Chiều 12/9, tại khu vực phố Chương Dương Độ và phố Hồng Hà (Hoàn Kiếm, Hà Nội), nước đã rút từ 10-20cm so với ngày 11/9.

Dù nước rút nhưng tâm trạng của người dân vẫn còn ngổn ngang bởi nỗi lo khắc phục thiệt hại về của cải và dọn dẹp nhà cửa sau ngập lụt, đặc biệt là với những người lớn tuổi.

Lũ về sau cơn bão số 3 khiến các con phố tại khu vực ven sông Hồng chìm trong biển nước. Trải qua 4 ngày lũ dâng, người dân tại trung tâm thành phố đa phần tránh trú ở tầng 2, khi tầng 1 là biển nước mênh mông.

Tại các ngõ bị ngập nặng, đa phần người già và trẻ em đã được chính quyền địa phương di dời đến khu vực an toàn, song vẫn còn nhiều người cao tuổi cố bám trụ lại ở các tầng trên vì nỗi lo "nhà cửa không ai trông".

1 Nguoi Ha Noi Than Tho Nhin Pho Ngap Lay Can Tat Nuoc Ra Khoi Nha

Bà Nguyễn Thị Tĩnh đứng nhìn con phố quen thuộc của mình ngập trong biển nước (Ảnh: Kiều Minh).

Đến giờ, bà Nguyễn Thị Tĩnh (69 tuổi, sống tại phố Chương Dương Độ, Hà Nội) vẫn chưa hết bàng hoàng về mức độ ngập lụt sau bão. Trận cuồng phong ập tới làm nước dâng lên, tràn hết vào căn nhà cấp 4 của bà Tĩnh.

Bà cho biết sống chỉ có hai ông bà lớn tuổi sống ở đây. Đêm bão Yagi đổ bộ, ông bà mất ngủ cả đêm, chỉ mong bão sớm tan. Nhưng bão tan rồi thì lại đến lụt. Chỉ sau một đêm nước đã tràn hết vào nhà, ngập đến nửa chân giường của hai vợ chồng bà Tĩnh.

"Hôm nay, nước đã rút khoảng 20cm so với hôm qua, nhưng nước vẫn tràn vào nhà tôi. Tôi muốn vào nhà để dọn dẹp bớt nhưng nhà tôi ở ngõ sâu quá, lớn tuổi đi đứng lập cập lại ngã mất. Đứng đây nhìn nước vào nhà mà mình không làm gì được, xót xa lắm!", bà Tĩnh xúc động chia sẻ.

Đầu ngõ nhà bà Tĩnh là gia đình bà Đặng Thị Minh (65 tuổi, sống tại phố Chương Dương Độ, Hà Nội). Bà cho biết những người cao tuổi đi lại khó khăn đã được chính quyền vận động di dời sang nơi an toàn, nhưng bà thấy mình còn khỏe nên vẫn muốn ở lại trông coi, dọn dẹp nhà cửa.

"Thời điểm ngập nặng nhất, nước tràn vào nhà tôi, các thiết bị điện tử và đồ gỗ coi như hỏng hết. Tôi phải sống trên tầng 2, đến hôm nay nước rút mới dám xuống tầng 1 để dọn dẹp nhà cửa", bà Minh vừa nói, tay vẫn không ngừng quét nước ra khỏi nhà.

2 Nguoi Ha Noi Than Tho Nhin Pho Ngap Lay Can Tat Nuoc Ra Khoi Nha

Bà Đặng Thị Minh đang dọn dẹp nhà khi nước đang rút bớt (Ảnh: Kiều Minh).

Chia sẻ với phóng viên Dân trí, Thượng úy Hoàng Việt Anh (công an phường Chương Dương, Hoàn Kiếm, Hà Nội) dự đoán sẽ mất 2-3 ngày nữa để nước rút hết, bắt tay vào dọn dẹp đường phố và hỗ trợ người dân.

"Từ hôm bão tới, anh em chúng tôi trực xuyên ngày đêm để hỗ trợ bà con, chỉ ngủ 2-3 tiếng mỗi ngày. Nhìn bà con thương lắm, hết bão rồi lại ngập, thiệt hại về tài sản vẫn chưa thống kê được, nhưng thôi vẫn phải động viên mọi người rằng người còn thì của còn", Thượng úy Hoàng Việt Anh cho biết.

Tại phố Hồng Hà (Hoàn Kiếm, Hà Nội) - một trong những con phố có nhiều ngõ ngập nặng nhất ven sông Hồng, nhà bà Nguyễn Thị Nhã (64 tuổi, sống tại phố Hồng Hà, Hoàn Kiếm, Hà Nội) cũng rơi vào tình trạng nước tràn hết vào nhà, gây hư hỏng nặng nề về tài sản.

Nghỉ ngơi sau 3 tiếng dọn dẹp liên tục, bà Nhã thẫn thờ ngồi trước cửa nhà nhìn con phố ngập nước, nhẩm đếm lại thiệt hại về tài sản sau ngập lụt.

3 Nguoi Ha Noi Than Tho Nhin Pho Ngap Lay Can Tat Nuoc Ra Khoi Nha

Bà Nhã thẩn thờ ngồi trước cửa nhà (Ảnh: Kiều Minh).

Cách đó vài căn nhà là con ngõ nơi gia đình bà Phạm Thị Thu (73 tuổi) sinh sống. Bà Thu cho biết gia đình chỉ có hai vợ chồng ông bà sinh sống vì con cháu đi làm ăn xa. Mấy hôm nước tràn vào nhà nên chính quyền đã đưa ông bà đến ở khu tập trung.

"Sau 3 ngày, hôm nay nghe tin nước rút bớt tôi mới đánh liều lội nước vào nhà xem tình hình thế nào và lấy thêm quần áo, đồ dùng cá nhân. Lúc đi chúng tôi không kịp mang đồ gì theo cả, chắc chắn có thiệt hại nhiều về tài sản, nhưng bao nhiêu thì tôi chưa biết", bà Thu chia sẻ.

4 Nguoi Ha Noi Than Tho Nhin Pho Ngap Lay Can Tat Nuoc Ra Khoi Nha

Bà Thu lội nước trên đường vào nhà (Ảnh: Kiều Minh).

Ông Trịnh Đình Nam (75 tuổi, trú tại phố Hồng Hà, Hoàn Kiếm, Hà Nội) là hàng xóm của bà Thu cũng đang lội nước về nhà sau 2 ngày ở nơi tập trung. Ông Nam cho biết nước ngập rất nhanh, chỉ sau 1 đêm nước đã ngập đến đầu gối, không thể ở được trong nhà nên bắt buộc phải di dời đi nơi khác.

Mấy ngày nay, ban ngày ông chỉ dám ngồi từ xa để nhìn phố nhà mình chờ nước rút, buổi tối sẽ về khu tập kết.

"Tôi lớn tuổi rồi, lại bị đau lưng và chỉ sống một mình nên lát nữa không biết sẽ dọn dẹp nhà cửa ra sao. Chắc phải nhờ bà con hàng xóm cùng chung tay dọn dẹp giúp đỡ" ông Nam chia sẻ nỗi lo lắng.

Anh Phạm Minh Hiệp (34 tuổi, trú tại phố Hồng Hà, Hoàn Kiếm, Hà Nội) đang trên đường mua đồ ăn và các vật dụng sinh hoạt về cho bố mẹ. Anh cho biết bố mẹ đã già yếu, không đi lại được nên bắt buộc phải đưa lên tầng 2, rất khó để di chuyển đi nơi khác.

"Bản thân các cụ cũng không muốn xa nhà, nên tôi quyết định đưa bố mẹ lên tầng 2. Tôi ở tầng 1 để dọn dẹp và trông nhà cửa", anh Hiệp cho biết.

5 Nguoi Ha Noi Than Tho Nhin Pho Ngap Lay Can Tat Nuoc Ra Khoi Nha

Ông Tâm gắng sức dùng can múc nước ra khỏi nhà (Ảnh: Kiều Minh).

Sâu trong phố Hồng Hà, ông Nguyễn Đình Tâm (81 tuổi, trú tại phố Hồng Hà, Hoàn Kiếm, Hà Nội) đang lấy nước vào từng can, đổ ra khỏi nhà khi nước ngập đến đầu gối.

"Những lúc thế này, người già và trẻ con là khổ nhất. Chúng tôi lớn tuổi, sức khỏe yếu lại không có con cháu ở cạnh, hàng xóm cũng phải lo cho nhà của họ. Thôi đành lòng chờ nước rút, rồi dần thu xếp dọn dẹp nhà cửa vậy", ông tâm sự.

Kiều Minh

Nguồn: Báo điện tử Dân trí




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC