Tỷ lệ thất nghiệp những người trong độ tuổi lao động giảm, nhưng nhóm người có trình độ CĐ, ĐH lại tăng lên, trong khi thu nhập bình quân tăng.

Bản tin thị trường lao động do Bộ LĐTB&XH cùng Tổng cục Thống kê công bố, ngày 24/12, có nêu rõ, trong quý 3/2015, cả nước có hơn 1,128 triệu người trong độ tuổi lao động thất nghiệp, giảm 15.900 người so với quý 2/2015.

Nhưng tỷ lệ thất nghiệp ở CĐ và ĐH, ĐH trở lên vẫn tăng, trong khi số cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp cả nước là 225.500 người, tăng thêm 26.100 người so với quý 2/2015.

Bản tin cho thấy những con số đáng lo ngại như tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên ở mức cao là 7,3%, gấp 3 lần tỷ lệ thất nghiệp chung của cả nước. Đặc biệt là tỷ lệ thất nghiệp ở nhóm lao động qua đào tạo tăng lên, tăng cao nhất là ở nhóm lao động đã qua đào tạo đại học và sau đại học.

Còn ông Doãn Mậu Diệp, Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH cho rằng, tỷ lệ thất nghiệp cao ở nhóm trình độ CĐ, ĐH và trên ĐH cho thấy giữa cung và cầu của nhóm này tiếp tục bất cập. Nếu thanh niên theo đuổi các nghề hàn lâm thì càng lên cao số lượng người thất nghiệp càng nhiều.Đưa ra nhận định về tình trạng thất nghiệp, bà Nguyễn Thị Lan Hương, Viện trưởng Viện Lao động xã hội cho hay, nhóm người có trình độ CĐ và ĐH trở lên vẫn có tỷ lệ thất nghiệp cao nhất và có xu hướng tăng.

Còn nếu theo đuổi học nghề thì khi đạt đến trình độ nào đó thì số người thất nghiệp sẽ ít đi rất nhiều. Đây là điều đáng cảnh báo trong việc lựa chọn ngành nghề, bậc học để học.

Nhưng điều đáng bàn ở đây, trong khi, tỷ lệ nhóm trình độ CĐ, ĐH và trên ĐH thất nghiệp ngày càng cao, thì Bộ GD&ĐT lại có mục tiêu đến năm 2020, cả nước phải đào tạo bổ sung ít nhất 20.000 tiến sĩ, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục.

Thế nhưng, trong suốt thời gian qua, cả nước mới đào tạo được hơn 4000 tiến sĩ. Như vậy, có nghĩa trong vòng 5 năm tới, cả nước phải đào tạo được 15.000 tiến sĩ nữa.

Nghịch lý thu nhập bình quân tăng, thạc sĩ vẫn thất nghiệp - 0

Thí sinh xếp hàng chật kín vỉa hè thi vào Chi cục thuế Hà Nội.

 

Trước thực trạng này, trao đổi với Đất Việt, ông Nguyễn Anh Đức - Chủ tịch, Tổng giám đốc Smartcom, cho biết: "Tỉ lệ thất nghiệp của người có trình độ cao đẳng trở lên tăng cao hơn so với tỉ lệ người không có bằng cấp, chứng chỉ là hệ quả của chính sách cởi mở trong tuyển sinh cao đẳng, đại học và cao học mà thôi.

Và xét dưới góc độ cá nhân của những người lao động mà nói, khi đã được đào tạo và cũng đã đầu tư một khoản tiền nhất định để có được bằng cấp, chứng chỉ, thì dĩ nhiên họ cũng khó chấp nhận những công việc giản đơn, thu nhập thấp, nên khi mới tốt nghiệp họ chấp nhận một khoảng thời gian thất nghiệp nhất định để tìm kiếm cơ hội cũng là điều có thể hiểu được".

Một vấn đề khác, ông Trần Phương - Phó giám đốc thường trực Trung tâm hỗ trợ phát triển tài năng chỉ rõ: "Ở nước ngoài họ không quan niệm mình là TS hay có bằng cấp, mà chỉ xác định đi làm thêm có thu nhập, có thể là trực ca đêm, công việc liên quan đến cơ bắp.

Cũng có nhiều người nghĩ rằng, sau những giờ làm công việc trí tuệ giảng đường ĐH căng thẳng, muốn hài hòa đảm bảo sức khỏe, tập luyện thể thao, nhận công việc chân tay kể cả bồi bàn phục vụ.Còn ở VN thì khác, tôi là thạc sĩ mà đi phục vụ bàn hay đứng nấu bếp, vô tình ai nhìn thấy thì ngượng, cả dư luận XH theo định hướng như vậy. Rõ ràng đội ngũ có bằng cấp vô cùng ngại và khó khăn khi lựa chọn công việc".

Để giải quyết thực trạng này, theo ông Nguyễn Cảnh Bình - Giám đốc Alphabook cho hay: "Tôi nghĩ các cơ sở đào tạo cần gần và sát hơn với thực tế, nên tham vấn hoặc mời doanh nhân, nhà quản lý trực tiếp tham gia hoạch định chương trình đào tạo mới là giải pháp hiệu quả nhất.

Nên có sự gắn kết giưa các chính sách của nhà nước - doanh nghiệp – hệ thống giáo dục – người lao động gần hơn và nhanh điều chỉnh hơn chúng ta".

Đồng tình quan điểm, ông Nguyễn Anh Đức cho rằng, giải pháp ở đây nằm ở sức tổng cầu lao động của cả nền kinh tế. Khi nền kinh tế tăng trưởng trở lại thì dĩ nhiên nhu cầu tuyển dụng sẽ tăng, và lúc đó những người có bằng cấp là những người ưu tiên được tuyển dụng chứ không phải là những người không có bằng cấp hay chưa qua đào tạo.

Và để giải quyết căn nguyên vấn đề tổng cầu lao động thì rõ ràng đó là vai trò điều hành nền kinh tế của Chính phủ.

Sơn Ca (Tổng hợp)




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC