Việc liên thông BHXH sẽ giúp 5 quốc gia Campuchia - Lào - Myanma - Thái Lan - Việt Nam tăng cường hơn nữa công tác quản lý lao động di cư, lao động vùng biên giới giữa các nước.

Đây là nội dung được bàn thảo tại Hội nghị quan chức cấp cao về hợp tác lao động Campuchia - Lào - Myanmar - Thái Lan - Việt Nam (CLMTV) lần thứ 4 với chủ đề “An sinh xã hội: Tính liên thông của bảo hiểm xã hội (BHXH) cho người lao động di cư trong CLMTV” do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) Việt Nam đăng cai tổ chức ngày 20-8 tại Hà Nội.

42 1 Lao Dong Viet Di Cu Sang 5 Nuoc Duoc Lien Thong Bao Hiem

Lao động Việt Nam sang Thái Lan làm việc ngày càng tăng do không mất nhiều loại phí.

Đây là vấn đề cần sớm được triển khai khi số lượng lao động di cư đang ngày càng tăng giữa các quốc gia CLMTV để đảm bảo khả năng tiếp cận an sinh xã hội cho lao động di cư, lao động vùng biên.

Lao động Việt tại CLMTV ngày càng tăng

Với đặc điểm địa lý chung đường biên giới và sự khác biệt về trình độ phát triển kinh tế, người dân tại các tỉnh dọc biên giới giữa các nước CLMTV không ngừng di cư sang quốc gia lân cận tìm kiếm việc làm.

Chưa có con số thống kê chính thức, nhưng theo Bộ LĐ-TB&XH hiện nay ước tính có hơn 75 nghìn lao động Việt Nam đang làm việc tại các quốc gia trong CLMTV. 

Trong đó Thái Lan là nước chiếm đa số với hơn 50 nghìn lao động Việt Nam đang làm việc ở nước này. Xếp sau đó là Lào với khoảng 20 nghìn lao động, Campuchia khoảng 60 lao động.

Một trong những nguyên nhân khiến cho lao động Việt Nam sang làm việc tại Thái Lan chiếm số lượng lớn trong cả 5 nước là do theo Bản ghi nhớ về hợp tác lao động và Thỏa thuận về phái cử và tiếp nhận lao động giữa Chính phủ Việt Nam và Thái Lan, người lao động Việt Nam đi làm việc tại Thái Lan không phải trả tiền môi giới. Khoản tiền này sẽ do chủ sử dụng lao động Thái Lan trả cho công ty môi giới Thái Lan.

Không chỉ có vậy, người lao động cũng không phải chi trả tiền vé máy bay khi bắt đầu sang Thái Lan thực hiện hợp đồng và từ Thái Lan về Việt Nam khi hoàn thành hợp đồng. Khoản chi phí này cũng sẽ do chủ sử dụng lao động Thái Lan chi trả.

Tuy nhiên vấn đề đáng ngại nhất hiện nay là không ít lao động đang làm việc tại Thái Lan là lao động bất hợp pháp. Do đó, tính rủi ro của những lao động này rất lớn.

Theo ông Trần Hải Nam, Vụ phó Vụ BHXH (Bộ LĐ-TB&XH) thì lao động di cư đi làm việc sang Thái Lan, Campuchia, Lào chủ yếu là đi tự do theo hình thức cá nhân. Số còn lại đi theo các công trình nhận thầu, trúng thầu, đầu tư, số lao động này hầu hết đã được cấp giấy phép lao động, chủ yếu làm việc tại các vị trí nhà quản lý, giám đốc điều hành, chuyên gia hoặc lao động kỹ thuật. 

Cũng theo ông Trần Hải Nam, thì hiện nay lao động nhập cư từ các nước kể trên cũng đã vào Việt Nam làm việc, tuy nhiên số lượng vẫn còn khiêm tốn với hơn 1.000 người, trong đó chủ yếu là lao động Thái Lan với 950 người, Myanmar 25 người, Campuchia 25 người, Lào 9 người.

Đảm bảo quyền lợi cho người lao động

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Doãn Mậu Diệp cho biết, nhằm quản lý tốt và đảm bảo quyền lợi cho lao động di cư, đặc biệt lao động di cư qua biên giới giữa các nước CLMTV, 5 quốc gia thanh viên đã cùng họp bàn về việc liên thông các chính sách bảo hiểm xã hội.

Đây là sáng kiến của Chính phủ Thái Lan và đã được họp bàn qua các hội nghị Bộ trưởng Lao động và hội nghị quan chức cấp cao.

Các lao động đi làm việc nước ngoài theo 4 loại hình có hợp đồng đều thực hiện đóng BHXH.

Trong đó với loại hợp đồng đưa người lao động đi làm ở nước ngoài với doanh nghiệp trúng thầu, nhận thầu hoặc đầu tư ra nước ngoài vẫn phải đóng chế độ BHXH để hưởng 5 chế độ (ốm đau, thai sản, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, hưu trí và tử tuất). Với các loại hình khác thì chỉ thực hiện 2 chế độ gồm hưu trí và tử tuất. 

"Để đảm người lao động không phải đóng 2 lần BHXH, Việt Nam tăng cường ký kết các hiệp định song phương về BHXH giữa các nước, tiến tới ký kết các hiệp định đa phương; mở rộng các hình thức thanh toán để người lao động có thể nhận được lợi ích từ các chế độ an sinh xã hội. Hiện Việt Nam đã kết thúc đàm phán Hiệp định song phương về BHXH với Đức và Hàn Quốc; chuẩn bị xúc tiến đàm phán cấp cao với Nhật Bản", ông Trần Hải Nam cho biết

Theo đánh giá của đại diện Bộ LĐ-TB&XH, việc liên thông BHXH sẽ giúp 5 quốc gia Campuchia - Lào - Myanma - Thái Lan - Việt Nam tăng cường hơn nữa công tác quản lý lao động di cư, lao động vùng biên giới giữa các nước, góp phần mang lại lợi ích thiết thực cho người dân và sự phát triển kinh tế của mỗi quốc gia. 

Ưu tiên đảm bảo an sinh xã hội trong đó có đảm bảo việc đóng và hưởng BHXH đối với người lao động di cư trước bối cảnh lao động di cư đang ngày càng gia tăng giữa 5 nước.

Theo chuyên gia cao cấp về an sinh xã hội của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) Markus Ruck, vấn đề an sinh xã hội cho người lao động di cư hiện nay chưa được quan tâm nhiều, một phần là do các quy định lỏng lẻo trong hệ thống.

Ngoài ra, nguyên nhân còn do thiếu các hợp tác song phương về an sinh xã hội. Tại hội nghị, đại biểu 5 nước tham gia đã chia sẻ việc triển khai BHXH cho người lao động di cư tại mỗi nước trước nhu cầu mở rộng hơn nữa độ bao phủ về BHXH người lao động di cư, góp phần đảm bảo tốt hơn cuộc sống cho người lao động.

 

 

Nguồn: Phan Hoạt/ cand.com.vn




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC