai Bà Trưng đã có tới 189 hiệu có giấy phép kinh doanh, tập trung chủ yếu ở các phường Bạch Mai (hơn 30 cửa hàng), Trương Định (hơn 20 cửa hàng), Thanh Nhàn, Đồng Tâm, Minh Khai, Vĩnh Tuy... Các cửa hàng cầm đồ thường tập trung tại những địa bàn giáp ngoại, nơi đang diễn ra quá trình đô thị hóa mạnh, người dân chủ yếu kinh doanh buôn bán nhỏ; hoặc những địa bàn giáp các trường đại học, cao đẳng lớn. Nếu như các hiệu cầm đồ ở Thanh Nhàn, Minh Khai, Bạch Mai... là địa chỉ quen thuộc của sinh viên các trường Đại học Bách khoa, Xây dựng, Kinh tế Quốc dân thì khách hàng tìm đến các hiệu cầm đồ ở phố Lương Thế Vinh lại chủ yếu là sinh viên các trường Đại học Khoa học tự nhiên, Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Hà Nội...; đường Láng, Đê La Thành, Nguyễn Trãi, Phạm Văn Đồng cũng là điểm đến của những món tài sản từ lớn đến nhỏ, từ máy tính điện thoại, xe máy... đến những thứ không nhìn thấy được như chứng minh thư, thẻ sinh viên, bằng tốt nghiệp, giấy tờ nhà đất...
Nếu xét trên khía cạnh quản lý Nhà nước, thì việc có được một giấy đăng ký kinh doanh dịch vụ cầm đồ là khá dễ dàng, mặc dù đây là hoạt động kinh doanh có điều kiện. Theo quy định hiện hành thì cá nhân hoặc doanh nghiệp đủ điều kiện muốn kinh doanh dịch vụ cầm đồ chỉ cần lên Phòng Kinh tế quận, huyện hoặc Sở Kế hoạch - Đầu tư làm giấy phép đăng ký kinh doanh. Tiếp đó lên công an cấp quận, huyện làm thủ tục để xin cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện về ANTT, trong đó cá nhân hoặc doanh nghiệp đó phải xuất trình được Giấy chứng nhận ĐKKD, chứng nhận đầu tư hoặc chứng nhận đăng ký hoạt động, đăng ký thuế, chứng nhận đủ điều kiện về phòng cháy và chữa cháy hoặc biên bản kiểm tra an toàn về phòng cháy và chữa cháy...
Cấp phép thì dễ dàng vậy, nhưng quản lý mới là cái khó. Thường thì cứ định kỳ, Công an các phường phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ của Công an quận, Quản lý thị trường sẽ kiểm tra giấy phép kinh doanh, sổ sách của các cửa hàng cầm đồ. Tuy nhiên, việc làm này cũng chỉ quản lý được bề nổi, các vi phạm hành chính chủ yếu là tiêu thụ tài sản không chính chủ hay vi phạm về kho bãi. Đã có Nghị định 37 của Chính phủ về quyết định xử phạt hành chính về ĐKKD có điều kiện, nhưng chế tài xử phạt nhẹ. Nghị định 150/2005NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự - an toàn xã hội chỉ còn lại một điều khoản trong lĩnh vực kinh doanh cầm đồ cũng với mức phạt khá nhẹ, cao nhất là 15 triệu đồng. Chế tài xử phạt quá thấp nên khiến các cửa hàng cầm đồ không sợ vi phạm.
Một cán bộ Đội Hình sự, Công an quận Hai Bà Trưng cũng phải thừa nhận qua trinh sát cho thấy là hoạt động cầm đồ khá phức tạp, phần chìm (cũng là phần lớn hơn) thường liên quan đến nhiều lĩnh vực phạm tội khác như cho vay nặng lãi, cá độ bóng đá, lô đề, cờ bạc... Theo quy định thì tài sản cầm cố phải thuộc quyền sở hữu hợp pháp của bên cầm đồ có thể mua, bán hoặc chuyển quyền sở hữu. Thế nhưng trên thực tế, trừ xe máy, ôtô, giấy tờ nhà đất, giấy tờ tùy thân... còn lại các loại tài sản như điện thoại, máy tính, vàng bạc... rất khó xác định chủ sở hữu hợp pháp. Lực lượng công an cũng đã vào cuộc không ít vụ việc liên quan đến các hành vi phạm tội như trộm cắp, cướp giật, chiếm đoạt tài sản... mà tài sản phạm tội được tiêu thụ tại các hiệu cầm đồ. Các loại tài sản không rõ nguồn gốc thường bị cầm với giá thấp hơn nhiều lần giá trị thực, lãi suất cũng thường cao hơn, và tỷ lệ khách hàng không "cứu" được đồ cũng cao hơn. Không ít chủ hàng cầm đồ đã bị những món lợi nhuận lớn này lôi kéo.
Rất nhiều vụ án hình sự có liên quan đến các hiệu cầm đồ khi đối tượng chiếm đoạt tài sản (kể cả có giấy tờ lẫn không giấy tờ hợp pháp) đã mang ngay ra hiệu cầm đồ. Thế nhưng, lại rất ít người của hiệu cầm đồ chịu trách nhiệm liên đới về hành vi tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có. Vậy quản lý các hiệu cầm đồ sao cho hiệu quả, hạn chế thấp nhất sự tiếp tay với các loại tội phạm? Câu trả lời xin nhường cho các cơ quan quản lý cũng như những cơ quan chức năng, để dịch vụ cầm đồ hoạt động đúng mục đích của nó và góp phần tích cực vào việc giữ gìn trật tự chung của xã hội.
Theo ANTĐ.