Tuần trước, anh trai tôi thông báo sẽ đưa vợ con về quê dịp Tết Dương lịch này. Dịp Tết Nguyên đán sắp tới, tận mùng bốn gia đình anh mới về chơi một ngày, rồi trở lên thành phố làm việc.
Thông báo này làm đảo lộn mọi kế hoạch đón Tết Quý Mão của mẹ tôi. Bởi thông lệ mọi năm, trừ mấy năm Covid-19 ra, dịp Tết Dương lịch gia đình anh đi du lịch. Tết Âm lịch mới về quê sum họp gia đình, thăm họ hàng.
Năm nay thì ngược lại, dịp nghỉ Tết Âm lịch dài ngày hơn, nên anh quyết định dành nhiều thời gian bên vợ con hơn, bằng chuyến đi du lịch. Còn Tết Dương lịch được "mượn tạm" để làm trước nghĩa vụ với gia đình lớn hơn.
Ở công ty, cô bạn đồng nghiệp của tôi háo hức đón chờ kỳ nghỉ Tết Dương lịch bên chồng mới cưới ở Đà Lạt. Cuộc vui chưa kết thúc, nhưng cô lại lo lắng về nhiệm vụ của nàng dâu mới với nhà chồng trong khi chỉ độ hai mươi ngày nữa là đến Tết Âm.
Trước đây khi còn nhỏ, tôi thấy khá khó hiểu khi người Việt có thói quen gọi dịp năm mới dương lịch là Tết Tây. Lúc đó tôi thắc mắc, Tây họ cũng ăn Tết và có hẳn một Tết riêng luôn à? Sau này tôi mới hiểu ra, cứ dịp năm mới theo một bộ lịch nào đó, thì gọi là Tết. Theo truyền thống và văn hoá, Tết Tây và Tết ta cùng mang chữ Tết đi kèm, nhưng không thể nào thay thế cho nhau.
Tết Tây được nghỉ ngơi, xem như một cách đánh dấu móc cho việc kết thúc năm dương lịch cũ, chuẩn bị cho một năm dương lịch mới. Tết Nguyên đán mới là ngày lễ hội của gia đình với nhiều tập tục nhiều truyền thống phải làm vào những ngày này.
Thế nhưng, việc Tết Tây và Tết Âm lịch mỗi năm chênh nhau độ chừng một tháng là nguyên nhân gây ra mọi so sánh, thậm chí có người còn kêu gọi bỏ Tết Âm "để giàu lên". Tôi không thấy logic trong việc này, vì dù sao năng suất lao động và năng lực kiếm tiền trong 11 tháng còn lại trong năm mới quyết định giàu hay nghèo. Ai thích nghỉ cứ việc nghỉ theo lịch, ai muốn đi làm thì cứ đi tìm việc thêm mà làm.
Vấn đề ở đây là của Tết ta hiện nay là nghỉ Tết Tây thì thoải mái, ăn Tết ta mệt mỏi, dù nhiều nơi, nhiều gia đình đã giản lược những thủ tục như dựng cây nêu, xin chữ, xin câu đối... nhưng nó vẫn là gánh nặng, là nỗi đau đầu với nhiều gia đình trẻ và thế hệ Gen Z.
Nào là vợ chồng tranh cãi, giận hờn nhau chuyện ăn Tết nhà nội hay nhà ngoại, lì xì cho trẻ con bao nhiêu tiền là được, phụ nữ phải nấu nướng tối mặt tối mày ba ngày Tết, nên ở lại thành phố lớn để tiết kiệm hay về quê sum họp? Rồi những câu hỏi lấy chồng chưa, đẻ con chưa, chừng nào đẻ thêm, lương bao nhiêu...
Đây mới chính là những lực cản làm cho nhiều người dần cảm thấy mệt mỏi, phiền phức và chán Tết ta. Nếu chúng ta mạnh dạn thay đổi, để Tết ta là một dịp sum họp gia đình, gặp mặt người thân, ăn Tết theo khả năng, không so đo, không gây áp lực... thì dù có thêm bao nhiêu lập luận kêu gọi bỏ thì số đông vẫn ăn Tết ta như thường.
Vĩnh An