Dân địa phương phải di chuyển bằng thuyền bè ở trung tâm thành phố Hà Giang. (Hình: VNExpress)
Các báo tại Việt Nam cho hay những trận mưa liên tục từ ngày 22 đến 24 Tháng Sáu, 2018 tạo ra lũ lụt tại các tỉnh Tây Bắc giáp giới với Trung Quốc gây nhiều thiệt hại nghiêm trọng cả về người và tài sản, từ đường xá, nhà cửa đến hoa màu.
Theo VNExpress, "Hàng loạt huyện thị ở các tỉnh Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang bị cô lập do đường sạt, ngập lụt sau ba ngày mưa lớn. Mưa lớn kèm lũ ống xuất hiện ở các tỉnh Lai Châu, Hà Giang, Lào Cai từ ngày 22 đến 24 Tháng Sáu khiến nhiều người mất tích. Mực nước sông Miện, sông Lô lên nhanh kèm lũ ống, lũ quét dẫn đến sạt lở đất ở nhiều tỉnh lộ."
Trước đó một tuần lễ, vào các ngày 16 và 17 Tháng Sáu 2018, miền Bắc và phía Bắc miền Trung đã có mưa rào và giông nhiều nơi. Thiên tai lũ lụt xảy đến cho khu vực tây bắc khi cuộc thi tốt nghiệp trung học đang diễn ra trên cả nước. Tin khí tượng dự báo thời tiết còn tiếp tục mưa cho đến hết ngày 26 Tháng Sáu nên sự thiệt hại có thể vẫn còn nhiều hơn nữa.
Theo các báo tại Việt Nam đưa tin, mưa lớn gây lũ quét, sạt lở đất trong hai ngày qua tại Lai Châu đã làm ba người chết, ba người mất tích, năm người bị thương và thiệt hại về kinh tế khoảng 40 tỷ đồng, tờ Thanh Niên cho hay hôm 24 Tháng Sáu.
Tại tỉnh Hà Giang, theo tờ Dân Trí cho biết, huyện Quản Bạ của tỉnh đang xảy ra tình trạng lũ quét (từ ngày 22 Tháng Sáu) cho tới nay, làm ít nhất hai người cùng hàng chục ngôi nhà bị lũ cuốn trôi. Còn tờ điện tử VNExpress thì nói: "Tỉnh Hà Giang hiện vẫn có mưa lớn, nhiều điểm ở thành phố Hà Giang bị ngập do thủy điện xả lũ. Đã có hai người chết tại xã Lụng Tám, 12 ngôi nhà tại huyện Quản Bạ bị sập."
Tỉnh Lai Châu ghi nhận cá tầm chết hàng loạt, người dân phải vớt bán với giá rẻ 100,000 đồng/con hoặc mang đi tiêu hủy. (Hình: VNExpress)
Bão lũ, thủy điện xả lũ gây thiệt hại vô cùng nghiêm trọng về cả nhân mạng và tài sản vật chất mỗi năm tại Việt Nam. Từng có nhiều lời kêu gào dẹp bỏ những dự án thủy điện nhỏ, kém hiệu năng kinh tế nhưng gây tai họa thì nhiều. Dù vậy, chế độ Hà Nội vẫn gác bỏ ngoài tai.
Trên VNExpress, có 17 độc giả bình luận về lũ lụt vừa xảy ra tại khu vực Tây Bắc, nhiều người nhắc lại những nguyên nhân từng được nói đi nói lại rất nhiều lần hàng năm về "nhân tai" phá rừng đầu nguồn làm thủy điện.
Độc giả Toan Huong viết " Nếu ai đã từng đi Tây Bắc sẽ thấy điều này đau lòng nhưng chẳng đáng ngạc nhiên : 90% số rừng ở khu vực này đã biến thành đồi trọc, gần như không có một cây to nào. Không còn rừng thì làm sao mà chả lũ kinh hoàng. Đó chỉ là hậu quả mà thôi."
Độc giả Nguyen Huy Hoang viết: "Rừng đầu nguồn bị tàn phá nghiêm trọng và hậu quả sẽ còn khủng khiếp hơn nữa."
Độc giả Hoang GS viết: "Mưa vẫn vậy. Chỉ là do phá hết rừng và nạo vét cát lấn chiếm dòng chảy. Thiên nhiên công bằng lắm có điều người phá không phải chịu. Âu cũng là kiếp nạn. Cầu mong bình an cho đồng bào."
Mùa mưa bão lũ lụt sẽ còn kéo dài đến Tháng Mười Một hàng năm. Người ta sẽ còn thấy thêm những thống kê về thiệt hại nhân mạng và vật chất kèo dài thêm mãi.
Nguồn: VNEXPRESS