Xuân Bính Thân đang đến gần, thị trường Tết vì thế cũng đang ngày một sôi động hơn. Có nhiều món hàng được giá cao, những nghề nghiệp được dịp hái ra tiền nhưng bên cạnh đó không ít những mặt hàng bỗng dưng rớt giá hoặc mất mùa khiến người dân ủ ê đến buồn tủi.
Thậm chí có cả những mặt hàng được mùa sớm cũng khiến người lao động dở khóc dở cười vì lao đao tìm cách găm hàng chờ đúng Tết…
Một bạn đọc chia sẻ về "nghịch lý" mùa Tết trên facebook cá nhân
Ngẩn ngơ tiếc vì bưởi Diễn được giá nhưng mất mùa
Bưởi Diễn là đặc sản quen thuộc được nhiều người dân ưa chuộng mua về ăn Tết. Tuy nhiên năm nay do vướng dịch ruồi vàng, mất mùa nên rất khan hàng.
Nếu mọi năm bưởi được thu hoạch vào đầu tháng 12 sau đó bán đến hết Tết thì năm nay, đến bây giờ hầu như các hộ đã bán gần hết, các vườn đều đã trơ trụi quả.
Vì dịch ruồi vàng, nhiều cây bưởi Diễn "mất trắng" vì không đậu được quả
Do vậy, trái bưởi năm nay nhìn chung là kém hơn mọi năm cả về hình thức lẫn chất lượng nhưng giá vẫn ở mức khá cao, phổ biến ở mức 45.000 – 50.000 đồng/quả. Loại to đẹp và ngon hơn, thì khoảng 60.000- 80.000/ quả, thậm chí hơn.
Điều này khiến các chủ vườn ở Phú Diễn, Minh Khai (Hà Nội) ngẩn ngơ tiếc nuối. “Được năm giá cao thì mất mùa. Giá kể năm nay số lượng bưởi được như năm ngoái thì đã có Tết “êm ấm” hơn”, một chủ vườn ngao ngán chia sẻ.
Tuy nhiên, trên thị trường hiện nay bưởi Diễn được bán khá tràn lan, có nơi giá thấp hơn cả giá thu mua tại vườn chỉ “35.000đ đến 40.000đ/ quả”. Đó không phải là bưởi Diễn chính gốc, mà là bưởi Diễn được trồng ở những vùng đất khác hoặc bưởi Diễn loại 2, 3 nên chất lượng cũng kém hơn.
Dân có nguy cơ mất Tết vì … được mùa
Đó là câu chuyện “hoa cười người khóc” đang xảy ra với người dân ở những vườn hoa ly phục vụ chơi Tết như ở Tây Tựu, Hạ Mỗ - Mê Linh (Hà Nội); thôn Đoài Thượng, xã Ninh Phúc, TP Ninh Bình…
Do thời tiết năm nay nắng ấm kéo dài nên hoa ly nở sớm khiến người dân điêu đứng. Thông thường, thời gian trồng ly từ lúc gieo củ đến khi thu hoạch kéo dài khoảng 115 ngày nhưng năm nay, mới hơn 70 ngày, các ruộng ly đã bắt đầu bung nở. Chính vì vậy còn khoảng 20 ngày nữa mới đến Tết, người nông dân những vùng nãy đã phải cắt hoa bán với giá bằng 1/4 thời điểm Tết năm trước. Nhiều gia đình đang “khóc ròng” vì phải đối diện với những khoản lỗ lên tới cả trăm triệu.
Hiện trên mạng xã hội và trên thị trường có khá nhiều nơi đang kêu gọi người dân mua hoa ly thanh lý giúp người dân trồng ly tránh một năm thất bát
Theo các chuyên gia thì hoa ly phù hợp với khí hậu lạnh, do đó có một cách để giữ hoa được lâu hơn chờ đến Tết là cắt hoa bảo quản trong nhà lạnh hoặc tạo ra/di chuyển đến nơi có điều kiện thời tiết phù hợp để hãm hãm phanh tốc độ nở của hoa.
Thông thường, từ 15 tháng Chạp trở đi, hoa ly bán sẽ được giá 25.000 – 30.000 đồng/cành. Tuy nhiên, vừa qua giá ly bán buôn chỉ khoảng 5.000 - 8.000 đồng/cành.
Cho dù đây là phương án không dễ dàng cho hàng sào ruộng hoa ly đang bung nở, nhưng nhiều hộ dân ở Mê Linh tiếc công tiếc của đã đánh liều rủ nhau đem hoa lên "lánh nạn" trên Sa Pa (Lào Cai) với chi phí không hề nhỏ.
Cũng liều không kém, nhiều người dân trong thôn Đoài Thượng (Ninh Bình) đang phải bỏ ra hàng chục triệu đồng đầu tư máy điều hòa nhiệt độ để về làm lạnh, ngăn không cho hoa ly nở sớm.
Các hộ dân ở Ninh Bình đầu tư tiền lắp điều hòa để hãm cho hoa ly nở chậm lại.
Câu chuyện tương tự này cũng đang xảy ra tại một số địa phương ở thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa đối với mặt hàng bí đỏ. Dù được mùa nhưng hàng trăm hộ dân ở đây đang đứng ngồi không yên vì nguy cơ nợ ngập đầu do giá rẻ mạt, ế hàng. ..
Hiện mỗi gia đình trồng bí ở đây đang tồn đến hàng tấn bí đỏ mà không có người hỏi mua. Trước đó có hộ may mắn hơn đã bán được một số lượng lớn cho thương lái nhưng với giá hết sức rẻ mạt là 1.500 đồng/kg dẫn đến tình trạng tiền bán không đủ bù tiền công chăm bón thu hoạch…
Người trồng bí ở Ninh Sơn (thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa) điêu đứng, lâm cảnh nợ nần... do giá bí rẻ mạt
Kiếm bạc triệu mỗi ngày nhờ … nghề không tưởng
Đó là nghề cò mồi dẫn khách tại các bến xe dịp cuối năm. Do gần Tết, nhu cầu đi lại của người dân tăng cao, nên nghề thời vụ này được dịp “hái ra tiền”.
“Vào những ngày cuối tuần, nếu hên tôi kiếm được gần 1 triệu đồng/ngày. Mỗi khách tôi được nhà xe chia cho 10 đến 15 nghìn đồng tùy quãng đường. Những tuyến ngắn như Thái Bình, Nam Định thì được 10 nghìn, nếu tìm được khách đi những tuyến xa như Nghệ An, Lai Châu, Lào Cai, thì được 15 nghìn một khách”, Tuấn, một cò mồi chuyên dẫn khách tự hào khoe về cái "nghề" chẳng ai ngờ tới này.
Người đàn ông đang chèo kéo cô gái đi xe về TP Vinh.
Theo như lời Tuấn, càng về những ngày cuối năm lại nhiều việc hơn, cũng vì thế mà túi cũng đầy tiền. Nếu như những ngày giữa năm, một ngày chỉ kiếm được 2-3 trăm nghìn nhờ việc dẫn khách, nhưng đến cuối năm số tiền kiếm được có khi tới 7-8 trăm nghìn, thậm chí cả triệu bạc.
Ngoài ra, cũng phải kể đến những nghề tay trái khác chỉ Tết mới có mà “hốt bạc” không kém như: Chở đào, quất thuê; Làm giò, bánh chưng thuê; Mua đồng nát kiêm dọn nhà; Chụp ảnh kiêm làm lịch Tết; Buôn bán thực phẩm lạ ăn Tết….
Một người làm nghề chở đào, quất thuê chia sẻ: "Như năm ngoái, mình làm có hơn chục ngày mà cũng kiếm thêm được hơn 20 triệu”
Thông thường ít ai nghĩ đến mình có thể làm giàu bằng những nghề như vậy, nhưng dịp Tết nếu chăm chỉ và có kinh nghiệm thì đó không chỉ là cần câu cơm mà còn giúp người lao động có cái Tết sung túc hơn rất nhiều.
Vân Khánh (tổng hợp)/VietNamNet