Là loại quả ngon, có nhiều tác dụng như làm đẹp da, chống lão hóa,... thế nên, không ít chị em vẫn tự tin ra chợ chọn mua những quả lựu sạch gắn mác Việt Nam để về ăn, ép nước uống hàng ngày. 

Song ít ai biết rằng, Việt Nam không trồng lựu, lựu bán ở chợ 100% là của Trung Quốc.

Chị Nguyễn Thị Tuyết ở Hoàng Văn Thái (Thanh Xuân, Hà Nội) đều đặn mỗi ngày ăn 3-4 quả lựu.

Hôm nào chán, chị lại tách hạt đem ép lấy nước uống để mong làn da ở tuổi 33 của mình không bị lão hóa.

Chị Tuyết chia sẻ đã lên mạng tìm hiểu khá kỹ về công dụng của loại quả này và được biết, chúng có chứa nhiều loại vitamin giúp trẻ hóa làn da, chống lão hóa da, trị nám, tàn nhang.

Thậm chí, lựu còn có tác dụng phòng bệnh ung thư, tim, khớp.

Tuy nhiên, để mua được loại lựu Việt Nam chuẩn, xịn, chị cũng phải học cách phân lựu Việt với lựu Trung Quốc, bởi trên thị trường lựu Trung Quốc cũng có khá nhiều.

Trên các diễn đàn, chị em dạy nhau cách phân biệt cực dễ. Ví như, lựu Trung Quốc có kích thước lớn hơn, vỏ ngoài mịn, căng tròn, màu trắng hồng.

Trong khi đó, lựu Việt thường nhỏ hơn, da sần sùi hoặc bị nám, vỏ thường có màu xanh, đỏ dần khi chín.

Loại quả 100% hàng Tàu: Chị em thích thú nhấm nháp - 0

Nhiều chị em mua lựu ở chợ về ăn và nghĩ đó là lựu Việt Nam

Khi bổ quả lựu ra, lựu Trung Quốc thường có hạt đỏ rực, bắt mắt, các hạt đều nhau.

Còn lựu Việt Nam tuy quả nhỏ nhưng hạt nhiều, hạt có màu nhạt hơn, nhiều nước, ăn vào thấy vị mát dịu.

Dùng mũi ngửi hạt lựu bên trong sẽ thấy lựu trong nước có mùi thanh, lựu Trung Quốc thường không mùi hoặc mùi của hoá chất.

“Dựa vào những đặc điểm trên, ngày nào tôi ra cũng lượn một vòng chợ để chọn những quả lựu sạch Việt Nam ngon nhất. Trung bình mỗi ngày tôi ăn 1-1,5kg”, chị nói.

Không chỉ ăn để làm đẹp, lựu còn là món ăn vặt khoái khẩu, thậm chí có hôm chị Nguyễn Thị Vân ở Tam Trinh (Hai Bà Trưng, Hà Nội) còn ăn lựu thay cơm.

Tuy nhiên, để mua được lựu sạch Viêt Nam, chị phải nhờ chủ sạp hoa quả quen tại chợ gần nhà chọn mua hộ loại lựu màu vỏ hơi nhạt, quả nhỏ, xấu mã.

Còn loại đẹp, bóng, to chị tuyệt đối không đặt mua vì sợ tránh nhầm sang lựu Trung Quốc.

“Trung thu năm ngoái xóm tôi còn mua mấy chục cân về lựu ở chợ về làm cỗ Trung thu cho các cháu thiếu nhi và để phụ huynh liên hoan”, chị Vân cho hay.

Loại quả 100% hàng Tàu: Chị em thích thú nhấm nháp - 1

Nửa tháng nay, tại các chợ ở Hà Nội đã xuất hiện khá nhiều cửa hàng bán lựu, giá dao động từ 30.000-45.000 đồng/kg tùy loại.

Phần lớn các sạp hoa quả bán lựu đều quảng cáo là lựu Việt Nam, không có lựu Trung Quốc.

Trong khi đó, ông Trần Văn Hòa, một mối chuyên đổ sỉ lựu tại chợ đầu mối Long Biên (Hà Nội) với số lượng lên đến trên 15 tấn/ngày, khẳng định, lựu Trung Quốc bắt đầu được nhập về chợ đầu mối này từ cuối tháng 7 và thời điểm này bắt đầu vào mùa thu hoạch.

Nhưng rộ nhất là vào  thời điểm Rằm Trung thu, lúc đó lựu phủ sóng các chợ, giá bán lẻ tới tay người dân sẽ chỉ còn từ 15.000-20.000 đồng/kg.

Ông Hòa cũng cho hay, lựu ở chợ từ loại 1 quả to, vỏ bóng đẹp cho tới loại lựu 2 có mẫu mã xấu quả nhỏ,... 100% là hàng Trung Quốc.

“Các chợ lẻ họ cứ nói lựu sạch Việt Nam cho dân mua thôi chứ Việt Nam không có vùng trồng lựu hàng hóa thì lấy đâu ra lắm lựu bán ngoài chợ thế. Thỉnh thoảng mới có nhà trồng 1-2 cây, mỗi năm thu được vài kg là nhiều. Số lượng đó cũng chỉ đủ cho gia đình họ ăn, không có bán”, ông Hòa cho hay.

Trao đổi với PV VietNamNet, lãnh đạo Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNN) cho biết, các loại hoa quả Việt Nam trồng khá phong phú, nhưng riêng cây lựu, Bộ chưa có quy hoạch vùng trồng lựu làm hàng hóa. Còn các địa phương có trồng tập trung hay không thì không thể nắm rõ.

Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại cũng chưa có địa phương nào báo cáo địa phương mình có vùng trồng lựu để bán giống như một số loại hoa quả khác.

“Hiện loại này chúng ta vẫn nhập của Trung Quốc về bán”, vị lãnh đạo này chia sẻ.

Trước đó, ông Trần Văn Hoàng, Chi cục phó Chi Cục Kiểm dịch vùng VIII (Lào Cai) cho biết, mặt hàng lựu được nhập chủ yếu tập trung vào tháng 7 đến tháng 12, chính vụ khoảng từ tháng 7-10. Năm 2015, vào những tháng cao điểm, mỗi ngày nhập khoảng trên dưới 100 tấn lựu.

Trước đó, năm 2014, lựu được nhập khẩu qua cửa khẩu Lào Cai lên đến 7.287 tấn.

Theo VietNamNet




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC