Đó là nhận định của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) đưa ra. Từ thứ hạng 89 vào năm 2009, Việt Nam năm nay đã nhẩy lên vị trí thứ 71 trong bảng chỉ số về môi trường thương mại toàn cầu năm 2010 vừa được WEF công bố.
Trong tổng số 125 nền kinh tế được WEF xem xét năm nay trong bảng chỉ số có tên Enabling Trade Index (ETI), Singapore và Hồng Công tiếp tục dẫn đầu thế giới về phương diện tạo điều kiện thuận lợi cho tăng cường trao đổi thương mại toàn cầu. Theo sau hai nền kinh tế châu Á này là ba nước châu Âu, Đan Mạch, Thụy Điển và Thụy Sỹ.
Riêng đối với Việt Nam, WEF ghi nhận: “Việt Nam là một trong số các nước đã cải thiện thứ hạng một cách mạnh mẽ nhất, tăng 18 bậc để lên đến hạng 71". Theo bà Margareta Drzeniek Hanouz, chuyên gia kinh tế cao cấp thuộc Mạng lưới Cạnh tranh Toàn cầu và là đồng tác giả công trình nghiên cứu của WEF, đó là kết quả của việc Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vào năm 2007.
Theo WEF, môi trường thương mại của Việt Nam được cải thiện như được thấy trong bảng chỉ số ETI 2010, phản ánh việc thực hiện các cam kết mở cửa thị trường hàng hóa và dịch vụ mà Việt Nam đã đưa ra khi xin gia nhập WTO. Hệ quả là hàng rào thuế quan của Việt Nam được hạ thấp, trong khi các nhà xuất khẩu của Việt Nam lại có điều kiện thuận lợi hơn khi giao dịch với các thành viên khác của WTO.
Cho dù Việt Nam đã có bước tiến mạnh mẽ, nhưng WEF cho rằng môi trường thương mại của Việt Nam còn nhiều bất cập. Đáng quan ngại nhất là lĩnh vực hải quan.
Theo WEF, những nỗ lực nâng cao hiệu quả hoạt động hải quan thời gian qua đã giúp cho Việt Nam lên được 10 hạng trong địa hạt “hiệu quả của ngành hải quan”. Thế nhưng, vị trí của Việt Nam vẫn rất thấp trên phương diện này khi chỉ đứng thứ 107 trên 125 nước. Tương tự như vậy, thứ hạng 104 trong lĩnh vực “tính chất minh bạch trong việc quản lý cửa khẩu” cho thấy đây là phương diện cần phải được nhanh chóng cải thiện.
Bản chỉ số ETI 2010 của WEF còn nêu bật mối quan ngại thường xuyên được các doanh nhân nước ngoài làm ăn với Việt Nam nhấn mạnh. Đó là sự yếu kém của hệ thống hạ tầng cơ sở, từ đường sá, sân bay, cho đến các bến cảng.
Chi tiết các chỉ số liên quan đến Việt Nam trong mục hạ tầng cơ sở trong tài liệu của của WEF còn cho thấy iệt Nam đứng thứ 103 về tình trạng hệ thống giao thông, thứ 104 về mật độ sân bay, thứ 95 về chất lượng đường sá và thứ 93 về việc thiếu vắng các bến cảng. Theo WEF, Việt Nam cần nâng cấp ngành giao thông vận tải, nếu muốn thúc đẩy thương mại.
Một lĩnh vực khác cần quan tâm là “môi trường kinh doanh”. Theo bảng chỉ số ETI 2010 của WEF, nếu Việt Nam rất cởi mở đối với việc thu nhận đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), (hạng 26) và khá rộng rãi trong tiếp nhận lao động nước ngoài (thứ 46).
Theo Bee.