Mới chỉ là "tạm tính", con số lãng phí từ những cuốn sách giáo khoa mà học sinh có thể viết vào đã lên tới 2.300 tỉ đồng. Lợi ích nhóm thật sự đã bị gọi tên. Hồ sơ đã được chuyển sang Bộ Công an.

1 Lang Phi 2300 Ti Cho Sgk Loi Ich Nhom Chinh Thuc Bi Phat Hien

Có dấu hiệu lợi ích nhóm giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo với nhà xuất bản trong việc in ấn, phát hành sách bài tập- kết luận của Thanh tra Chính phủ. Ảnh minh hoạ: Huyên Nguyễn

Bà Nguyễn Thanh Hải, Trưởng ban Dân nguyện có lần nêu ra một con số: Bình quân mỗi năm, phụ huynh phải bỏ ra khoảng 1.000 tỉ đồng để mua sách giáo khoa.

Lãng phí xã hội cực lớn khi “nhiều cuốn sách sang năm không được sử dụng hoặc chỉ sử dụng để… bán đồng nát”.

Và nguyên nhân của sự phí phạm nghiêm trọng này thì ai cũng thấy cả: Vì đó là những cuốn sách được thiết kế có phần bài tập đi kèm học sinh phải điền vào phần bài giải.

Còn nhớ trong một phiên họp của Uỷ ban thường vụ Quốc hội, bà Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp cầm tới nghị trường một cuốn SGK lớp 1 để các vị đại biểu Quốc hội có thể nhìn tận mắt những bài toán buộc học sinh phải ghi luôn vào sách.

Theo Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp: Trước đây bài tập có sách riêng, sách giáo khoa có sách riêng, nhưng bây giờ bài tập lại chung với sách giáo khoa và học sinh buộc phải ghi bài tập vào sách. Với cách làm sách kiểu này, học sinh khóa sau không thể dùng được nữa.

“Tại sao bây giờ khác thế hệ trước, một bộ sách không dùng được 2 - 3 thế hệ? Tại sao lại phải ghi bài tập vào sách giáo khoa? Tại sao lại để phí mỗi năm chúng ta xuất bản hơn 1 triệu cuốn SGK, xã hội mất 1.000 tỉ đồng, nhưng đến năm sau không dùng được nữa?”

Và Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp hôm đó nói đến dư luận về việc độc quyền trong việc in ấn sách giáo khoa.

Câu hỏi về việc độc quyền, về lợi ích nhóm trong việc làm SGK hôm qua đã chính thức được điểm mặt chỉ tên trong kết luận của Thanh tra Chính phủ.

Theo Thanh tra giai đoạn 2014 - 2019, 73 trên 193 cuốn SGK học sinh có thể viết vào đã được in, phát hành và bán được tổng cộng hơn 300 triệu bản. Với 65% SGK có các trang sách học sinh có thể viết vào dẫn đến không dùng lại được, gây lãng phí cho gia đình học sinh và xã hội thì giá trị lãng phí tạm tính trên 2.300 tỉ đồng.

Kết luận thanh tra chỉ rõ “Có dấu hiệu lợi ích nhóm giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo, là cơ quan quản lý nhà nước với nhà xuất bản trong việc in ấn, phát hành sách bài tập”.

Và đây chính là một trong hai nội dung được chuyển Bộ Công an xem xét xử lý.

Người dân đã chờ đợi, từ rất lâu rồi, một cuộc "đốt lò" trong ngành giáo dục. Bởi nỗi đau khổ, bức xúc đến hẹn lại lên mỗi mùa khai trường. Bởi thiệt hại hàng ngàn tỉ kia còn ai phải gánh ngoài chính người dân!

Nguồn: Báo Lao động




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC