Cậu bé chừng 10 tuổi loắt choắt đội chiếc mũ đã cũ sờn ngồi trên chiếc thuyền nhỏ chở nào chuối, nước ngọt xòe đôi tay bé xíu cầm nải chuối vàng óng mời chúng tôi mua. Người mẹ đứng ở mũi ghe đang điều khiển động cơ. Một cậu em nhỏ tuổi hơn ngủ gục dưới chân mẹ.
Trong ánh nắng buổi sớm mai, chợ nổi Cái Răng, quận Cái Răng, TP Cần Thơ tấp nập tàu thuyền mua bán nông sản. Nhiều du khách trong và ngoài nước lựa chọn điểm du lịch chợ nổi Cái Răng vì nét sinh hoạt sông nước hết sức độc đáo này của bà con khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Và, có lẽ lúc trở về, không ai là không lưu luyến và thương cảm với hình ảnh của những người phụ nữ và những đứa trẻ nhỏ đang vất vả mưu sinh lênh đênh trên những con thuyền, mỏng manh theo những con nước hằng ngày tại chợ nổi Cái Răng.
Chợ nổi Cái Răng họp từ khoảng 4h sáng đến 10h mới kết thúc. Thế nhưng, những người làm nghề chạy ghe như chị Lê Thị Tâm, ở xóm Chài, Hưng Phú, quận Cái Răng bắt đầu chở hàng thuê ngay từ 1h sáng để tập kết hàng kịp trao bán tại chợ. Đến chừng 5h, chị lại nhận chở khách du lịch tham quan chợ, 12h trưa mới là lúc chị Tâm được chút nghỉ ngơi.
Chiếc ghe có giá hơn 10 triệu đồng là cả gia sản đối với gia đình chị Tâm. Mấy hôm nay, chồng chị bị cảm gió nằm bẹp ở nhà, chị trở thành chủ ghe. "Cực nhất là ghe bị hư hoặc nhà có người ốm. Tiền kiếm được nuôi người ốm không đủ!".
Chị Tâm đã có 2 cháu nhưng rồi lại "vỡ kế hoạch" sinh thêm một cháu mới 3 tuổi nên càng khó khăn. Không chỉ chở khách, chị Tâm còn giới thiệu về chợ nổi như một hướng dẫn viên du lịch thứ thiệt: "Trên mỗi chiếc ghe, thuyền… thường cắm một chiếc sào mà người địa phương gọi là cây bẹo, treo các loại sản vật như bí ngô, bắp cải, thanh long… biểu thị cho những thứ họ rao bán".
Theo chị Sáu Tơn cũng ngụ tại xóm Chài, có gần 40 hộ sống bằng nghề chèo ghe tại đây. Cuộc sống khá chật vật với thu nhập chỉ khoảng 40.000 đồng - 70.000 đồng một người một ngày. Câu chuyện bị đứt đoạn bởi có tiếng khách gọi chở hàng.
Mặt trời bắt đầu đứng bóng cũng là lúc chợ nổi Cái Răng đông khách du lịch. Một chiếc ghe nhỏ nhanh chóng áp sát ghe chúng tôi. Cậu bé chừng 10 tuổi loắt choắt đội chiếc mũ đã cũ sờn ngồi trên chiếc thuyền nhỏ chở nào chuối, nước ngọt xòe đôi tay bé xíu cầm nải chuối vàng óng mời chúng tôi mua. "Mua cho con đi cô, 10 ngàn 1 nải à", giọng cu cậu vẫn còn hơi ngái ngủ.
Người mẹ đứng ở mũi ghe đang điều khiển động cơ. Một cậu em nhỏ tuổi hơn ngủ gục dưới chân mẹ. Có lẽ, vì phải dậy sớm và giúp mẹ bán hàng nên em đã ngủ quên ngay cả khi chợ còn đang ồn ào nhất. Thỉnh thoảng, cậu bé lại ngơ ngác thức dậy vì có tiếng động mạnh. Giấc ngủ bập bềnh theo con nước…
"Cháu tên gì? Cháu học lớp mấy?" - Tôi hỏi. "Con tên Toại. Con học lớp 6. Sáng nào cũng theo mẹ đi bán hàng ở đây. Chiều về đi học nhưng buồn ngủ lắm", cậu bé lễ phép nói.
Cái nắng lúc 8h đã bắt đầu gay gắt. Chúng tôi bắt gặp rất nhiều các em nhỏ chỉ chừng từ 6 đến 10 tuổi theo ba, má đi bán hàng. Điều dễ nhận thấy là đứa nào cũng có nước da đen nhẻm cùng mái tóc lơ thơ vàng vì nắng. Nhưng, tiếng nói của các em lảnh lót, vang vọng át cả tiếng sóng nước.
Duyên, cô bé 13 tuổi nhưng nhỏ thó như mới 9 tuổi, giọng buồn buồn: "Con không đi học nữa, phụ ba bán hàng nước trên chợ nổi lấy tiền cho em đi học cô à".
Nhìn những đứa trẻ nhỏ bé lênh đênh theo con nước mà chúng tôi không khỏi chạnh lòng. Chúng quá mỏng manh để vật lộn với cái chòng chành của sóng nước. Đã có không ít tai nạn thương tâm xảy ra mà nạn nhân là những người phụ nữ và những em nhỏ. Gần đây nhất, tháng 7/2009, một vụ va chạm tại khu vực chợ nổi Cái Răng dẫn đến cái chết của hai mẹ con chị Lê Ngọc Hiền (27 tuổi, đang mang thai 4 tháng) và con trai 2 tuổi tên Lâm Hồng Phúc, ngụ tại Thạnh Phú, Bến Tre.
10h. Nắng bắt đầu gắt. Chợ nổi vãn khách. Những người phụ nữ và những em nhỏ mất hút dần cùng những chiếc ghe, chỉ còn lại tiếng phành phạch của tàu thuyền, ghe trên sông. Vất vả, nguy hiểm là vậy nhưng đã có biết bao trẻ lớn lên và tiếp nối nghề chèo ghe từ bao đời nay ở chợ nổi Cái Răng.
Theo CAND.