Nghị định 139/2018 về kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới có hiệu lực từ ngày 1/1/2019 đã tạo thay đổi lớn trong hoạt động kiểm định phương tiện. So với Nghị định 63/2016, văn bản mới nới lỏng điều kiện thành lập đơn vị đăng kiểm như: Không còn quy hoạch trung tâm đăng kiểm, cho phép xã hội hóa hoạt động đăng kiểm, chủ đầu tư không phải thỏa thuận với UBND cấp tỉnh về địa điểm xây dựng, không hạn chế số đơn vị mới.
Chủ đầu tư trước khi xây dựng trung tâm đăng kiểm chỉ cần có văn bản thông báo cho Cục Đăng kiểm Việt Nam về địa điểm xây dựng, thời gian dự kiến hoàn thành. Sau đó Cục sẽ đánh giá trung tâm có đáp ứng quy chuẩn về điều kiện cơ sở vật chất, nhân lực hay không, nếu đạt sẽ cấp giấy chứng nhận hoạt động.
Quy định thông thoáng khiến số đơn vị đăng kiểm được xã hội hóa tăng mạnh. Năm 2018, toàn quốc có 172 trung tâm đăng kiểm xe cơ giới thuộc các Sở Giao thông Vận tải và Cục Đăng kiểm Việt Nam. Sau gần 4 năm, cả nước đã có 280 trung tâm, trong đó 196 đơn vị hoạt động theo hình thức xã hội hóa, chiếm 70%, 64 đơn vị thuộc Sở Giao thông Vận tải và 20 thuộc Cục Đăng kiểm Việt Nam.
Số trung tâm đăng kiểm tăng đã đáp ứng nhu cầu kiểm định của xe cơ giới, chủ xe được giảm thời gian chờ đợi kiểm định. Tuy nhiên, sự bùng phát các đơn vị đăng kiểm theo hình thức xã hội đã bộc lộ nhiều bất cập.
Kiểm định xe cuối năm tại một trung tâm đăng kiểm ở Hà Nội. Ảnh: Ngọc Thành
Chủ đầu tư thường chỉ quan tâm đầu tư trung tâm tại đô thị lớn, nơi có nhiều xe cơ giới, như tại Hà Nội có 31 đơn vị, trong đó hơn 2/3 là xã hội hóa. Theo Cục Đăng kiểm Việt Nam, mật độ đơn vị đăng kiểm tại đô thị tăng cao, trong khi tại vùng sâu thấp, dẫn đến người dân, doanh nghiệp vẫn phải đi xa để kiểm định, gây tốn thời gian, chi phí.
Cùng với đó là tình trạng cạnh tranh gay gắt giữa các trung tâm để thu hút khách hàng. Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết, một số đơn vị đã làm sai quy chuẩn, quy định, bỏ nội dung, hạng mục kiểm tra, giả mạo trong việc kiểm định xe cơ giới, vi phạm pháp luật.
Để giảm chi phí, các chủ đầu tư thường chỉ thuê đăng kiểm viên mới, thiếu kinh nghiệm trong kiểm định xe cơ giới dẫn đến chất lượng nguồn nhân lực có nhiều hạn chế. Đăng kiểm viên là người làm thuê nên chịu tác động của chủ đầu tư, không còn tính độc lập trong kiểm tra, đánh giá, xác nhận kết quả kiểm định.
Thời gian qua, Công an TP HCM đã khám xét 13 trung tâm, khởi tố 6 vụ án với 43 bị can vì các tội danh Nhận hối lộ, Môi giới hối lộ và Giả mạo trong công tác. Thủ đoạn các trung tâm đăng kiểm đã sử dụng là bỏ qua vi phạm trong công đoạn kiểm tra thủ công, hoặc cho thuê phụ tùng không đảm bảo kỹ thuật. Đơn cử xe mòn lốp thì nộp tiền thay lốp, thay thành thùng, thay một số bộ phận để đảm bảo tiêu chuẩn; sử dụng phần mềm can thiệp vào hệ thống đăng kiểm để thay đổi thông số kiểm định khí thải.
Nghị định 139/2018 cũng bỏ quy định về người đứng đầu đơn vị đăng kiểm. Người chịu trách nhiệm tổ chức điều hành, ký giấy chứng nhận kiểm định xe cơ giới không nhất thiết phải là giám đốc mà có thể là cấp phó. Cấp phó này phải là đăng kiểm viên xe cơ giới đã thực hiện nhiệm vụ tối thiểu 36 tháng. Còn giám đốc không yêu cầu phải có trình độ chuyên môn về đăng kiểm.
Theo quy định cũ, người đứng đầu đơn vị đăng kiểm phải là đăng kiểm viên xe cơ giới, đã thực hiện nhiệm vụ tối thiểu 36 tháng, được tổ chức thành lập đơn vị đăng kiểm bổ nhiệm.
Đại diện Cục Đăng kiểm Việt Nam lý giải thay đổi trên nhằm trao quyền tổ chức bộ máy cho nhà đầu tư, phù hợp thực tế nhiều trung tâm đăng kiểm được đầu tư xã hội hóa. Chủ doanh nghiệp đứng đầu trung tâm, nhưng không cần chuyên môn về đăng kiểm và không trực tiếp điều hành hoạt động đăng kiểm.
Tuy nhiên, việc không yêu cầu trình độ chuyên môn khiến chủ đầu tư một số trung tâm đăng kiểm bổ nhiệm người không có trình độ làm lãnh đạo, như trường hợp ông Hồ Hữu Tài, Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm 50-17D Nhà Bè (TP HCM) không biết chữ.
Về công tác hậu kiểm, giám sát các trung tâm, Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết vẫn kiểm tra đột xuất tại các đơn vị; giám sát qua camera trực tuyến để phát hiện những bất thường, duy trì đường dây nóng, tiếp nhận phản ánh của người dân để kiểm tra, xử lý vi phạm. Song Cục này cũng thừa nhận "không thể kiểm soát 100% hành vi cố tình sai phạm của các đơn vị hay đăng kiểm viên".
Ngoài ra, công tác kiểm tra có tính chất chuyên ngành kỹ thuật nên khó có thể giao về cho các Sở Giao thông Vận tải. Nếu địa phương nào cũng tổ chức bộ máy kiểm tra, giám sát kỹ thuật chuyên ngành như Cục Đăng kiểm Việt Nam sẽ dễ gây chồng chéo, khó khăn cho doanh nghiệp.
Để hạn chế tối đa tiêu cực trong kiểm định xe cơ giới, tới đây Cục Đăng kiểm Việt Nam tiếp tục nghiên cứu, nâng cấp hoàn thiện phần mềm nhận dạng xe bị lỗi, tăng cường công tác phúc tra kết quả kiểm định. Cục đã thành lập đoàn kiểm tra các hành vi tham nhũng, tiêu cực, vi phạm quy định trong lĩnh vực kiểm định xe cơ giới trên toàn quốc từ ngày 1/1/2023.
Phó cục trưởng Đăng kiểm Việt Nam Nguyễn Vũ Hải cho biết, ngoài thanh kiểm tra, Cục sẽ rà soát các quy chuẩn, tiêu chuẩn để siết chặt việc cấp phép, quản lý hoạt động của các trung tâm, đặc biệt là siết chặt thành lập trung tâm kiểm định xe cơ giới theo Nghị định 139.
Anh Duy
Nguồn: VNEXPRESS.NET