Theo đánh giá của các kiến trúc sư Nhật Bản, Nhà hát Lớn Hà Nội có kiến trúc đẹp nhất Đông Nam Á. Không chỉ là nơi tổ chức các sự kiện văn hóa, nghệ thuật của Việt Nam mà một thời Nhà hát Lớn còn là nơi diễn ra các hoạt động yêu nước... Lễ kỷ niệm 100 năm nhà hát này sẽ được tổ chức tại Hà Nội vào ngày 11/11/2011.
Năm 1887, nhân hội chợ ở phố Tràng Thi, một công ty của Hoa kiều đã xây rạp hát ở đầu phố Takou (nay là phố Hàng Cót) để diễn tuồng Trung Hoa. Tuy nhiên đứng tên xây dựng rạp lại là viên bác sĩ người Pháp tên là Nico. Ngoài diễn tuồng Trung Hoa, thỉnh thoảng rạp cũng cho các nhóm sân khấu, ca nhạc từ Pháp qua thuê biểu diễn. Rạp Takou là rạp hát đầu tiên ở Hà Nội theo kiểu phương Tây.
Tiền thuê đắt, cộng thêm rạp quá xấu không phù hợp cho các hoạt động nghệ thuật của phương Tây nên những người Pháp ở Hà Nội yêu cầu chính quyền xây một rạp hát rộng hơn. Năm 1889, Hội đồng thành phố đã họp và quyết định xây dựng nhà hát. Vị trí được chọn là đầm thuộc đất của hai làng Thạch Tần và Tây Luông giáp ranh với làng Cựu Lâu, thuộc Tổng Phúc Lân, huyện Thọ Xương. Đồ án thiết kế của hai kiến trúc sư người Pháp là Voyer và Harley được duyệt và nó mang dáng dấp của nhà hát Opera Paris. Hai nhà thầu khoán Pháp trúng thầu là Charavy và Savelon được giao thi công dưới sự chỉ đạo của kiến trúc sư Harley lúc đó là quan thanh tra nhà cửa...
Công trình được khởi công vào ngày 7/6/1901. Vì xây trên mặt bằng của một chiếc đầm lớn vừa san lấp nên người ta phải cho đóng tới 35.000 cọc tre trước khi đổ bê tông lót đáy nhà. Móng xây bằng đá tảng, khu vực sân khấu xây bằng gạch chịu lửa để phòng hỏa hoạn, mái nhà lợp bằng phiến thạch trang trí kẽm thếp vàng rất mỹ thuật. Đường vòng quanh mái trang trí bằng gạch tráng men. Phía trước có cột đỡ xây theo phong cách Côranhtơ Hy Lạp. Mặt chính nhà hát là hành lang kiến tạo giống như hành lang lâu đài Tuylơri ở Paris. Cửa vào tầng một dẫn tới tiền sảnh. Hai bên là hai cổng phụ có mái che nhô ra để xe cộ có thể đỗ sát vào khi trời mưa, tránh cảnh ướt át.
Công trình được đặt trong không gian rộng có hoa, cây cảnh. Chiều dài mặt ngoài là 87m, bề rộng trung bình là 30m, diện tích chung là 2.600m2. Điểm cao nhất của nhà hát lên đến 34m. Từ điểm này có thể nhìn thấy toàn cảnh thành phố, núi Tam Đảo và Ba Vì, ngày đẹp trời còn có thể nhìn thấy dãy núi đá vôi ở Ninh Bình. Hằng ngày có tới 300 công nhân làm việc tại công trình.
Cấu trúc nhà hát có thể chia ra làm 3 phần. Mặt trước là thềm tam cấp nhiều bậc đi lên nền tôn cao. Tiền sảnh dài 30m, rộng 15m, từ đây có bậc thang đi lên tầng để vào các "chuồng gà", đi xuống tầng hầm. Trước tiền sảnh có hai ghisê bán vé, trên tầng hai có phòng gương và một phòng nhỏ tiếp khách. Đây là nơi dành cho các nhân vật VIP và gia đình họ. Từ ban công tầng hai có thể bao quát cả quảng trường và nhìn thẳng ra phố Paul Bert (nay là Tràng Tiền).
Phần giữa dành cho khu vực hội trường dài 25,50m, rộng 19m, nền nhà dốc về phía sân khấu gồm hai dãy lô có hai cầu thang để rút ra ngoài khi có sự cố. Số ghế ban đầu là 870, tất cả các lô đều có phòng chờ nhỏ. Trần nhà hát được trang trí các họa tiết và có hệ thống quạt trần làm mát và thoáng khí cho khán giả vào mùa hè. Khu vực sân khấu dài 17,50m, rộng 20m mặt mở ra phía khán giả rộng 10m. Phía sau sân khấu có phòng làm việc và 18 lô dành cho diễn viên, các phòng tắm, một thư viện phòng giám đốc và nơi nghỉ ngơi của nhân viên; có kho chứa phông màn, kho đựng dụng cụ cứu hỏa. Tầng hầm cao 5m thoáng khí nhờ hệ thống cửa tò vò.
Để gắn tên mình vào sự kiện khánh thành nhà hát, một nhóm kịch nghiệp dư gồm những người Pháp đang sống và làm việc ở Hà Nội đã tập vở hài kịch. Dù đã hoàn thành nhưng sân khấu trống trơn không có màn kéo cũng như bất cứ thiết bị nào phục vụ cho trang trí phông cảnh. Để khắc phục, một diễn viên vốn là bác sĩ thú y đã nghĩ ra cách mua vải thô may lại đủ rộng rồi cho vẽ cảnh Hồ Gươm có Tháp Rùa làm màn kéo. Tối ngày 9/12/1911, lễ khai trương nhà hát bắt đầu bằng vở hài kịch "Chuyến đi của ông Perrichon" (Le voyage de M.Perrichon), số tiền thu được từ sự hảo tâm của quan khách được nhóm kịch ủng hộ cho đám trẻ lai sống lang thang trên phố. 16 năm sau, tấm màn kéo bằng vải thô có hình Tháp Rùa được thay thế bằng vải sa tanh và đến năm 1932 mới thay bằng nhung theo kiểu của sân khấu của Italia.
Sau khi khánh thành, Nhà hát Lớn Hà Nội là nơi diễn ra các sự kiện văn hóa, nghệ thuật của người Pháp sống ở Hà Nội và cũng là địa điểm biểu diễn lý tưởng cho các đoàn kịch, nhóm nhạc từ Pháp qua. Khán giả người Việt Nam vào nhà hát phần lớn là những quan chức, người giàu có.
Đêm ngày 22/10/1921, một sự kiện quan trọng diễn ra tại Nhà hát Lớn đó là ra mắt vở kịch "Chén thuốc độc" của Vũ Đình Long do Hội Bắc Kỳ công thương đồng nghiệp đứng ra tổ chức. Trong diễn văn, Tổng thư ký Hội Nguyễn Mạnh Bổng khẳng định: "Ngày 22/10/1921 này thực sự là một ngày kỷ niệm trong văn học sử nước ta về việc diễn kịch theo lối mới và thuần nhiên dùng văn ta tả những cảnh xã hội ta". Từ năm 1933-1939, nhiều ban kịch của người Việt đã diễn tại đây, trong đó có nhóm cải lương tài tử diễn vở "Hai gã thanh niên" lấy tiền ủng hộ bà con bị thiệt hại do bão lũ ở Thái Bình. Cũng trong thập niên này, người ta cho gắn còi tầm trên nóc nhà hát và cùng với còi tầm ở ga Hàng Cỏ, Nhà Tiền (nay là Nhà máy in Tiến Bộ) hú 6 lần trong một ngày báo giờ làm buổi sáng, nghỉ giữa ca, nghỉ trưa... Trong những ngày tháng máy bay Mỹ ném bom Hà Nội và miền Bắc, còi tầm trở thành còi báo động khi máy bay Mỹ vào khu vực Hà Nội.
Không chỉ là nơi tổ chức các chương trình nghệ thuật, Nhà hát Lớn với quảng trường rộng lớn trước mặt là nơi diễn ra những sự kiện cách mạng trong đó có buổi mít tinh do Tổng hội Viên chức tổ chức sau đó biến thành buổi ra mắt của Mặt trận Việt Minh ngày 17/8/1945. Hai ngày sau, ngày 19/8, trong một cuộc mít tinh lớn của người dân Hà Nội, cờ đỏ sao vàng lớn nhất được treo trên tầng hai nhà hát và bà con tham dự mít tinh từ đây tiến về Phủ Khâm sai cướp chính quyền. Ngày 16/9/1945 tại Nhà hát Lớn đã diễn ra phát động Tuần lễ vàng quyên góp ủng hộ Chính phủ của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Và một sự kiện trọng đại là ngày 2/3/1946, Quốc hội nước Việt Nam dân chủ cộng hòa khóa I, họp phiên đầu tiên ở Nhà hát Lớn. Tại phiên họp này, các đại biểu đã thông qua danh sách Chính phủ đầu tiên của Nhà nước Việt Nam độc lập do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu, đồng thời thông qua danh sách thành viên dự thảo hiến pháp. Sau đó nhiều kỳ họp Quốc hội cũng được tổ chức tại đây.
Trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, quảng trường Nhà hát Lớn là nơi tiễn đưa những người con trai Hà Nội lên đường nhập ngũ. Nhà hát Lớn cũng là nơi để lại nhiều kỷ niệm với các nhà hoạt động nghệ thuật. Năm 1946 vở kịch "Người Hoa Lư" của nhà viết kịch Lưu Quang Thuận (thân phụ của Lưu Quang Vũ) về anh hùng Đinh Bộ Lĩnh được diễn tại đây. 35 năm sau, ngày 21/2/1981, Lưu Quang Thuận đột quỵ trên hàng ghế khán giả và ông ra đi ngay khi tấm màn nhung của nhà hát vừa mở bắt đầu đêm diễn.
Chuẩn bị cho Hội nghị khối Pháp ngữ lần thứ 7 diễn ra năm 1997 tại Hà Nội, Nhà nước đã quyết định trùng tu Nhà hát Lớn với số tiền khoảng 16 triệu USD. Lần trùng tu này đã trả lại dáng vẻ ban đầu vì những lần sửa chữa trước đó, người ta quét vôi phủ kín các hoa văn của công trình. Và điều thú vị là các kiến trúc sư đã sử dụng đá ở Lai Châu để làm ngói lợp thay cho ngói cũ, loại ngói phải nhập từ vùng Ápđoa của nước Pháp. Kể từ đó đến nay công trình có giá trị về kiến trúc và lịch sử này là địa điểm biểu diễn lý tưởng của các đoàn nghệ thuật trong và ngoài nước, là địa chỉ không thể thiếu cho các tour du lịch đến Hà Nội.
Theo HNM.