Theo Tổng cục Thống kê, riêng kim ngạch nhập khẩu từ thị trường này ước đạt 49,3 tỷ USD, tăng 13% so với năm trước và chiếm 29% tổng kim ngạch nhập khẩu - lớn nhất trong các quốc gia Việt Nam có quan hệ mua hàng hóa.
Các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu gồm máy móc thiết bị, dụng cụ, phụ tùng điện thoại các loại và linh kiện; điện tử, máy tính và linh kiện.
Mặt khác, xuất khẩu sang Trung Quốc năm qua ước đạt 17 tỷ USD, tăng 14%, trong đó tăng chủ yếu ở nhóm hàng rau quả, dệt may, giày dép.
Tổng cục Thống kê cho biết, nhập siêu từ Trung Quốc liên tục tăng trong nhiều năm nay. Nguyên nhân là do nền sản xuất của chúng ta vẫn phụ thuộc quá lớn vào nguyên liệu từ thị trường này, trong đó có khá nhiều ngành phải nhập đến 90% nguyên liệu từ Trung Quốc.
Thông tin Tổng cục Thống kê đưa ra không gây bất ngờ bởi trước đó, tham luận của TS Nguyễn Đình Cung và Trần Toàn Thắng - Viện nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) gửi tới hội thảo “Dự báo kinh tế - xã hội phục vụ lập kế hoạch trung hạn trong bối cảnh hội nhập quốc tế” hồi đầu tháng 12 đã cho biết, Việt Nam đang giữ vị trí cao nhất trong số các đối tác lớn như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản và khu vực Đông Nam Á (ASEAN) về mức độ phụ thuộc nhập khẩu từ Trung Quốc.
Nếu như thời điểm năm 2004, chỉ số phụ thuộc của ASEAN cao hơn của Việt Nam khoảng 16%, thì đến năm 2014, mọi việc đã đổi chiều khi chỉ số của Việt Nam cao hơn ASEAN 21,7%. Quan trọng hơn, sự việc này lại có xu hướng gia tăng nhanh chóng, đặc biệt với một số nhóm hàng như nguyên liệu dệt may, thiết bị, linh kiện điện tử, máy móc thiết bị cơ khí.
Về xuất khẩu, theo CIEM, Việt Nam phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc thấp hơn mức trung bình của ASEAN, tuy nhiên từ 2008 trở lại đây, mức độ phụ thuộc có xu hướng đi lên. Đặc biệt, Việt Nam hầu như không điều chỉnh được nhiều về chỉ số phụ thuộc xuất khẩu trước những rủi ro địa chính trị khu vực đang xảy ra.
Nhiều chuyên gia bày tỏ, Việt Nam nên nhìn nhận lại quan điểm thoát Trung. TS Dương Đình Giám, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách công nghiệp (Bộ Công Thương) cho biết, trong xu thế toàn cầu hóa hiện nay, các quốc gia đều cần dựa lưng nhau vì những mối giao thoa về lợi ích.
Theo TS Dương Đình Giám, các doanh nghiệp Việt Nam hiện mới chỉ nhìn nhận thị trường Trung Quốc theo tầm nhìn ngắn hạn, “có lợi là làm, dễ làm khó bỏ”; chứ chưa xác định được chiến lược một cách bài bản để từng bước chinh phục thị trường này, chí ít là khu vực các địa phương tây và nam Trung Quốc.
"Vì vậy, thay vì đặt vấn đề “thoát hay không thoát”, ngay lúc này, Việt Nam cần tận dụng lợi thế của mình, đồng thời cần đa dạng hóa và đa phương hóa quan hệ trên mọi lĩnh vực, không ngừng nâng cao vị thế của mình trên trường quốc tế để tránh nguy cơ lệ thuộc vào một thị trường, mà cụ thể ở đây là Trung Quốc", vị chuyên gia nhấn mạnh.
Minh Thái (Tổng hợp)