Ông Nguyễn Phong Nhã - phó cục trưởng Cục Viễn thông, Bộ Thông tin và Truyền thông - Ảnh: T.HÀ
Trao đổi tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Thông tin và Truyền thông chiều 7-12, ông Nguyễn Phong Nhã - phó cục trưởng Cục Viễn thông, Bộ Thông tin và Truyền thông - nhận định: Vào dịp cuối năm, các hình thức lừa đảo trực tuyến, nhất là qua cuộc gọi lừa đảo, sẽ gia tăng. Người dân cần đặc biệt nâng cao sự cảnh giác trước các cuộc gọi lạ.
Ông Nhã cho biết Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân về các hình thức lừa đảo qua cuộc gọi. Bộ sẽ chỉ đạo các nhà mạng gửi tin nhắn cảnh báo cho người dùng. Tuy nhiên ý thức cảnh giác của người dân vẫn là yếu tố quan trọng nhất để phòng chống lừa đảo.
"Người dân cần nâng cao ý thức cảnh giác trong quá trình sử dụng, tránh mở các đường link lạ, tránh các cuộc gọi lạ tiếp cận… - ông Nhã nhấn mạnh - Đối với các doanh nghiệp, bộ sẽ yêu cầu tiếp tục rà soát hệ thống cơ sở dữ liệu, tăng cường giám sát các thuê bao mới, các thuê bao có nhiều sim, có biểu hiện nhắn tin vượt quá số lượng hàng ngày".
Cục Viễn thông cũng tiếp tục đề nghị người nhận được tin nhắn, cuộc gọi lừa đảo gửi thông tin tới tổng đài 156156, để bộ cùng các nhà mạng chặn lọc các số điện thoại lừa đảo.
Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết: Trong tháng 11-2023 đã xử lý 40 vụ vi phạm về sử dụng tần số. Mới đây nhất, ngày 6-12, tại TP.HCM, cơ quan chức năng đã phát hiện một cá nhân thực hiện hành vi dùng xe máy chở thiết bị BTS giả phát tán tin nhắn lừa đảo.
Liên quan đến tình trạng lừa đảo, tại cuộc họp báo, đại diện Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng thống kê 11 tháng qua có gần 16.000 phản ánh lừa đảo gửi đến các hệ thống cảnh báo. Trong đó có hơn 91% giả mạo lừa đảo liên quan đến tài chính.
Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online