Từ một nông dân nghèo không biết gì về công nghệ sinh học, một phụ nữ ở làng chài ven biển Đà Nẵng lại thành công với chế phẩm đặc biệt từ… rác thải.
Đáng chú ý, dù nhiều lần được trả giá đến 5 tỷ đồng bản quyền, người phụ nữ ấy vẫn từ chối bán công thức vì muốn dành sáng chế của mình để lo cho dân nghèo, giúp họ có công ăn việc làm.
Thành công nhờ bản tính gan lì hiếm có
Bà Trịnh Thị Hồng, Giám đốc Công ty TNHH MTV Công nghệ Sinh học Minh Hồng (Đà Nẵng), là một người rất ham học. Nhưng khi chia sẻ về bí quyết thành công, bà chỉ tự nhận là mình có bản tính gan lì hiếm có.
Theo Một thế giới, bà Hồng sinh ra trong gia đình thuần nông ở ven biển Liên Chiểu, Đà Nẵng, lại mồ côi từ nhỏ nên phải bỏ dở việc học khi mới lớp 5 để mưu sinh. Tuy nhiên, bà chưa bao giờ thôi khao khát với con đường học tập. Bà tự học qua Internet, sách báo, thậm chí cả các em sinh viên của trường Đại học Đà Nẵng.
Không biết gì về công nghệ sinh học nhưng bà Hồng vẫn quyết tâm theo đuổi lĩnh vực vô cùng mạo hiểm: Chuyển đổi rác thải hữu cơ thành nước rửa chén, nước lau sàn… thân thiện với môi trường.
Bà Hồng với chế phẩm nước rửa bát, nước lau nhà chiết xuất từ rác thải hữu cơ. (Ảnh: Dân Việt)
Ý tưởng biến rác thành tiền xuất hiện năm 2011 khi xe chở rác khu phố của bà Hồng bị trục trặc, 4 ngày rác không được dọn, bốc mùi khủng khiếp.
Thông qua những kiến thức tích lũy được từ quá trình tự học, bà Hồng quyết định mang rác về thử đủ cách hết xay rồi phơi, ép… nhưng không thành công.
Bà Hồng chia sẻ, ngay cả chồng tôi cũng bảo đó là ý tưởng điên rồ, còn con trai cho rằng mẹ thật viển vông. Đặc biệt, người ngoài thì không một ai tin một người nông dân nghèo lại có thể nghiên cứu được sản phẩm tốt, rẻ từ rác như các giáo sư, tiến sĩ.
Năm 2012, bà Hồng được nghe thuyết trình của đại diện Thái Lan về công nghệ lên men sinh học tạo chế phẩm từ rác thải hữu cơ tại chương trình tập huấn Phát triển công đồng nghèo châu Á. Ấn tượng với mô hình này, bà quyết tâm mang công nghệ về nước, bắt tay nghiên để tạo ra sản phẩm tẩy rửa giá rẻ, thân thiện với môi trường.
Công thức cơ bản là 3 kg rác thải thực vật kết hợp với 10 lít nước sạch và 300 gam đường ủ trong thùng nhựa đậy kín. Nguyên liệu đầu vào đơn giản là các loại rau củ quả, lá cây, hoa bỏ đi hay các loại rác thải thực vật khác được rửa sạch, cắt nhỏ.
Sau khi ủ trong thùng 30 ngày, từ 10 lít nguyên liệu đầu vào sẽ lọc được 2 lít dung dịch có màu vàng từ xác thực vật. Dung dịch thô này có thể đem sử dụng.
Hệ thống thùng và máy ủ của bà Hồng. (Ảnh: Một thế giới)
Tuy nhiên, khi đó sản phẩm có mùi rất khó chịu và ít bọt nên không đáp ứng được thị hiếu của người sử dụng. Để khắc phục nhược điểm này, bà Hồng trộn dung dịch thô với dầu dừa, cam chanh để khử mùi và tạo bọt bằng bồ kết hay bồ hòn, tạo màu tự nhiên bằng tinh bột nghệ…
Dung dịch thô ủ thêm với các chế phẩm thiên nhiên trong 45 ngày để ra nước rửa chén, nước lau nhà, nước giặt tiết kiệm xà phòng, tiết kiệm nước vì ít nhớt, nhờn, không hại da tay.
Thêm một rào cản nữa xuất hiện là chất lượng sản phẩm ban đầu còn chưa ổn định, nhiều lô hàng bị hỏng, bị trả lại do trong nước tẩy rửa tồn tại các cặn thực vật. Sau một thời gian nghiên cứu, rà soát, cuối cùng bà Hồng cũng khắc phục được hạn chế này.
Sản phẩm nước rửa chén, lau sàn hay nước giặt từ lên men thực vật được kiểm định độ PH vì dung dịch tẩy rửa phải có độ PH ổn định vừa đảm bảo tính năng tẩy rửa, vừa an toàn cho người sử dụng.
Đặc biệt, nước này sau khi dùng để lau dọn nhà cửa có thể tưới cho cây để tăng độ mùn của đất.
Từ chối bán bản quyền dù được trả giá 5 tỷ đồng vì nghĩ cho dân nghèo
Đầu năm 2016, mô hình biến đổi rác thải hữu cơ thành nước tẩy rửa của bà Hồng được lựa chọn làm hạt giống cho “Vườn ươm doanh nghiệp” của thành phố Đà Nẵng.
Đây là một trong 8 mô hình khởi nghiệp nổi bật nhất của Vườn ươm doanh nghiệp, được thành phố Đà Nẵng hỗ trợ nhiều trong việc tìm mua thiết bị, máy móc với giá rẻ, tạo điều kiện tham dự các cuộc thi trong và ngoài nước.
Mới đây, bà Hồng còn nhận được Bằng sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm nước tẩy rửa sinh học mang thương hiệu Minh Hồng.
Nước tẩy rửa sinh học đã có mặt ở hầu khắp các tỉnh thành trên cả nước. (Ảnh: Một thế giới)
Theo Một thế giới, thành công bởi mô hình nước tẩy rửa sinh học nhưng bà Hồng không giữ bí quyết riêng cho mình mà chia sẻ, phổ biến để giúp đỡ cộng đồng.
Khu vực bà Hồng sinh sống tập trung nhiều lao động nghèo, do đó bà thường tổ chức các buổi giới thiệu, hướng dẫn cách thức lên men rác thực vật. Mỗi tháng trung bình bà nhận của mỗi hộ khoảng 2.000 lít dung dịch thô với giá 2.000 đồng/lít, tạo thêm thu nhập từ 4-5 triệu đồng/hộ.
Đáng chú ý, quy trình sản xuất theo công nghệ sinh học của bà Hồng từng nhiều lần được chào mua với giá 5 tỷ đồng nhưng bà kiên quyết từ chối.
Chia sẻ trên Dân Việt về lý do từ chối bán bản quyền, bà Hồng cho biết: “Tôi không sợ mất bản quyền mà mong giúp được nhiều người hơn. Khi đó, họ thì có thêm thu nhập, còn môi trường thì sạch”.
Nguồn: Nguyễn Trang
Dân Việt