Vốn là một trí thức “hào hoa, phong nhã”, có vị trí trong xã hội, ông Jurgen Fritz (quốc tịch Đức, đang sống tại Việt Nam), bỗng chốc bị “trắng tay” vì bị chiếm dụng số tiền khá lớn.
Mặc dù phán quyết của Tòa án Thành phố Hà Nội tại bản án sơ thẩm số 22/2013/DSST và quyết định phúc thẩm số 194/2013/QĐ – PT của Tòa án Nhân dân Tối cao đã xử cho ông Jurgen Fritz thắng kiện.
Nhưng gần một năm đã trôi qua, ông già người Đức 76 tuổi này vẫn chưa đòi được số tiền 90.000 EURO (tương đương hơn 2,4 tỷ VND) của mình bị bà Trương Minh Châu ở Hà Nội chiếm dụng…
Bỗng dưng lâm vào cảnh bần hàn
Có thể nói, nhiều năm trước đây ông Jurgen Fritz (ông Fritz - PV) vốn là một trí thức “hào hoa, phong nhã”, có vị trí trong xã hội. Ông từng công tác tại Đại sứ quán CHDC Đức trong những năm Việt Nam kháng chiến chống Mỹ, sau đó thường xuyên được tham dự trong phái đoàn Đại biểu cấp cao của Đảng Cộng sản Đức sang Việt Nam…
Ông Fritz không ngờ rằng, khi về già ông bỗng chốc bị “trắng tay” bởi bà Trương Minh Châu đã lợi dụng việc hợp tác làm ăn để chiếm dụng số tiền khá lớn của ông.
Với thân hình tiều tụy trong chiếc sơ mi trắng nhàu nát, đầu tóc bơ phờ, cặp mắt buồn rầu, trũng sâu, ông Fritz gặp chúng tôi vào một ngày đầu tháng 9/2014. Ông nói tiếng Việt khá sõi với âm giọng nhỏ nhẹ, yếu ớt.
Sau một hồi giãi bày, ông Fritz cho biết: Ông sinh năm 1938, bắt đầu học tiếng Việt từ năm 1958, đã từng sang Việt Nam nhiều lần và đến nay gần như muốn ở hẳn Việt Nam. Là người rất yêu tiếng Việt, yêu đất nước và con người Việt Nam, ông Fritz đã say mê học và thực hành tiếng Việt.
Ông đã từng nhiều lần đi dịch cho Bác Hồ, Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh… cùng nhiều nguyên thủ quốc gia khác trước đây của Việt Nam.
Tuy nhiên, về cuối đời ông bỗng lâm vào cảnh khó khăn tại Hà Nội khi bị bà Trương Minh Châu (có hộ khẩu thường trú tại B12, Phòng 10, Kim Liên, Đống Đa, Hà Nội) chiếm dụng gần như toàn bộ tài sản mà cả đời ông đã dành dụm, tích cóp được.
Mặc dù đã có quyết định của Tòa án các cấp tuyên cho ông thắng kiện, buộc bà Trương Minh Châu phải trả lại ông tiền, nhưng việc thi hành án không thực hiện được khiến cho gần một năm nay ông Fritz phải đi “gõ cửa” nhiều nơi để rồi cuối cùng rơi vào tình trạng vô vọng, không biết bấu víu vào đâu?
Bị chiếm dụng tài sản
Xã hội không chấp nhận những người chiếm đoạt tiền và tài sản của người khác, trong trường hợp này lại là của một người nước ngoài. |
Theo nội dung trình bày của ông Fritz tại Tòa án Nhân dân Thành phố Hà Nội (xử ngày 28.5.2013) trong vụ kiện “Tranh chấp đòi tài sản”, thông qua bà Minh Hương Sommer (Việt kiều tại CHLB Đức), năm 2004 ông Fritz đã gặp bà Trương Minh Châu (em ruột bà Hương Sommer ở Việt Nam).
Lúc đó, bà Châu nói rằng: Bà đang có một lô đất rộng và đẹp ở đảo Phú Quốc nên đã gợi ý mời ông Fritz bỏ tiền hợp tác đầu tư. Phía bà Châu sẽ chịu trách nhiệm lo mọi thủ tục hợp tác kinh doanh theo quy định của Pháp luật Việt Nam có yếu tố người nước ngoài tham gia (do người nước ngoài không được mua bất động sản ở Việt Nam - PV).
Vì quá tin tưởng bà Châu nên ông Fritz đã đồng ý và trong 2 năm (2004 và 2005) ông Fritz đã 3 lần chuyển tiền cho bà Châu (đều có giấy xác nhận) với tổng số tiền là 90.000 EURO.
Cuối năm 2010, do bị sức ép đòi tiền liên tục từ phía ông Fritz, bà Trương Minh Châu đã đề xuất dùng số tiền 90.000 EURO nói trên để đầu tư mua căn hộ cao cấp số E 606, tầng 6, diện tích 92,7m2 tại khu nhà Indochina Plaza, 239 Xuân Thủy, Cầu Giấy.
Vì trót “đâm lao phải theo lao” nên ông Fritz đành phải đồng ý. Ngày 28.11.2010 giữa ông Fritz và bà Châu có thỏa thuận với nhau một biên bản ghi nhớ.
Tuy nhiên, ông Fritz đã không ngờ rằng, lợi dụng việc ông chưa nắm chắc về pháp luật của Việt Nam, bà Châu đã dùng biên bản ghi nhớ nói trên chỉ với mục đích kéo dài thêm thời gian trả nợ, còn về pháp lý ông Fritz không hề có quyền lợi hợp pháp nào trong hợp đồng mua bán căn hộ E 606 được ký với Trung tâm Thương mại và nhà ở Hà Nội.
Trên thực tế, việc ký hợp đồng mua bán căn hộ trên đã diễn ra từ ngày 4.11.2010, trước gần 1 tháng so với thời gian ký biên bản ghi nhớ trên giữa ông Fritz và bà Châu (28.11.2010).
Mặt khác, tại phiên tòa sơ thẩm cả ông Phạm Văn Tính lẫn Trung tâm Thương mại và nhà ở Hà Nội đều khẳng định, từ khi ký hợp đồng mua nhà, bà Châu chưa hề đưa ra một biên bản, giấy ủy quyền, hay thông tin nào về bên thứ ba liên quan tới căn hộ E606 thuộc khu nhà Indochina Plaza, 239 Xuân Thủy.
Do vậy, họ không hề biết ông Fritz, và đương nhiên về pháp lý mọi nghĩa vụ, quyền lợi, hay phát sinh của căn hộ chung cư này không liên quan gì tới ông Fritz
Ngoài ra, tại công văn trả lời đơn vị Thi hành án của Trung tâm Thương mại và nhà ở Hà Nội (bên bán căn hộ E606), ngày 18.6.2014 còn ghi rõ:
“Ngày 29.11.2013 Trung tâm Thương mại và nhà ở Hà Nội đã làm thủ tục xác nhận vào văn bản chuyển nhượng Hợp đồng mua – bán căn hộ E606 được ký giữa bà Châu, ông Tính với người nhận chuyển nhượng… Cho tới thời điểm này bà Châu và ông Tính đã nhận đầy đủ giá trị chuyển nhượng hợp đồng bằng tiền mặt từ người nhận chuyển nhượng…” .
Trên cơ sở những tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ, cũng như nội dung kết quả tranh tụng tại Tòa Dân sự, bản án sơ thẩm của Tòa Hà Nội ngày 28.5.2013 đã tuyên: Buộc bà Trương Minh Châu phải trả lại cho ông Fritz 90.000 EURO (được quy đổi ra tiền VND tại thời điểm xét xử là 2 tỷ 416 triệu 50 ngàn đồng)…
Theo luật sư Nguyễn Đăng Quang (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội), vụ án đến nay đã có nhiều yếu tố hình sự, cần phải được điều tra để truy tố ra pháp luật.
Còn đối với ông Fritz giờ đây việc đòi lại số tiền lớn ngày càng tuyệt vọng! Trước sự chây ỳ kéo dài, không chịu chấp hành án của bà Trương Minh Châu có người đã “mách” ông Fritz tìm tới “luật rừng”, nhưng ông Fritz kiên quyết không nghe.