Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Quốc Tuấn, Phó giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, đầu năm 2010 sẽ bắt đầu tiếp nhận, xét chọn hồ sơ mua nhà xã hội. Trong trường hợp nhiều người (đủ điều kiện) mua cùng một căn hộ có thể phải bốc thăm.
- Khi nào người mua nhà xã hội tại Hà Nội sẽ được xét duyệt hồ sơ?
- Dự án 800 căn hộ cho thuê, thuê mua vừa được khởi công. Hiện thành phố giao cho Sở Xây dựng đưa ra phương án quản lý khai thác, trong quý 3 sẽ hoàn tất. Do vậy, đầu năm 2010 chúng tôi sẽ tiếp nhận đơn mua nhà và xét duyệt.
- Nhiều người lo ngại, nhà ở xã hội sẽ không đến đúng đối tượng mà rơi vào tay người giàu hoặc giới đầu cơ. Quy trình xét chọn sẽ như thế nào để tránh tình trạng "chạy cửa sau"?
- Theo quy định, người được thuê, mua nhà là cán bộ, công nhân viên, công nhân, lực lượng vũ trang có thu nhập ổn định, diện tích nhà ở bình quân mỗi người dưới 5m2. Một căn hộ cho thuê mua chỉ có giá khoảng 200 triệu, song người mua phải thuê nhà ở trong vòng 5 năm rồi trả trước 20% giá trị căn hộ, còn lại trả dần. Họ không được chuyển nhượng tự do, phải bán lại cho nhà nước khi không còn nhu cầu ở.
Người mua phải được xét duyệt từ các cơ quan, từ các sở ban ngành và thông báo công khai trên các phương tiện thông tin, cuối cùng là thành phố phê duyệt. Tất cả đều công khai để mọi người giám sát. Trong trường hợp có nhiều người đủ điều kiện đăng ký mua cùng một mặt bằng thì có thể phải bốc thăm.
- Nhiều ý kiến bạn đọc gửi tới VnExpress.net lo ngại, lấy tiêu chí thu nhập xét chọn mua nhà là chưa chính xác vì hiện thu nhập ngoài lương khá phổ biến và không thể kiểm soát. Ông nghĩ sao về ý kiến trên?
- Những người ở nhà xã hội là thuộc diện đang khó khăn, cần có bao cấp của nhà nước. Mục tiêu tương lai của họ là thay đổi đến nơi ở khác tốt hơn. Ngoài ra, khi công khai xét chọn thì nhiều người sẽ biết ai được mua. Không thể có chuyện người đi ôtô, cuộc sống sung túc mà ở nhà xã hội. Tôi tin, người giàu sẽ thấy xấu hổ khi đến ở tại đây.
- Vừa qua, nhiều khu tái định cư của Hà Nội đã bị nứt, hư hỏng khi mới đưa vào sử dụng. Tình trạng này sẽ được khắc phục thế nào tại dự án nhà ở xã hội tại Việt Hưng (quận Long Biên)?
- Tôi xin khẳng định, nhà ở xã hội chắc chắn phải đảm bảo chất lượng. Những căn hộ tại khu đô thị Việt Hưng có sự tham gia của các công ty tư vấn giám sát, đơn vị thi công, thiết kế của Bộ Xây dựng. Trước mắt, thành phố mời các đơn vị có tiếng tham gia để đảm bảo chất lượng và quản lý sau này. Do vậy, người dân không phải lo ngại về chất lượng xây dựng hay chuyện "nhà giá rẻ chất lượng thấp".
- Ông nghĩ sao về ý kiến cho rằng, xây dựng nhà ở xã hội từ ngân sách sẽ trở về cơ chế bao cấp như trước đây?
- Tiền ngân sách rất quan trọng, song không thể trông chờ tiền ngân sách, thành phố đã khuyến khích các doanh nghiệp để huy động các nguồn lực khác. Ví dụ, nhà công nhân đã có một số ưu đãi như đất đai, thuế, thời gian thu hồi vốn... Đây không phải là bao cấp nhà ở mà là nhà nước, doanh nghiệp đầu tư và phải thu hồi vốn. Song tiền thuê, mua nhà không được cao hơn quy định của nhà nước. Trong giá tiền cho thuê đã tính đến tiền duy tu bảo dưỡng.
Tôi tin khi Nghị quyết của Chính phủ về nhà ở xã hội ra đời sẽ có nhiều doanh nghiệp đầu tư. Chính phủ cần kích cầu cả hai phía, người làm ra sản phẩm và người mua. Chủ đầu tư phải được ưu đãi nhiều để có thể xây dựng nhà giá rẻ. Còn người mua có thể được cho vay một số tiền không tính lãi để mua.
- Nhiều doanh nghiệp cho biết sẵn sàng đầu tư xây dựng nhà ở xã hội nhưng Hà Nội đang thiếu quỹ đất ưu đãi. Bài toán này sẽ được giải quyết ra sao?
- Đây đang là khó khăn lớn của Hà Nội. Hiện thành phố có các nguồn là: quỹ đất 2% của các dự án phải bàn giao cho thành phố; những khu đang quy hoạch làm đô thị sắp được phê duyệt. Thành phố cũng đã chỉ ra một vài khu đất tại Hà Đông để xây dựng nhà ở cho sinh viên.
Theo Vnexpress.