Thông tư 01 của Bộ Công an chỉ là chép lại luật Công an nhân dân nhưng chưa hết, đặc biệt tách ra quyền riêng cho CSGT.

 

Chỉ được trưng dụng tài sản trong trường hợp thật cần thiết

Bộ Công an vừa ban hành thông tư số 01/2016 quy định nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ của cảnh sát giao thông, có hiệu lực từ ngày 15/2. Hiện nay, Thông tư này nhận được rất nhiều ý kiến dư luận trái chiều.

Để rộng đường dư luận, Đất Việt đã có cuộc trao đổi với TS Lê Hồng Sơn, nguyên cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Tư pháp, cho biết: "Theo Khoản 6, điều 5 của thông tư có quy định: “Cán bộ cảnh sát giao thông có quyền được trưng dụng các loại phương tiện giao thông, phương tiện thông tin liên lạc, các phương tiện, thiết bị kỹ thuật khác của cơ quan, tổ chức cá nhân và người điều khiển, sử dụng các phương tiện, thiết bị đó theo quy định của pháp luật.

Nhưng tại Khoản 2, Điều 2, Luật trưng dụng tài sản năm 2008 lại quy định: "Trưng dụng tài sản là việc Nhà nước sử dụng có thời hạn tài sản của tổ chức, cá nhân, hộ gia đình, cộng đồng dân cư thông qua quyết định hành chính trong trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh và vì lợi ích quốc gia”.

Thẩm quyền trưng dụng tài sản được Luật trưng dụng tài sản quy định cụ thể tại Điều 24, như sau: "Bộ trưởng Bộ Tài chính, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ trưởng Bộ Y tế, Bộ trưởng Bộ Công thương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình quyết định trưng dụng tài sản quy định tại Điều 23 của Luật này".

Luật trưng thu điện thoại của dân: Lỗi chép thiếu  - 0

Khoản 2, Điều 24 Luật trựng dụng tài sản cũng nhấn mạnh: "Người có thẩm quyền quy định tại khoản 1 Điều này không được phân cấp thẩm quyền quyết định trưng dụng tài sản".

Như vậy, theo quy định của pháp luật hiện hành thì thẩm quyền trưng dụng tài sản thuộc về Bộ trưởng hoặc Chủ tịch UBND cấp tỉnh.

Chính vì thế, Thông tư số 01/2016/TT- BCA quy định CSGT có quyền trưng dụng tài sản "theo quy định pháp luật", nhưng không quy định rõ là theo luật nào, trong khi đó, Luật trưng mua, trưng dụng tài sản đã quy định rất rõ các trường hợp được trưng dụng tài sản; thẩm quyền trưng dụng tài sản; trình tự thủ tục trưng dụng tài sản.

Vì vậy, TS Lê Hồng Sơn cho rằng, việc trưng dụng tài sản phải căn cứ vào quy định của Luật trưng mua, trưng dụng tài sản chứ không thể căn cứ vào quy định tại Thông tư 01/2016 để áp dụng trên thực tế. Đặc biệt, các trường hợp cấp bách để bảo vệ an ninh quốc gia, nguy cơ xảy ra rất hẹp.

Trước đó, trong Khoản 15 Điều 15 Luật CAND 2014 quy định: Công an có quyền “huy động, trưng dụng theo quy định của pháp luật phương tiện thông tin, phương tiện giao thông, phương tiện khác và người đang sử dụng, điều khiển phương tiện đó trong trường hợp cấp bách để bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội hoặc để ngăn chặn hậu quả thiệt hại cho xã hội đang xảy ra hoặc có nguy cơ xảy ra”.

Theo từ điển tiếng Việt và cách hiểu thông dụng thì hai cụm từ “trưng dụng, huy động” đều có chung nghĩa là tạm sử dụng người và vật cho một công việc nhưng trưng dụng là bắt buộc, còn huy động thì không.

Có một lưu ý là về mục đích trưng dụng, Luật Trưng mua, trưng dụng tài sản chỉ quy định “để bảo vệ an ninh quốc gia” nhưng Luật CAND cho phép công an được trưng dụng cả trong trường hợp cấp bách “để bảo vệ trật tự, an toàn xã hội hoặc để ngăn chặn hậu quả thiệt hại cho xã hội đang xảy ra hoặc có nguy cơ xảy ra”.

Nên theo ông Sơn, đây chính là sự mở rộng quyền cho lực lượng CSGT, bởi vì, quyền trưng dụng tài sản theo Luật CAND được giao cho toàn bộ lực lượng, chứ không riêng CSGT.

Luật Trưng mua, trưng dụng và Luật Công an nhân dân quy định rất rõ và chặt chẽ về việc này. Tuy nhiên, Thông tư 01 chỉ nói CSGT "Được trưng dụng các loại phương tiện giao thông; phương tiện thông tin liên lạc; các phương tiện, thiết bị kỹ thuật khác của cơ quan, tổ chức, cá nhân và người điều khiển; sử dụng các phương tiện, thiết bị đó theo quy định của pháp luật".

"Tôi nghĩ Bộ Công an chép lại luật Công an nhân dân nhưng chưa hết. Điều quan trọng ở đây nữa là từ quyền hạn chung cho lực lượng công an nhân dân mà tách ra quyền riêng cho CSGT", ông Sơn nhấn mạnh.

Bộ Công An phải giải thích rõ cho dân

Tiếp cận vấn đề ở góc độ khác, theo ông Sơn, Thông tư 01 mới chỉ nói đến việc CSGT được trưng dụng tài sản theo quy định pháp luật chung chung chứ chưa đi vào trường hợp cụ thể nào, thời điểm nào, điều kiện nào.

Nếu theo Luật Công an nhân dân, thì CSGT chỉ là người thi hành chứ không có thẩm quyền quyết định trưng dụng tài sản.

Theo ông Sơn ít nhất phải có quy định cụ thể ở tầm nghị định, nói rõ thủ tục trình tự, thẩm quyền, thời điểm, điều kiện thực hiện trưng dụng tài sản của CSGT. Quy định này cũng cần xác định trách nhiệm của CSGT để chống lạm quyền, bồi thường tài sản của người được trưng dụng như nhế nào? Nếu chỉ dừng lại ở Thông tư 01 thì nó chỉ là quy định “treo”.

"Chắc chắn không phải cứ ban hành thông tư, rồi CSGT sẽ có quyền ra đường cầm gậy, vác còi ra trưng dụng tài sản người dân. Nếu làm như vậy là lạm quyền, là trái luật.

Nên người dân không phải lo lắng về việc, mang điện thoại, ipad khi ra đường mà CSGT thích là trưng dụng. Điều này là không được phép. Luật Trưng mua, trưng dụng tài sản, Quốc hội phải bàn rất kỹ để hạn chế tối đa việc trưng dụng tài sản vì liên quan đến quyền đời tư người khác.

Duy nhất chỉ có trong tình huống như tai nạn, CSGT mượn điện thoại, xe máy, máy ảnh của dân để chụp, nhưng hiểu theo nghĩa trưng dụng thì hơi quá, nghĩa là chỉ tình huống đặc biệt.

Để tránh sự lo lắng của dư luận, Bộ Công an phải đứng ra giải thích cho người dân rõ. Tôi nghĩ như bây giờ mà còn ra một văn bản gây hoang mang dư luận như vậy là không nên. Bản thân tôi, với tư cách một người dân, tôi cũng sẽ kiến nghị, thậm chí khiếu kiện, nếu như bản thân bị vi phạm quyền cá nhân, bị CSGT lạm quyền trưng dụng tài sản.

Đối với lực lượng CSGT nếu cố tình lạm quyền, thì phải bị xử phạt nghiêm, nặng thì xử lý hình sự cho ra khỏi ngành, nhẹ thì cảnh cáo, xử phạt hành chính", ông Sơn khẳng định.

Bởi vì, nếu theo Điều 34, Luật trưng mua, trưng dụng tài sản 2008, thì luật này cũng quy định cơ quan nhà nước phải bồi thường thiệt hại cho chủ sở hữu tài sản nếu tài sản trưng dụng bị mất hoặc bị hư hỏng.

Nếu CSGT căn cứ vào Thông tư số 01/2016/TT-BCA để trưng dụng tài sản thì người bị trưng dụng tài sản cũng có thể căn cứ vào Điều 24, Luật trưng mua, trưng dụng tài sản, Luật tố tụng hành chính để khởi kiện ra Tòa án hành chính về quyết định trưng dụng đó.

Bộ Tư pháp chính thức vào cuộc

Cũng liên quan đến sự việc, trao đổi với Đất Việt, ngày 1/2, ông Đồng Ngọc Ba - Cục trưởng Cục kiểm tra văn bản quy phạm (Bộ Tư pháp) cho biết: "Cục đang kiểm tra theo trình tự thủ tục, quy định pháp luật.

Chúng tôi đang xem xét tính pháp lý hợp hiến hợp pháp của Thông tư này".

Bên cạnh đó, theo ông Ba, Cục đang trong quá trình tác nghiệp kiểm tra nên chưa có kết luận chính thức.

Khi có kết luận về pháp lý có hợp hiến, hợp pháp hay không, Cục sẽ thông tin tới các cơ quan báo chí, tuyên truyền cho người dân được rõ.

Châu An




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC