Ngân hàng bỏ rơi doanh nghiệpNhiều doanh nghiệp xuất khẩu nông sản cho rằng họ rất cần vốn để thu mua nguyên liệu nhưng rất khó tiếp cận nguồn vốn vay ngân hàng, nên mất cơ hội kinh doanh.

Nhiều doanh nghiệp (DN) xuất khẩu đang kêu rất khó tiếp cận nguồn vốn vay ngân hàng (NH) nên mất cơ hội kinh doanh gây thiệt hại lớn cho DN. Trong đó, đáng chú  ý  nhất là các DN xuất khẩu nông sản như điều, cà phê..., họ cần vốn để thu mua nguyên liệu, thậm chí nhập khẩu nguyên liệu để sản xuất nhưng không được đáp ứng.

Vay khó, lãi suất cao...

Ông Phạm Văn Công, Phó Chủ tịch Hiệp hội Điều VN, cho biết năng lực của các DN chế biến hạt điều xuất khẩu vào khoảng 650.000 tấn/năm, trong khi năm nay nguồn cung nguyên liệu trong nước bị mất mùa, sản lượng giảm 20%- 30% so với mùa trước. Hiện tại, nguyên liệu tồn kho tại các nhà máy không còn nhiều, chỉ đủ sản xuất cầm chừng cho đến tháng 9 là hết hàng. Vì vậy, các DN ngành điều cần nhập khẩu khoảng 300.000 tấn điều thô.

Theo ông Công, ngành điều cần vay khoảng 7.000 tỉ đồng để mua nguyên liệu dự trữ nhưng cho dù mất rất nhiều thời gian liên hệ với các NH song kết quả vẫn không đi đến đâu. Nguyên nhân là do NH không mặn mà cho các DN nông nghiệp vay bởi sợ rủi ro. Nhiều NH buộc DN phải thế chấp tài sản và chỉ cho vay dưới 50% trị giá tài sản, buộc DN phải có hợp đồng xuất khẩu mới chịu cho vay nhưng cũng chỉ cung cấp một phần vốn trên tỉ lệ giá trị hợp đồng...

Tương tự, ông Trần Quốc Mạnh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Gỗ VN, cũng cho rằng nhiều DN ngành gỗ có đơn hàng xuất khẩu kéo dài đến 3- 4 năm nhưng họ đang gặp rất nhiều khó khăn về nguyên liệu do không vay được vốn NH để thu mua nguyên liệu dự trữ, nguy cơ bị hủy hợp đồng là khó tránh khỏi.

Trong khi đó, đang có hiện tượng giới kinh doanh mặt hàng gỗ ở nhiều nước trong khu vực đang tăng cường mua trữ nguyên liệu gỗ vì giá nguyên liệu gỗ đang tăng và dự báo từ tháng 10 tới sẽ còn tiếp tục tăng cao do nguồn cung khan hiếm trầm trọng. Các DN ngành tiêu, trà xuất khẩu cũng đang gặp khó khăn về nguyên liệu do không vay được vốn để đầu tư thay đổi giống, đổi mới công nghệ sản xuất.

Nhiều DN kêu họ đang bị NH bỏ rơi khi gặp khó khăn. Không chỉ khó vay vốn mà lãi suất cũng đang là một thách thức với các DN. Mức lãi suất 12%/năm như hiện nay là quá cao đối với các DN chế biến nông sản xuất khẩu bởi lợi nhuận của lĩnh vực này thường thấp. Biết vậy nhưng DN vẫn phải vay để có vốn duy trì sản xuất cũng như giữ được khách hàng.

DN nước ngoài hưởng lợi

Nhiều người am hiểu lĩnh vực xuất khẩu nông sản nhận xét: Việc thu mua 200.000 tấn cà phê tạm trữ mới đây theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ được xem là thất bại nặng nề. Đây là chủ trương đúng nhưng khi triển khai thực hiện lại vướng quá nhiều thủ tục và không đồng bộ.

Theo Hiệp hội Cà phê Ca cao VN, Chính phủ đã có Quyết định số 481/QĐ-TTg ký ngày 13- 4- 2010 chỉ đạo thực hiện thu mua tạm trữ 200.000 tấn cà phê nhưng mãi đến giữa tháng 6 vừa qua, các DN xuất khẩu mới tiếp cận được nguồn vốn NH bởi thủ tục quá nhiêu khê và cũng chẳng vay được bao nhiêu. Đến khi các DN có được một ít tiền và triển khai thu mua thì cà phê đã hết.

Ông Nguyễn Công Hoàng, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty XNK Cà phê VN, cho biết: NH đòi hỏi DN phải có tài sản thế chấp trị giá 30% mới cho vay mà không hiểu rằng nếu DN có được nguồn vốn 30% để mua nguyên liệu tạm trữ thì họ cũng không cần vay NH làm gì.

Chưa hết, NH còn đòi DN phải có hợp đồng xuất khẩu mới cho vay, điều này “ép” DN phải ký hợp đồng theo kiểu bán trước khi có hàng và như vậy, rất dễ bị khách hàng ép giá. Do đó, trong đợt mua tạm trữ 200.000 tấn cà phê theo chỉ đạo của Chính phủ, các DN ngành cà phê trong nước chỉ mua được 7%- 8%.

Theo ông Hoàng, đợt này DN nước ngoài tại VN được hưởng lợi do họ hiểu rất rõ các DN trong nước khó có thể vay vốn kịp thời nên đã ép giá xuống thấp tận đáy rồi tăng tốc thu gom hàng hết.

Theo NLĐ.




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC