Số dư cho vay ngoại tệ toàn hệ thống ngân hàng thương mại vẫn nhỏ hơn số dư huy động nhưng tỷ giá thị trường tự do vẫn phập phù và sốt lạnh. Điều gì đang xảy ra trên thị trường này?
Mặc dù trong ngày 15/4, tốc độ tăng giá USD trên thị trường tự do được hãm lại và dừng ở mức 18.020 - 18.050 đồng/USD, giảm 10 đồng/USD so với ngày 14/4 nhưng không ai chắc chắn rằng, giá USD trong những ngày tới diễn biến theo chiều hướng nào.
Trả lời vấn đề trên, một vụ trưởng của Ngân hàng Nhà nước khẳng định: “Cân đối tất cả các nguồn ngoại tệ trong nước vẫn diễn ra bình thường”.
Theo ông, hết quý 1/2009, quan hệ kim ngạch xuất nhập khẩu đạt mức xuất siêu, số dư tiền gửi ngoại tệ vẫn thấp hơn dư nợ cho vay bằng ngoại tệ. Mặt khác, tỷ giá hiện nay vẫn cân bằng với các cân đối vĩ mô và hỗ trợ xuất khẩu.
Khẳng định này không phải không có lý khi nhìn vào tỷ giá trên thị trường liên ngân hàng do Ngân hàng Nhà nước công bố ngày 15/4 vẫn là 16.939 đồng/USD và giao dịch được phép kịch trần là 17.785,95 đồng/USD.
Tham khảo tỷ giá của Vietcombank, ngân hàng hàng đầu trong hoạt động ngoại thương thì tỷ giá mua vào/chuyển khoản/bán ra chỉ 17.786 đồng/USD, thấp hơn tới 264 đồng/USD!
Vậy tại sao tồn tại một khoảng cách khá xa giữa tỷ giá trên thị trường chính thức và thị trường tự do?
Thứ nhất, theo bà Nguyễn Thanh S, chuyên viên đầu tư một ngân hàng thương mại: “Nhiều người cho rằng giá USD thị trường tự do tăng là do tâm lý nhưng đó chỉ là một yếu tố. Điều quan trọng là phản ứng trên thị trường này đang “nhìn” vào mức bội chi ngân sách, thâm hụt thương mại cũng như cơ chế vận hành trên thị trường ngoại tệ hiện nay”.
Theo đó, mức bội chi ngân sách được các nhà phân tích dự báo lên tới 8% GDP là một lo ngại. Theo logic thông thường, người dân sẽ suy luận tiếp đến lạm phát, đồng nội tệ mất giá và sẵn sàng chuyển đổi ra một loại tài sản khác an toàn hơn.
Thứ hai, mặc dù quý 1/2008 xuất siêu nhưng phần lớn là nhờ “cú” xuất khẩu vàng với doanh số hơn 2 tỷ USD, nhưng thời gian tới, lợi thế này không còn vì giá vàng trong nước đang cao hơn giá thế giới.
Thứ ba, các ngân hàng thương mại đang đứng trước một khó khăn lớn là nhiều doanh nghiệp muốn mua USD để nhập khẩu nhưng các doanh nghiệp có USD lại không chịu bán cho ngân hàng.
Trên thực tế, nhu cầu mua ngoại tệ của các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhập khẩu rất lớn với nhiều lý do: không muốn bị phạt hợp đồng, hàng hóa trên thế giới đang bán với giá rất rẻ để thanh lý tồn kho, số doanh nghiệp này muốn tận dụng cơ hội nhập khẩu, chờ cơ hội nền kinh tế có dấu hiệu phục hồi để kiếm lời.
Trong khi đó, các doanh nghiệp có USD lại không chịu bán cho ngân hàng vì họ chưa biết giữ tài sản nào an toàn hơn nên găm ngoại tệ một mặt bảo toàn giá trị tài sản, mặt khác hy vọng kiếm được lợi nhuận hơn khi kỳ vọng VND yếu thêm so với USD.
Chốt chặn mới chỉ một đầu
“Nới biên độ lên +/- 5% mới chỉ ngăn một đầu ở ngân hàng thương mại, trong khi phó mặc việc doanh nghiệp bán hay không bán ngoại tệ cho ngân hàng thì ngân hàng thương mại lấy đâu ra nguồn để cân đối cho thị trường? Với cơ chế này, tỷ giá thị trường tự do không phập phù mới là lạ!”, giám đốc ban vốn của một ngân hàng thương mại quốc doanh phân trần.
Theo ông này, với quy định trên, ngân hàng thương mại rất khó tìm kiếm nguồn ngoại tệ để bán nên khi cầu mua ngoại tệ của doanh nghiệp nhập khẩu tăng lên, lập tức sẽ phản ứng sốt lạnh trên thị trường tự do. Vấn đề ở đây là tâm lý và lòng tin.
Các doanh nghiệp có ngoại tệ nếu có lòng tin rằng tỷ giá ổn định, họ sẽ bán thay vì găm giữ đề phòng giá ngoại tệ tăng so với nội tệ. Khi cung không tăng và cầu tăng, lập tức thị trường tự do sẽ phản ứng ngay bằng mọi cách và mọi giá.
Ông này cũng phân tích thêm: một vài thời điểm gần đây, do chênh lệch giá vàng trong và ngoài nước nên cầu ngoại tệ nhập lậu vàng tăng thêm nhưng yếu tố này chiếm tỷ trọng không lớn bởi mức chênh lệch trên chỉ 400- 500 nghìn đồng/lượng, nên không thể đổ lỗi hoàn toàn sự đột biến tỷ giá trên thị trường tự do là do nguyên nhân này.
Một lãnh đạo cấp vụ của Ngân hàng Nhà nước hé lộ rằng, Ngân hàng Nhà nước đang nghiên cứu “phương án chống găm giữ ngoại tệ” và cảnh báo thêm: “Ngân hàng Nhà nước có đủ ngoại tệ cân đối cung cầu trên thị trường và có đủ lực để can thiệp bất cứ lúc nào. Mọi hành vi găm giữ ngoại tệ, đầu cơ phải hết sức cẩn trọng để tránh thiệt hại tài sản không đáng có”.
Theo Thời báo kinh tế.