Danh sách "No list 2024" được đánh giá dựa trên ba tiêu chí quan trọng ảnh hưởng đến ngành du lịch: quá tải khách, tạo ra lượng rác thải đáng kể, vấn đề liên quan đến chất lượng nguồn nước. Những yếu tố này không chỉ làm mất cảnh quan của điểm đến mà còn tác động tiêu cực đến cuộc sống của cộng đồng địa phương. Trong số các địa điểm được liệt kê, vịnh Hạ Long của Việt Nam được đề cập với tiêu chí "tạo ra rác thải".
Đây là đánh giá khách quan, có cơ sở, cần phải lắng nghe để cải thiện môi trường.
Báo Lao Động đã có các bài viết: "Rác đang làm tổn hại nghiêm trọng tới hình ảnh vịnh Hạ Long" đăng ngày 19.6.2023, "Phao xốp vẫn đầy vịnh Hạ Long, Quảng Ninh mở chiến dịch dọn rác trên toàn tỉnh" đăng ngày 19.6.2023, "Xuất hiện nguồn nước ô nhiễm, hôi thối đổ thẳng ra vịnh Hạ Long" đăng ngày 31.10.2023.
Chưa kể mới đây, vụ một công ty triển khai dự án bất động sản có một phần diện tích là vùng đệm của vịnh Hạ Long, đã gây ra nhiều tranh cãi sự tác động tiêu cực đến Di sản Thiên nhiên Thế giới.
Sở hữu một Di sản Thiên nhiên Thế giới nổi tiếng, nhưng không biết giữ gìn, bảo vệ, khiến cho báo chí, các tổ chức quốc tế lên tiếng cảnh báo, đó là điều cần phải nhìn nhận và xem xét về trách nhiệm quản lý.
Quản lý không tốt, để cho người dân, du khách xả rác bừa bãi, cùng với rác từ các hoạt động khai thác thủy sản trong khu vực... đã tấn công vịnh Hạ Long, gây ra đe dọa mối họa về ô nhiễm môi trường.
Hơn 7 triệu lượt khách ghé vịnh Hạ Long vào năm 2022, ước tính năm nay đạt 8,5 triệu lượt. Thế nhưng, thu hút nhiều du khách, nhưng không quản được, để vịnh Hạ Long bị ngập trong rác thải và các loại ô nhiễm khác, liệu lợi đó có bằng hại hay không?
Ngăn chặn nạn xả rác, tiến đến một vịnh Hạ Long không rác thải là điều có thể làm được! Vấn đề là chính quyền địa phương có quyết tâm và biện pháp thực hiện hay không mà thôi.
Danh sách "No list" không nhằm "hạ bệ hay chê bai" mà thể hiện sự trân trọng và muốn bảo vệ các điểm đến nổi tiếng này. Tuy nhiên, đây là lời cảnh báo về nạn xả rác trên vịnh Hạ Long.
Nguồn: Báo Lao động