Xuất khẩu gạo Việt Nam có thể gặp bất lợi khi Thái Lan xả 13 triệu tấn gạo tồn kho. Điều này từng xảy ra và thị trường Việt chao đảo.

Chính phủ Thái Lan mới đây thông báo kế hoạch đến giữa năm 2017 sẽ "giải phóng" hoàn toàn khối lượng hơn 13 triệu tấn gạo hiện có trong các kho dự trữ quốc gia.

Nỗ lực đầu tiên để hiện thực hóa kế hoạch này là mục tiêu bán 2 triệu tấn gạo thông qua các thỏa thuận liên chính phủ (G2G) với Trung Quốc, Philippines và Indonesia.

Đón đầu xu hướng tăng lượng gạo nhập khẩu phục vụ Tết Nguyên đán 2016 của nhiều quốc gia châu Á, Chính phủ Thái Lan tiếp tục xúc tiến nhiều biện pháp giải phóng gạo tồn kho qua tất cả các kênh.

Mong manh gạo Việt: Nhấp nhổm khi Thái Lan xả kho - 0 Trước thông tin trên, trả lời trên TTXVN, ông Huỳnh Thế Năng, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) nhận định, đây sẽ là một trong những yếu tố kéo giá gạo thế giới giảm xuống và gây bất lợi cho việc xuất khẩu gạo của Việt Nam.Về các thỏa thuận liên chính phủ, Chính phủ Thái Lan đã ký hợp đồng bán gạo trị giá 33,4 tỷ bath (khoảng 929 triệu USD) với Chính phủ Trung Quốc. Ngoài ra, Philippines cũng bày tỏ ý định nhập khẩu thêm từ 300.000-400.000 tấn gạo để để bù đắp nguồn cung thiếu hụt do hạn hán và thiên tai kéo dài.

Dù vậy, ông Huỳnh Thế Năng vẫn tỏ ra lạc quan khi cho rằng, xét trong bối cảnh chung của thị trường thì xuất khẩu gạo Việt Nam trong năm 2016 vẫn có nhiều thuận lợi.

Theo VFA, trong năm 2016, sản lượng gạo Thái Lan được dự báo xuống thấp nhất trong vòng 5 năm trở lại đây và chỉ đạt 16,4 triệu tấn gạo xay xát, do tác động của El-nino.

Mặc dù việc tồn kho còn 13 triệu tấn sẽ là một nguồn cung cấp dồi dào bù đắp sản lượng sút giảm nhưng xuất khẩu của Thái Lan được dự báo trong năm 2016 cũng chỉ đạt khoảng 9 triệu tấn, tương đương với lượng xuất khẩu của năm 2015.

“Ngay cả khi Thái Lan đẩy mạnh xuất khẩu gạo tồn kho sang các thị trường truyền thống của Việt Nam như Trung Quốc, Indonesia và Philippines thì gạo Việt Nam cũng khó có thể bị “đánh bật,” do Thái Lan có số lượng gạo trắng ít, trong khi nhu cầu ở các thị trường này chủ yếu nhập khẩu các loại gạo trắng”, ông Huỳnh Thế Năng cho biết.

Còn ông Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch Tập đoàn Lộc Trời nhìn nhận, việc Thái Lan định hướng đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc, Philippines và Indonesia trong khi đây là những thị trường nhập khẩu gạo chính của Việt Nam sẽ ảnh hưởng đến quyền thương lượng giá của doanh nghiệp. Tuy nhiên, không phải thị trường nào cũng nhập khẩu hoàn toàn loại gạo cũ mà sẽ có phân khúc gạo mới dành cho các doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội tiếp cận thị trường. Quan trọng là người đi đàm phán, thương lượng phải biết điều đó để có thể bán với giá cao hơn so với giá gạo cũ của Thái Lan”, ông Thòn cho biết.

Năm 2013, thị trường gạo Việt Nam đã bị chao đảo khi Thái Lan xả kho lúa gạo và giảm mạnh giá bán. Vào thời điểm đầu tháng 9/2013, theo phản ánh của một số doanh nghiệp xuất khẩu gạo, phần lớn các nhà nhập khẩu gần như ngừng mọi giao dịch để theo dỗi diễn biến. Số còn lại ép doanh nghiệp Việt hạ giá, thậm chí lăm le hủy hợp đồng. Trước nhiều áp lực, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đã giảm còn 360 USD/tấn loại 5% tấm và 340 USD/tấn loại 25% tấm, trong khi giá thành là 380 - 390 USD/tấn.

Tổng kết năm 2013, xuất khẩu gạo của Việt Nam giảm mạnh nhất trong số các nước xuất khẩu gạo chủ chốt, khiến Việt Nam tụt xuống vị trí thứ ba trong năm 2013, sau Ấn Độ và Thái Lan.

Khi ấy, các chuyên gia đã cảnh báo, các doanh nghiệp thuộc VFA không thể cứ tiếp tục chiến lược bán gạo với giá rẻ để cạnh tranh với các nước, rồi dựa vào giải pháp tạm trữ để giữ giá lúa gạo nội địa. Bởi diễn biến thị trường năm 2013 cho thấy chiến lược này đang phá sản khi mà các nhà nhập khẩu cứ liên tục ép được giá với doanh nghiệp. Đã đến lúc Việt Nam cần xây dựng một chiến lược phát triển ngành toàn diện hơn và tạo ra hướng đi riêng cho mình.

Báo cáo của Bộ NN&PTNT năm 2015 cho biết, ngành hàng gạo mặc dù tăng 5,8% về khối lượng nhưng lại giảm 2,9% về giá trị so với cùng kỳ năm 2014.

Thực tế mặc dù Việt Nam đã trở thành 1 trong 3 quốc gia hàng đầu trong xuất khẩu gạo nhưng đến nay, Việt Nam vẫn chưa có một thương hiệu gạo quốc gia nào.

Ngoài các đối thủ truyền thống, Việt Nam đang phải đối mặt với các đối thủ tiềm năng như Campuchia, Myanmar và Mỹ. Chính vì vậy áp lực cạnh tranh đối với gạo Việt không chỉ là giá mà còn là chất lượng, thương hiệu sản phẩm.

Theo Đề án phát triển thương hiệu gạo Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, thương hiệu gạo Việt Nam sẽ được phát triển ở 3 cấp độ: quốc gia, vùng miền và doanh nghiệp. Đến năm 2020, sẽ có 20% sản lượng gạo xuất khẩu mang thương hiệu gạo Việt Nam và tham gia trực tiếp vào chuỗi toàn cầu. Năm 2030, tỷ lệ này tăng lên 50%; trong đó 30% tổng sản lượng gạo xuất khẩu là gạo thơm và gạo đặc sản.

Minh Thái (Tổng hợp)




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC