Nông dân Việt rất sáng tạo, nhanh nhẹn, có những đức tính mà nông dân ở châu lục khác không có.

 

Adua hay nhanh nhạy?

Nhiều năm qua, thực trạng trồng rồi lại chặt (cao su, cà phê...), nuôi rồi lại phải diệt (ốc bươu vàng, đỉa...) liên tiếp diễn ra.

Điều lạ là, dù đã có nhiều bài học nhưng những người nông dân vẫn cứ đuổi theo những trào lưu tức thời để rồi sau đó lại ôm nợ.

Nhận xét về thực trạng này, PGS.TS Dương Văn Chín, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu nông nghiệp Định Thành (Tập đoàn Lộc Trời) không cho rằng đây là tâm lý adua, đám đông mà là sự nhạy bén, nhanh nhạy của nông dân Việt, thay đổi nhanh để thích ứng với thị trường.

Tuy nhiên, thị trường đó người nông dân không biết diễn biến thế nào, ngay cả các nhà hoạch định chính sách cao nhất cũng không trả lời được cho người nông dân sang năm họ trồng cây gì, nuôi con gì bán được?

Nghịch lý trồng-chặt trong nông nghiệp: Dân không biết, tại ai? - 0

Cách thương lái Trung Quốc thu mua nông sản lạ đời. Ảnh: Tuổi trẻ


"Quay trở lại tình trạng trồng-chặt, nuôi-diệt, rõ ràng người nông dân có sự sáng tạo nhưng không có một đường đi để người ta có thể hình dung được.

Tôi không cho rằng người nông dân hám lợi mà họ muốn trồng cái gì để bán được nhưng phải mò mẫm.

Cho nên, theo PGS.TS Dương Văn Chín, vai trò của doanh nghiệp rất quan trọng. Với hàng trăm doanh nghiệp, mỗi doanh nghiệp lại đi tìm hiểu trên thế giới để biết được nhu cầu của nước này, vùng này là gì rồi về coi ở Việt Nam cây đó, con đó có trồng, có nuôi được không.

Sau đó, doanh nghiệp ký kết với một nhóm năm, bảy chục hay 100 hộ nông dân sản xuất để có khối lượng hàng hóa lớn xuất khẩu.

Có như vậy mới bền vững: doanh nghiệp biết bán hàng ở đâu, và ký kết với người nông dân làm như thế nào đúng quy trình sạch, vệ sinh an toàn thực phẩm như thế nào...

Tiếp xúc với nông dân nhiều, tôi thấy nông dân Việt rất sáng tạo, nhanh nhẹn, nhạy bén với khoa học kỹ thuật mới, giống mới.

Tôi đã đi nhiều nước châu Phi, nông dân châu Phi không có được đức tính như của nông dân Việt Nam.

Một nông dân Việt nếu chuẩn bị trồng rau, ông ta sẽ đi quanh ấp, quanh xã, thấy những nông dân khác trồng rau A, B, C thì ông ta sẽ quyết định trồng rau D vì hình dung rằng nếu làm y như người khác thì sẽ bị dội chợ", PGS.TS Dương Văn Chín nhấn mạnh.

Vị chuyên gia cũng lưu ý rằng, vì lợi trước mắt nên người nông dân mới đổ xô đi thu gom những thứ kỳ lạ mà thương lái Trung Quốc đặt hàng để rồi bị mắc bẫy nhưng đó chỉ là số ít.

"Họ thấy thương lái mua lá mãng cầu xiêm với giá rất cao, có lời thì bán chứ không hình dung được rằng nếu hái hết sẽ làm suy kiệt cây trong những năm sau. Họ cũng không biết các thương lái mua những mặt hàng kỳ lạ không phải để xuất đi Trung Quốc mà sau khi đội giá lên, những người đó sẽ ôm tiền chạy mất, còn sản phẩm vẫn chỉ loanh quanh trong ấp, trong xã và người Việt ôm xô là thiệt hại nặng nề nhất.

Tuy nhiên, các thương lái chỉ lừa được một số nông dân nhẹ dạ, còn gần đây nông dân Việt đã biết cảnh giác.

Điều quan trọng nhất là các doanh nghiệp nông nghiệp phải có kế hoạch hợp tác với nông dân, xây dựng vùng nguyên liệu để xuất khẩu số lượng lớn chứ không phải làm theo kiểu mô hình, mua cho nông dân với giá phải chăng, như vậy mới bền vững.

Còn như bây giờ, người nông dân cứ làm những cái là lạ rồi hy vọng sẽ có thị trường mà không biết thị trường đó ở đâu", ông Chín chỉ rõ.

Trong khi đó, TS Lê Văn Bảnh, nguyên Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL cũng cho rằng, điệp khúc trồng- chặt hay việc người nông dân Việt hết lần này đến lần khác bị thương lái Trung Quốc lừa không phải là do adua.

"Bà con mong muốn được làm giàu, cải thiện đời sống nhưng đang lúng túng, bối rối không biết làm thế nào vì không có đường hướng. 

Về mặt kỹ thuật, bà con nắm rất vững, tại nhiều hội thi nông dân giỏi, tôi nghe nông dân nói chuyện thấy họ am hiểu kỹ thuật nông nghiệp hơn cả kỹ sư.

Nhưng điều quan trọng nhất là thị trường thì nông dân không biết, cuối cùng họ thấy trồng khoai lang bán được thì bỏ lúa trồng khoai, các loại cây khác cũng vậy, nhưng trồng xong lại không biết bán cho ai dẫn tới tình trạng trồng-chặt.

