Bên cạnh ruộng rau đang vào thì xanh mơn mởn, được che chắn kỹ lưỡng là những luống rau "còi cọc", xen lẫn với cỏ. Vì sao lại như vậy?

Một rau chia thành hai mảnh ruộng

Trong những lần “vi hành” nắm bắt tình hình bà con sản xuất rau ở ngoại thành Hà Nội, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã từng thấy mỗi gia đình thường có hai luống rau. Sở dĩ, bà con trồng hai luống (mảnh ruộng) khác nhau là một luống để bán và một luống để ăn.

Phát biểu trong một cuộc họp liên ngành hồi tháng 6/2015, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam thẳng thắn: “Tôi đã trực tiếp đi xem bà con ngoại thành Hà Nội và vùng lân cận trồng rau.Người dân họ thường có 2 luống rau, luống cho mình và luống để bán. Luống cho mình thì rau xấu hơn, luống để bán thì rau xanh, đẹp hơn. Tất nhiên chẳng phải tất cả mà chẳng phải hiếm gặp. Tôi nói thật, mình ít đọc báo cáo, mà lúc mình chạy đi xem thôi mà đúng thật”. Vì sao người nông dân không dám ăn loại rau xanh, đẹp do mình tự tay sản xuất mà lại chọn loại rau xấu, sâu? Chúng tôi sẽ dần lý giải những nguyên nhân đó.

Một rau chia thành hai mảnh ruộng - 0

Ruộng rau "nhìn chả muốn hái" của nhà anh K. khác hẳn với những luống rau mơn mởn đang chuẩn bị thu hoạch để bán. (Ảnh: Hà Khê)

Gần cuối năm, bà con tấp nập trên các mảnh ruộng, chăm chút cho từng luống rau đang tuổi trưởng thành được trồng để phục vụ Tết Nguyên đán. Nhưng khác với mọi năm, đã có những cái lắc đầu ngao ngán vì bê bối rau của công ty Trung Thành vừa qua. Sau những bê bối rau không rõ nguồn gốc, trộn rau sạch - rau bẩn xảy ra vừa qua liên quan đến những sản phẩm rau ở Vân Nội, chúng tôi tiếp tục về đây để tìm hiểu thêm thông tin.

Sau nhiều ngày tìm hiểu, chúng tôi đã có thể tận mắt mục sở thị luống rau xấu – rau đẹp của một số bà con thuộc các HTX ở Vân Nội.

Theo chân anh Trực V. K. (xã viên HTX rau Ba Chữ - xã Vân Nội), chúng tôi bắt đầu ra đồng. Hôm nay, anh K. không mang rau ra chợ đầu mối Vân Trì bán như thường lệ mà đi nhổ rau về phục vụ gia đình. “Nay nhà tôi có khách, ra nhổ rau về làm lẩu”, anh K. nói.

So với những ruộng rau ở đây, luống rau nhà anh K. đúng theo kiểu “nhìn đã chả muốn hái”. Cỏ và rau mọc đan xen, cây rau què quặt đến tội nghiệp.

Vừa nhổ rau ở “luống rau gia đình”, anh K. chỉ tay về ruộng rau xanh mơn mởn bên cạnh và thật thà bảo: “Rau đẹp này để bán”.

Luống rau anh K. đang nhổ là loại cải mơ. Cùng với cải ngồng, cải chip… cải mơ là loại rau được trồng phổ biến ở Vân Nội.

Đây là những loại rau ăn lá thuộc loại ngắn ngày. Từ khi trồng đến thu hoạch tầm một tháng.

Theo quan sát của PV, luống rau cải mơ dành để gia đình ăn của anh K. trông không bắt mắt, nếu không muốn nói là rất xấu.

“Theo cậu, nếu rau này mang ra chợ bán, liệu có ai mua không? Hay họ lại chọn rau đẹp ở bên kia?’, anh K. chỉ tay sang ruộng rau bên kia và nói.

"Không phun thì sẽ thế này này"

Ở những luống rau, ruộng rau bên cạnh là các loại cải ngồng, cải mơ đang độ trưởng thành, chuẩn bị thu hoạch. Lá xanh mơn mởn, thân rau to đều rất bắt mắt và không thấy bóng dáng của sâu bọ. Theo tìm hiểu của PV, loại rau này trồng khoảng 30 ngày thì có thể thu hoạch được.

Trong thời gian này, theo anh K. tiết lộ, mỗi cây rau cải được “hứng” 4 lần phun thuốc. Từ thuốc kích thích rễ, kích thích lá đến các loại thuốc trừ sâu.

Đoạn hội thoại giữa PV Báo điện tử Trí Thức Trẻ và chủ vườn rau Trực V. K sẽ lý giải phần nào vì sao rau “ngậm” nhiều thuốc bảo vệ thực vật đến vậy.

Phóng viên: Từ khi gieo đến khi thu hoạch, mỗi lứa rau phun thuốc bao nhiêu lần vậy anh?

Anh K.: 3 – 4 lần, tùy loại.

PV: Sau khi phun bao lâu thì ăn được (thời gian cách ly an toàn)?

Anh K: Khoảng 7 – 10 ngày.

PV: Sao lại phun nhiều loại thuốc như vậy?

Anh K: Không phun thì khỏi thu hoạch. Bọ nhảy (một loại sâu bệnh) sẽ ăn hết rau.

PV: Loại rau bán, các anh thường phun thuốc gì?

Anh K: Thuốc kích thích, thuốc trừ sâu. Kích thích rễ, kích thích tăng trưởng, kích thích xanh lá.

PV: Anh thường mua thuốc ở đâu?

Anh K: (Chỉ tay về cửa hàng bán thuốc bảo vệ thực vật cách ruộng khoảng 10 mét) – mua ở đấy. Ai cũng mua đấy. Nhưng ở đó bán đắt hơn so với mua nơi khác.

PV: Rau nhà ăn anh có phun không?

Anh K: Im lặng.

Anh Trực V.K nhổ một nắm rau dành cho gia đình ăn rồi chỉ tay vào rễ và bảo: “Không phun sẽ như thế này này. Rễ cây bé tí thì làm sao rau tốt được”.

 

Một rau chia thành hai mảnh ruộng - 1  "Nếu không phun, cây sẽ bé như này này", anh K. nói với chúng tôi. (Ảnh: Hà Khê)

Cách luống rau nhà anh K. không xa, một nông dân khác đang miệt mài phun thuốc vào từng luống rau. Lúc đó khoảng 9h sáng.

Dù không biết là anh nông dân đang phun loại thuốc nào trong các loại mà anh K. đã liệt kê, nhưng có thể dễ dàng ngửi thấy mùi khó chịu, dù chúng tôi đứng cách điểm phun chừng 50 mét.

Anh Lê V. T. (quê Vĩnh Phúc) xuống Vân Nội trồng rau và nhập cho nhiều đầu mối ở Vĩnh Phúc tự tin cho rằng, không phải cứ phun thuốc vào rau, củ, quả là gây ra độc hại, chứa độc tố. Anh T. tự tin nói luôn, bao năm nay chưa có ai chết vì ăn rau Vân Nội.

"Với dưa chuột, sau khi phun khoảng 2 ngày là thu hoạch ngay, chứ nếu để đến ngày thứ 4 thứ 5 thì quả nó đã to vống lên rồi, ai còn mua nữa", anh T. nói.

Đem câu chuyện ghi nhận được từ một số nông dân ở khu vực thôn Ba Chữ, chúng tôi trao đổi với lãnh đạo của thôn này về việc sản xuất rau an toàn. Ông Quế, Bí thư chi bộ thôn Ba Chữ, nguyên Chủ nhiệm HTX Ba Chữ cho rằng, mọi người đang hiểu sai về việc người dân trồng hai luống rau, một luống để bán và một luống để ăn.

Ông Quế lý giải, chúng ta không thể cả 30 ngày đều ăn một loại rau được và thường trồng xen các loại rau, củ trong mảnh ruộng. Sau khi nhổ bán thì vẫn để dành mỗi loại rau một góc ruộng để ăn dần, thay đổi cho nhau. "Bao nhiêu năm nay, có ai ăn rau của Vân Nội mà bị ngộ độc hay tử vong đâu. Mọi người hay nói quá lên", Bí thư chi bộ thôn Ba Chữ nói.

Thế nhưng, những hình ảnh mà chúng tôi ghi lại được giữa hai mảnh ruộng của một gia đình ngay khu vực đồng của thôn Ba Chữ lại khác với sự giải thích của vị lãnh đạo thôn.

Dưới đây là một số hình ảnh mà PV ghi lại về sự đối lập giữa rau nhà ăn và rau mang bán ở làng rau Vân Nội:

Một rau chia thành hai mảnh ruộng - 2 Đây là một góc trong mảnh ruộng mà gia đình anh K. trồng để ăn. Không khó để nhận ra rau cỏ mọc đan xen. (Ảnh: Hà Khê)

Một rau chia thành hai mảnh ruộng - 3

Ở luống rau dành cho gia đình ăn, không khó để nhận ra những lá rau bị sâu ăn. (Ảnh: Hà Khê)

Một rau chia thành hai mảnh ruộng - 4

Còn đây là mảnh ruộng được bà con trồng để mang đi bán. Trông rất ngon mắt và đều tăm tắp. Người nông dân cho biết, loại này thường phun khoảng 4 loại thuốc bảo vệ thực vật khác nhau. (Ảnh: Hà Khê)

 

Một rau chia thành hai mảnh ruộng - 5

Một góc chợ đầu mối Vân Trì (xã Vân Nội - Đông Anh), nơi bà con mang rau ra nhập cho lái buôn, khách mua lẻ. (Ảnh: Hà Khê)

Một thực tế đang xảy ra ở Vân Nội mà chính ông Quế - Bí thư Chi bộ thôn Ba Chữ cũng phải thừa nhận, những vụ việc vừa qua làm mất uy tín rau Vân Nội, ảnh hưởng lớn đến việc tiêu thụ rau cho bà con.

Nếu làm bếp ăn tập thể nên tẩy độc rau trước khi chế biến Khi biết chúng tôi muốn mua rau về làm bếp ăn tập thể cho công nhân ở KCN Đan Phượng, bà N. một người dân sống ở Vân Nội cảnh báo: Lấy rau ở đây sẽ rẻ, rau đẹp đấy, nhiều bếp ăn đã về đây nhập rau.

Lấy quen một lần, từ lần sau gọi điện họ sẽ gom trước cho mình. Theo kinh nghiệm, nên ngâm tẩy độc trước khi đưa vào chế biến.

Còn nếu về đây lấy quen rồi, nên đặt khoảng 3 – 5 hộ họ sản xuất riêng cho mình, sẽ đảm bảo hơn là mua ở chợ.

 

Theo Nhóm PV (Soha.vn/Trí thức trẻ)




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC