Nhìn vào những trang báo Việt Nam phát hành hôm 17/2, người ta có thể thấy tâm thế làm báo trong ngại ngần của những người làm truyền thông.
Trang nhất báo Tuổi Trẻ tháng 2/1979 và tháng 2/2016 - Facebook Phuc Tien
Ngày 17/2/2016 đánh dấu 37 năm Chiến tranh biên giới Việt - Trung.
Cuộc chiến đẫm máu diễn ra vào tháng 2/1979 khi Đặng Tiểu Bình cho quân đánh sáu tỉnh biên giới phía Bắc Việt Nam.
Cuộc chiến kéo dài chỉ ba tuần nhưng khoảng 30.000 người Việt được ghi nhận thiệt mạng.
Hôm 17/2, tôi đọc được dòng status của một cựu phóng viên báo Tuổi Trẻ ở Sài Gòn: “Đọc báo Tuổi Trẻ sáng nay chắc nhiều người đều ngạc nhiên vì sự "tỉnh táo" lạ lùng của tờ báo khi chỉ có một bài viết về biên giới xa xăm, hoàn toàn xa xăm - chị nhắc đến chi tiết tấm bia ghi tên liệt sĩ trong cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc. Không nói gì thêm về lịch sử ngày 17/2 Trung Quốc đánh Việt Nam.
Trong khi đó, các báo ở Sài Gòn như Pháp Luật, Người Lao Động, Thanh Niên… đều có không chỉ một bài mà nhiều tin, bài và cả trang báo với nhiêu hồi ức, phỏng vấn quan điểm về ngày lịch sự này.
Ôi không hiểu, vì sao Tuổi Trẻ thân yêu một thời của chúng tôi lại có thể hành động như vậy? Có thể đợi đến những số báo kế tiếp chăng?
Nếu không viết được, không có bài mới thì tại sao không kỷ niệm ngày 17/2 bằng chính việc cho đăng lại những số báo, những bài báo của Tuổi Trẻ hồi tháng 2 và tháng 3 năm 1979 nóng bỏng? Những trang báo lịch sử lẽ nào không có "hậu duệ"?”.
Theo Ben Ngo - BBC Vietnamese