Về phía doanh nghiệp, sau khi ký hợp đồng với nước ngoài họ cần sản phẩm với số lượng lớn.

Trong khi bà con trồng ra không biết bán cho ai thì doanh nghiệp lại kêu không biết mua ở đâu, cách làm như hiện nay là  tự phát, thiếu bài bản.

 Chúng ta nói nhiều về chuyện tái cơ cấu, sắp xếp lại tổ chức sản xuất nhưng phải làm cách nào để nối kết người sản xuất và doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm.

Nếu làm tốt được việc này, bà con nông dân được đảm bảo đầu ra, doanh nghiệp có vùng nguyên liệu, sản phẩm đáp ứng đúng quy chuẩn, yêu cầu", TS Lê Văn Bảnh chỉ rõ.

Vị chuyên gia nông nghiệp chỉ ra những điểm hạn chế trong nông nghiệp Việt Nam mà trước hết là việc triển khai chương trình Cánh đồng lớn. Theo đó, chương trình này đã được triển khai trong nhiều năm qua, ai cũng khen đây là chương trình tốt nhưng tới thời điểm này chương trình triển khai chưa được 5%.

Do đất nông nghiệp manh mún nên nếu doanh nghiệp muốn làm cánh đồng lớn 1.000ha thì phải ký với hơn 1.000 hộ nông dân.

Thực tế, doanh nghiệp không thể làm như vậy, nhất là khi họ không thể quản lý được cách làm của nông dân. Nếu làm cánh đồng lớn, ai là pháp nhân để doanh nghiệp ký?

"Chừng nào chưa phát triển được kinh tế hợp tác thì cả nông dân và doanh nghiệp đều gặp khó, nông dân trồng không biết bán cho ai, doanh nghiệp muốn xuất khẩu không biết mua ở đâu, muốn làm thương hiệu mà không có vùng nguyên liệu, không có sự hợp tác thì họ cũng không làm được.

Ngay như chuyện người dân hết lần này đến lần khác bị thương lái lừa cũng phải hiểu cho cặn kẽ. Nông dân ai cũng muốn làm giàu, sản phẩm làm ra có người tiêu thụ, được bán với giá cao. Nói đến thương lái Trung Quốc, nông dân cũng cảnh giác lắm nhưng cuối cùng vẫn bị lừa, đó là vì thương lái Trung Quốc thông qua thương lái Việt Nam, qua người quen, người thân của nông dân - là người có uy tín trong vùng.

Chỉ cần những người này nói với nông dân cách làm như hiện nay không được, họ có đầu ra, giá cao thì nông dân lập tức ào ào làm. Làm xong rồi thì chính người quen, người thân cuả nông dân cũng không biết người cần mua ở đâu", TS Lê Văn Bảnh phân tích.

Nhà nước đã làm được gì cho nông dân?

Đứng ở góc độ nhà quản lý, PGS.TS Dương Văn Chín cho rằng, Nhà nước chưa làm được gì nhiều cho nông dân, một phần vì không có nhiều tiền.

Bởi thế, việc các cơ quan quản lý Nhà nước cần làm là soạn chính sách cho sát với nông dân, thuê chuyên gia giỏi, am tường để xây dựng các cơ chế, khuyến khích nông dân áp dụng khoa học kỹ thuật mới .

Còn việc áp dụng máy móc mới, giống mới hay kỹ thuật mới thế nào là để người nông dân quyết định.

"Ở các nước soạn văn bản chính sách rất hiệu quả, còn Việt Nam nhiều khi soạn văn bản mà người nông dân không áp dụng được.

Chỉ cần có cơ chế phù hợp đã giúp được nông dân rất nhiều", PGS.TS Dương Văn Chín nhấn mạnh.

Về phía doanh nghiệp, để tránh điệp khúc trồng-chặt cho nông dân, theo PGS.TS Dương Văn Chín, nếu doanh nghiệp thấy loại nông sản nào có thể kinh doanh thì hợp tác với đông đảo nông dân làm sản phẩm đó, doanh nghiệp có lời và người nông dân có lời như thế mới bền vững.

"Hàng trăm doanh nghiệp có thể làm một mặt hàng trên một loại cây trồng nhưng thị trường khác nhau thì mới bền vững lâu dài, doanh nghiệp và nông dân mới song hành đi lên một nền nông nghiệp hiện đại.

Việt Nam là nước nông nghiệp nhiệt đới, sản phẩm rất đa dạng nên có thể làm được việc này. Quan trọng là Nhà nước phải có chính sách cụ thể giúp doanh nghiệp, nông dân", ông Chín lưu ý.

Bổ sung thêm, TS Lê Văn Bảnh một lần nữa nhấn mạnh, cần phải tổ chức lại kinh tế hợp tác. Đất nông nghiệp ở Đài Loan, Hàn Quốc cũng manh mún nhưng họ làm tốt vì có kinh tế hợp tác.

Trong khi đó, ở Việt Nam, hợp tác xã vẫn chỉ mang tính hình thức. Thời buổi hội nhập, doanh nghiệp cần số lượng lớn để đảm bảo giao hàng đúng hạn, chất lượng theo tiêu chuẩn, quy chuẩn để thương hiệu.

Từng nông dân làm không thành công nhưng nếu có kinh tế hợp tác, có sự phối hợp giữa doanh nghiệp và nông dân thì sẽ có hiệu quả.

Thành Luân




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC