“Buôn tàu bán bè không bằng ăn dè hà tiện”. Làm được vậy, khối nợ công 35 triệu đồng mỗi người dân vừa sinh ra đã phải gánh mới không “phình” ra thêm.

Đường sắt Cát Linh - Hà Đông là dự án vay vốn ODA điển hình về độ chậm trễ kéo dài 

42 1 Moi Nguoi Viet Ganh 35 Trieu No Cong Chac Ai Do Phai An De Ha Tien

Rất dễ nhận thấy độ mấp mô của đường sắt Cát Linh – Hà Đông. Ảnh: H.N

Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về vay vốn ODA cho thấy, năm 2018 nợ công dự kiến lên con số 3,5 triệu tỷ đồng, cao hơn con số 3,1 triệu tỷ đồng của năm 2017.

Như vậy, từ chỗ mỗi người dân chỉ "gánh" 31 triệu đồng nợ công vào năm 2017, thì đến 2018 dự kiến con số này sẽ tăng thêm 4 triệu đồng, lên 35 triệu đồng. Nhưng, con số đó có thể chưa dừng lại.

42 2 Moi Nguoi Viet Ganh 35 Trieu No Cong Chac Ai Do Phai An De Ha Tien

Nợ công liên tục tăng. Ảnh: L.Bằng

Theo tính toán của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nợ công trong xu hướng tăng dần đều, mỗi năm khoảng 360.000-380.000 tỷ đồng.

Cụ thể, năm 2019 dự kiến tăng lên mức hơn 3,9 triệu tỷ đồng và gần 4,3 triệu tỷ đồng vào năm 2020.

Phải nhìn nhận rằng, dòng vốn ODA đã góp phần cải thiện đáng kể cơ sở hạ tầng của đất nước. Những công trình lớn đều được thực hiện từ nguồn vay nợ ưu đãi của nước ngoài.

Tính riêng giai đoạn 2011-2016, giao thông thì có Dự án đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, Dự án đường cao tốc Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, cầu Vĩnh Thịnh, cầu Nhật Tân, đường nối Nhật Tân - Nội Bài, Nhà ga hành khách quốc tế T2 Sân bay Nội Bài.

Lĩnh vực năng lượng thì có Dự án điện Phả Lại, Hàm Thuận - Đa Mi, Phú Mỹ, Ô Môn, dự án đường dây truyền tải điện quốc gia, các dự án điện nông thôn. Dự án đường dây 500KV Pleiku - Mỹ Phước - Cầu Bông.

Trong lĩnh vực năng lượng, đã xây dựng hàng loạt các dự án nguồn thuỷ điện, nhiệt điện và năng lượng tái tạo, lưới điện và trạm phân phối... góp phần nâng cao năng lực sản xuất, truyền tải, phân phối, quản lý hệ thống điện, đáp ứng nhu cầu tăng trưởng phụ tải cao với tốc độ 15-17%/năm.

Đó là những ý nghĩa không thể phủ nhận của dòng vốn ODA.

Nhưng ODA còn đó những nỗi lo khó lòng che lấp. Đó là tình trạng tham nhũng ở một số dự án ODA đã bị phanh phui, là nhiều dự án lãng phí nằm đắp chiếu mà VietNamNet nhiều lần phản ánh, là số tiền đội vốn hàng trăm nghìn tỷ đồng trong các dự án, nhất là đường sắt đô thị.

Nhiều dự án tỷ đô vắt qua mấy nhiệm kỳ vẫn còn dang dở khiến đồng vốn ODA tưởng rẻ mà hóa ra đắt đỏ. Đường sắt Cát Linh - Hà Đông hiện diện như một "nốt nhạc buồn" khi đồng tiền vay nợ không được sử dụng hiệu quả. Trong khi, trách nhiệm vẫn là của tập thể, chưa thấy cá nhân nào bị điểm mặt chỉ tên.

Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tình hình vay nợ nước ngoài giai đoạn 2011-2016 đã đánh giá: Việc huy động nguồn lực ODA chưa có chiến lược mang tính căn cơ, hiệu quả, chặt chẽ, còn thể hiện tính dàn trải, thiếu tập trung, chưa có trọng tâm, trọng điểm, manh mún, chưa dành sự quan tâm thích đáng đến việc xem xét hiệu quả sử dụng vốn vay, thể hiện qua cách "mạnh ai người ấy làm".

42 3 Moi Nguoi Viet Ganh 35 Trieu No Cong Chac Ai Do Phai An De Ha Tien

Đường sắt Cát Linh - Hà Đông là dự án vay vốn ODA điển hình về độ chậm trễ kéo dài 

Một trong những nguyên nhân, lại xuất phát từ chính thái độ bàng quan của người có trách nhiệm "xin" dự án.

Giống như Đoàn giám sát thẳng thắn đánh giá: Nhận thức về ý nghĩa của nguồn lực ODA trong một số bộ phận cán bộ còn hạn chế, phần nào do quan niệm rằng nguồn vốn tài trợ "cho không", việc Chính phủ đi vay và cấp phát cho các địa phương, địa phương không phải chịu áp lực trả nợ, trả lãi. Vì vậy, chưa thực sự chú trọng đến hiệu quả của dự án.

Dự án viết "hay" để miễn là vay được tiền, không chú trọng đến hiệu quả thiết thực, chưa thấy được trách nhiệm phải quản lý, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả.

Tư tưởng "ỷ lại, trông chờ" nguồn vốn ODA và vay ưu đãi do Ngân sách Trung ương cấp phát đã khiến việc tiêu tiền đi vay đổ dồn lên gánh nặng cho đời con cháu.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, một số địa phương được nhắc đến là nơi phải nhận trách nhiệm, nhưng vẫn dừng ở mức "trách nhiệm tập thể".

"Chưa làm rõ trách nhiệm, nhất là trách nhiệm cá nhân người đứng đầu các cơ quan, đơn vị sử dụng vốn" là những lời đánh giá của đoàn giám sát.

Việt Nam đã trở thành nước có thu nhập trung bình. Nguồn vốn ODA chắc chắn giảm dần, thay vào đó phải dựa vào các nguồn vốn vay với chi phí cao hơn. Trong khi, nợ công đã sát "trần" cho phép, sức ép trả nợ các khoản vay cũ tăng dần từng ngày.

Vì thế, một cơ chế mới để quản chặt dòng vốn ODA là không phải bàn cãi. Trong vô số các giải pháp được Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, đoàn giám sát của Quốc hội đưa ra, thì có lẽ chẳng có biện pháp nào hiệu quả hơn việc "Buôn tàu bán bè không bằng ăn dè hà tiện". Có vậy, khối nợ 35 triệu đồng mỗi người dân vừa sinh ra đã phải gánh mới không "phình" ra thêm.

Tiếc rằng, việc "ăn dè hà tiện" có nơi, có chỗ còn đang làm ngược lại vì còn tư tưởng nợ cả nước mới lớn chứ chỗ mình đáng bao nhiêu.

Nguồn: Lương Bằng/ Vietnamnet.vn




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC