Ủy ban Châu Âu (EC) vừa đưa ra khuyến nghị về kế hoạch sinh tồn cho toàn bộ công dân EU nhằm đối phó với các tình huống khẩn cấp như xung đột vũ trang, thiên tai, sự cố công nghiệp và rò rỉ hạt nhân.

Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen đã công bố kế hoạch này vào hôm qua (thứ Tư), nhấn mạnh tầm quan trọng của việc mỗi người dân có sự chuẩn bị cần thiết để bảo vệ bản thân và cộng đồng xung quanh.

1 Eu Khuyen Cao Cong Dan Chuan Bi So Tay Sinh Ton Trong Tinh Huong Khan Cap

Ủy ban EU chính thức kêu gọi công dân các quốc gia thành viên tích trữ nhu yếu phẩm trong ít nhất ba ngày do “thực tế mới” - Ảnh: picture alliance / MiS-Sportpressefoto

Hướng dẫn chi tiết để ứng phó khủng hoảng

Cuốn "sổ tay sinh tồn" sẽ cung cấp các chỉ dẫn quan trọng về cách hành động khi đối mặt với mối đe dọa khẩn cấp. Kế hoạch này phản ánh nỗ lực của EU trong việc đối phó với các nguy cơ ngày càng gia tăng, bao gồm không chỉ xung đột quân sự mà còn cả các cuộc tấn công mạng, can thiệp thông tin từ nước ngoài và thảm họa thiên nhiên.

Mục tiêu chính của kế hoạch là đảm bảo an toàn cho người dân thông qua sự chuẩn bị và phối hợp hiệu quả giữa các quốc gia thành viên. Trong đó, 30 biện pháp khẩn cấp được đưa ra, kêu gọi từng hộ gia đình tích trữ nhu yếu phẩm tối thiểu cho 72 giờ để sẵn sàng ứng phó với tình huống bất ngờ.

Đức đã có quy định dự trữ kéo dài 10 ngày

Riêng tại Đức, chính phủ đã thiết lập các hướng dẫn chi tiết về cách chuẩn bị cho tình huống khẩn cấp. Văn phòng Bảo vệ Dân sự và Hỗ trợ Thảm họa Liên bang (BBK) khuyến nghị rằng mỗi cá nhân nên có đủ thực phẩm và nước uống để tự duy trì cuộc sống trong vòng 10 ngày mà không cần mua sắm bổ sung.

Cụ thể, BBK đưa ra mức dự trữ tối thiểu bao gồm:

  • Nước uống: 20 lít/người

  • Thực phẩm: 3,5 kg sản phẩm ngũ cốc, khoai tây hoặc gạo; 4 kg rau đóng hộp và đậu; 2,5 kg trái cây; 2,6 kg sản phẩm từ sữa; 1,5 kg thịt, cá và trứng

  • Các vật dụng thiết yếu khác: sản phẩm vệ sinh, bộ dụng cụ khẩn cấp gồm giấy tờ quan trọng, thuốc men, quần áo, dao bỏ túi và túi ngủ.

Việc chuẩn bị này không chỉ giúp người dân chủ động trong các tình huống nguy cấp mà còn góp phần giảm tải áp lực lên hệ thống ứng phó khẩn cấp của quốc gia và EU.

Thành Lộc - © Báo TIN TỨC VIỆT ĐỨC




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC