Các bé trường mầm non tại điểm trường Bản Lầm (Yên Bái) đang phải học trong một gian nhà bếp cạnh chuồng trâu suốt 5 năm qua.
Lũ trẻ nằm ngủ dưới sàn đất, gió lùa qua tường hở. Ảnh: Dân trí
Những đứa trẻ đáng thương đang học tại điểm trường Bản Lầm (Văn Chấn, Yên Bái) không có chỗ học, chúng phải học nhờ trong một gian bếp cũ của thôn đang mục nát, khi nào thôn có việc thì trẻ phải nghỉ học. Lớp học tối om quanh năm, ánh sáng chỉ trông chờ vào 2 ngọn đèn điện sáng lờ mờ.
Những ngày này, bên cạnh thông tin mưa rét đang đe dọa cuộc sống và gia súc, mùa màng của người dân ở các tỉnh miền núi phía Bắc, cư dân mạng còn để lòng xót thương một câu chuyện trên báo Dân Trí, “Xót xa trẻ mầm non phải học trong nhà bếp, ngủ cạnh chuồng trâu”.
Vì đó là gian bếp, vì đó không phải là lớp học, nên ánh sáng chỉ thế thôi. Nhìn bức ảnh những đứa bé xếp hàng nằm ngủ trên nền đất lở lói, tường nhà trống hoác, gió lùa, không thể không thấy đau lòng, xót ruột cho bọn trẻ.
Không gian chơi của chúng là gầm của cái nhà sàn là hội trường thôn ngay trước mặt, lũ trẻ cứ lê la dưới đất, đồ chơi là giẻ bẩn, vài quả bóng nhựa. Ngày mưa thì toàn trường nghỉ học vì đất đá tràn vào lớp học, nguy hiểm cho các bé độ tuổi từ 25-36 tháng.
Đứa bé trường mầm non Bản Lầm chơi dưới gầm nhà sàn. Ảnh: Dân Trí
Địa phương bảo xã nghèo thuộc diện 135 nên không có kinh phí xây trường. 5 năm qua vẫn thế. Chưa biết đến bao giờ mới xây được trường mầm non cho trẻ, để các bé không phải học trong gian bếp cạnh chuồng trâu nữa.
Không biết đến bao giờ.Không phải là ngày một ngày hai mà đã 5 năm rồi, cảnh này vẫn như thế, những đứa trẻ cứ thay nhau lớn lên trong cái khung cảnh tranh tối tranh sáng mờ mờ ảo ảo đó, xếp hàng nằm trên nền đất tường hở gió lùa đó.
Cũng mới đây thôi, tôi đọc được mẩu tin này:
“Hà Nội cấm tặng quà Tết dưới mọi hình thức”, Chủ tịch UBND TP Hà Nội nhấn mạnh: mọi hình thức tặng quà Tết cho cấp trên đều bị nghiêm cấm, các hành vi sử dụng tiền, phương tiện, tài sản công trái quy định vào các hoạt động dịp Tết đều bị xử lý nặng.
Đặt hai câu chuyện cạnh nhau chợt thấy xót xa. Ở một nơi thiếu thốn khó khăn trăm bề, trẻ phải học trong nhà bếp cạnh chuồng trâu, còn ở chốn đô thị, người ta phải ra lệnh cấm tặng quà Tết cho cấp trên dưới mọi hình thức.
Giá như có một phép màu, tôi ước sao tất cả những số tiền, quà mà người ta đi biếu tặng cấp trên dịp Tết biến thành kinh phí xây dựng trường cho trẻ vùng cao thì tốt biết mấy. Ở dưới xuôi người ta vẫn tìm ra tiền, rất nhiều tiền để mua quà đem biếu cấp trên, còn ở miền núi cao, bọn trẻ sao mà khổ thế.
Biết bao nhiêu công trình to rộng hoành tráng ngàn tỷ trăm tỷ được xây dựng với lý do:
“làm đẹp bộ mặt địa phương”, “khẳng định vị thế địa phương” rồi có thể sau đó, chúng chỉ là những viên gạch trốc lở, những công trình bị bỏ hoang, xuống cấp. Còn một ngôi trường ở vùng cao cho bọn trẻ mẫu giáo thì sao mà khó khăn, 5 năm rồi vẫn không có.
Chỉ thương cho những đứa bé đã lớn lên trong gian bếp cũ, quanh năm phải thắp điện mới đủ sáng. Chúng lớn lên mà không thể biết được vì sao chúng phải chịu đựng hoàn cảnh đó, vì sao chúng phải chấp nhận những thiệt thòi đó.
Trong khi ấy, mỗi năm dịp Tết đến xuân về, bộ nọ ngành kia địa phương ấy phải ban hành lệnh cấm biếu cấp trên quà tết.
Năm nào cũng thế. Mỗi mùa xuân.
Mi An - Baodatviet.