Tâm lý ăn xổi, ngắn hạn không thể coi là mô hình phát triển chuẩn mực trong làm ăn lâu dài.
Giá trị đảo lộn
Trong buổi giao lưu với sinh viên VN, Tổng Giám đốc Quỹ tiền tệ quốc tế có trích dẫn hai câu thơ của Nguyễn Trãi để nói chuyện: Nên thợ nên thầy vì có học/ No ăn no mặc bởi hay làm.
Đáng chú ý, cách đây không lâu, một CEO người Nhật đã nói: “Tôi thấy người Việt Nam thích kiếm tiền nhưng không còn chăm chỉ như 20 năm trước nữa. Một điều có thể thấy là người Việt coi thường những người lao động chân tay”.
ĐBQH Dương Trung Quốc cho rằng, đó không chỉ đơn giản chỉ là những lời nhắc nhở mang tính ngoại giao nữa mà đó là lời khuyên rất chân thành đối với giới trẻ Việt Nam hiện nay.
ĐBQH Dương Trung Quốc
Theo vị đại biểu đoàn Đồng Nai, với những người nước ngoài có thời gian sống và tìm hiểu về Việt Nam lâu năm như nữ Tổng Giám đốc IMF hay chuyên gia người Nhật kia họ sẽ có điều kiện để quan sát và dễ nhận ra những điều mà người Việt không nhìn thấy. Một trong số đó, là vấn đề "chăm ăn, lười làm" như họ đã đề cập ở trên.
Nhưng vấn đề ám chỉ tính cách chăm chỉ và ý chí của thanh niên Việt không chỉ có người nước ngoài mới nhìn ra mà ngay cả người trong nước cũng đã thấy được từ rất lâu.
Vì thế, càng ngẫm, vị đại biểu càng thấy, Tổng Giám đốc Quỹ tiền tệ quốc tế nói quá chính xác, kể cả khi bà không cần vận dụng tới câu thơ của Nguyên Trãi.
Là một nhà nghiên cứu lịch sử, ông Quốc lý giải hiện tượng trên bắt đầu từ yếu tố thời gian.
Ông cho biết, Việt Nam đã trải qua một thời gian dài để chuyển đổi sang cơ chế thị trường.
Trong giai đoạn chuyển đổi, có khá nhiều người kịp nắm bắt cơ hội và phất lên nhanh chóng. Trong số những người giàu lên nhanh chóng đó lại luôn gắn với đất đai, khai thác tài nguyên…
"Ít người giàu lên trong thời kỳ này mà không lấm lem đất cát. Làm giàu bằng buôn bán BĐS và khai thác tài nguyên đem bán chứ không đi vào sản xuất thực sự. Sự giàu có nhanh chóng và quá dễ dàng đã tạo ra thói quen và tâm lý không tốt cho người dân Việt Nam", ông nói.
Theo ông, do không có sự tích lũy nguyên thủy, nên khi BĐS chững lại, tài nguyên cạn kiệt, thị trường đất cát bắt đầu bộc lộ những nhược điểm, kéo theo sự đi xuống của những người giàu nhờ bán và đào.
"Nhìn từ mặt bằng xã hội chung, cách làm ăn theo kiểu buôn bán BĐS và đào bán tài nguyên đã tạo ra tâm lý làm giàu quá dễ, làm giàu từ chớp cơ hội, làm giàu nhờ ăn xổi, chộp giật. Có người còn băn khoăn, vì sao người ta lại giàu lên nhanh thế, dễ dàng thế, mà không phải đổ một giọt mồ hôi, sôi nước mắt. Từ tâm lý trên dẫn đến sự khủng hoảng nghiêm trọng về giá trị lao động", ĐBQH Dương Trung Quốc nhắc nhở.
Ông Quốc cho hay, thời điểm hiện nay chính là lúc mà xã hội và người dân đang phải trả giá cho thời kỳ phát triển quá nhanh của Việt Nam. Sự phát triển đó không được ghi nhận bằng hệ thống giáo dục hay từ việc xây dựng những tập quán tích cực cho giới trẻ. Vì thế, một bộ phận khá lớn trong giới trẻ hiện nay vẫn đang nuôi dưỡng tâm lý làm giàu rất dễ.
"Khi Việt Nam hội nhập với thế giới sẽ phải hội nhập cả những tập tính, giá trị văn hóa, pháp luật... Nếu giới trẻ Việt vẫn giữ tâm thế hiện nay, chắc chắn sẽ gặp phải những rào cản đồng thời sẽ phải đối diện với những cái giá phải trả, chỉ là sớm hay muộn.
Vì thế, có thể nhận ra một ý đồ rất chân thành trong từng lời nhắc của Tổng giám đốc IMF. Chỉ có điều, người trong nước không nói được với nhau mà phải đợi đến khi người nước ngoài nhắc nhở mới tỉnh ngộ. Đó là khiếm khuyết rất lớn trong hệ thống văn hóa, giáo dục, đã chưa thật sự quan tâm đúng mức", ông Quốc nói.
Ông đề cập tiếp tới hiện tượng làm ăn thiếu trung thực, gian dối của chính người Việt. Dù phải thừa nhận, người Việt rất chăm chỉ, nhưng những bản chất cao quý, tốt đẹp đó lại đang bị đánh mất dần. Theo ông, xuất phát từ chính tâm lý làm giàu quá dễ, kiếm tiền quá dễ. Làm ăn kinh doanh mà chỉ đợi sự may rủi như chơi xổ số thì quá nguy hiểm.
"Đó chỉ là trò chơi may rủi, ngẫu nhiên. Tuy nhiên, trong làm ăn thì không thể "há miệng chờ sung", chờ đợi cái ngẫu nhiên, may rủi rơi xuống đầu. Vì thế, khi cái may rủi quá rủi họ lại tìm cách thay thế cái ngẫu nhiên này bằng cái thủ đoạn, mưu mô, gian dối".
Ông Quốc cho rằng, làm ăn thiếu trung thực đang phản ánh sự thiếu hiểu biết, một trình độ phát triển thấp của Việt Nam.
Tâm lý ăn xổi, ngắn hạn không thể coi là mô hình phát triển chuẩn mực trong làm ăn lâu dài.
Cũng từ tâm lý làm giàu rất dễ, làm giàu không từ khó khăn, sản xuất mà làm giàu từ thói quen đào và bán nên mới sản sinh ra một bộ phận không nhỏ những học sinh, sinh viên, ngay cả những người quan chức, lãnh đạo chỉ thích đi cầu với xin chứ không thích làm.
Đồng tình với nhận định của nữ Tổng giám đốc IMF, ĐBQH Dương Trung Quốc cho hay, tất cả đang thể hiện một sự hỗn loạn trong hệ thống giá trị văn hóa. Sự chuyển đổi, hội nhập quá nhanh của Việt Nam vừa tạo ra cơ hội nhưng cũng lại là thách thức.
Hội nhập nhanh nhưng không đi đôi với việc điều chỉnh lại những hành vi, tâm lý, những khiếm khuyết trong tư duy, nhận thức. Vị đại biểu không ngại nói thẳng, những gì chúng ta đang chứng kiến chính là cái giá mà Việt Nam phải trả cho thói quen lười biếng, ham chơi nhưng thích hưởng thụ.
Chuẩn bị tâm thế làm thuê
Theo vị ĐBQH, sở dĩ ông đề cao lời nhắc nhở của bà Tổng giám đốc IMF vì những vấn đề trên đã được bà phổ quát và đặt trong bối cảnh Việt Nam cũng như thế giới đang hội nhập quá mạnh mẽ. Các thị trường đang hòa quyện, khai thác lợi ích lẫn nhau. Vì thế, nếu Việt Nam không thay đổi, không tận dụng những ưu thế của mình để phát huy sẽ rất nhanh chóng bị tụt hậu.
"Nhìn ngay từ câu chuyện đi xuất khẩu lao động. Cần phải xem đó là giải pháp tình thế chứ không thể coi đó là lối thoát, là định hướng. Vì bên cạnh bài toán giải quyết công ăn việc làm thì cần phải đặt ra vấn đề về bài toán tinh thần. Phải coi xuất khẩu lao động là một nỗi xấu hổ.
Hơn nữa, xuất khẩu lao động phải được nhìn nhận như thế nào. Xuất khẩu lao động cao, lao động có chất xám mà thế giới phải mời chào hay xuất khẩu lao động chân tay, đi làm thuê?
Hay như câu chuyện những người phụ nữ Việt Nam lấy chồng ngoại quốc. Họ lấy vì tình cảm, tình yêu hay lấy nhau chỉ vì mong chờ vận may được đổi đời? Bao nhiêu bài báo đã nói về vấn đề này, bao nhiêu người phụ nữ Việt Nam bị bạo hành, đánh đập, phải sống cam chịu, nhục nhã trên đất khách, quê người.
Những người làm quản lý phải nhìn vào đây mà biết thương xót, mà xấu hổ chứ", vị đại biểu nói.
Vì thế, ông cho rằng Việt Nam phải thay đổi, không thể cứ chìm đắm mãi trong giấc mộng xuất khẩu lao động, coi xuất khẩu lao động như một thành tích. Cứ tự ru ngủ mình với tâm lý như vậy rồi sẽ không thể nhận biết được đúng sai mà sửa.
Ông Quốc cảnh báo, điều này rất nguy hiểm. Ông tiếp tục nhấn mạnh, những lời nhắc nhở của Tổng giám đốc Quỹ tiền tệ Quốc tế là rất thực tâm và hữu ích.
"Những lời nhắc của bạn bè quốc tế là rất xác đáng vì họ có điều kiện hơn, họ là những nước đã trải qua và đi trước, họ có những cái chuẩn về giá trị văn hóa, đạo đức, xã hội để soi vào Việt Nam. Có thể có những cái hay họ cần phải học nhưng cũng có những cái dở mà Việt Nam phải nhìn nhận, lắng nghe và biết sửa", ông nhắc nhở.
Theo Lam Lam/ Báo Đất Việt