Kiểm tra an ninh trước khi hành khách lên máy bay tại sân bay Tân Sơn Nhất, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH
“Có gì mới đâu mà”, bạn đọc Paul Oeuvre Art tỏ ra ngán ngẩm khi nhắc đến việc nhân viên sân bay thiếu thân thiện. Bạn đọc Tin Lenguyen viết: “Họ là ác mộng của tất cả du khách. Hầu hết khách hàng của tôi nói rằng họ là những ‘đại sứ’ tệ cho Việt Nam”.
Bạn đọc Ruth Maloney kể: “Tôi vừa bay đến Đà Nẵng vài tuần trước. Tôi thấy họ hút thuốc ở quầy cấp thị thực (visa on arrival) và ném giấy tờ cho tôi. Tôi cảm thấy như tôi đang làm phiền ‘thời gian rảnh’ của họ”.
“Chỗ nhân viên xuất nhập cảnh cũng vậy. Họ chẳng bao giờ cười, mặt lúc nào cũng lạnh như băng. Thật tốt biết bao nếu nhân viên xuất nhập cảnh cười nhiều hơn và thật sự lắng nghe khách nước ngoài.
Nhân viên xuất nhập cảnh ở Campuchia cũng làm cả ngày và họ thân thiện hơn. Vậy nên tôi chắc rằng nhân viên xuất nhập cảnh Việt Nam cũng có thể làm như vậy”, bạn đọc Glen Timmon bày tỏ.
Travis T Costa nhận định: “Họ làm tôi cảm thấy lo, không biết có vấn đề gì không. Nhưng tôi tưởng tượng nếu phải ngồi đó làm cả ngày thì cũng không phải là công việc hào hứng gì đâu nhỉ”.
“Tôi chắc luôn là họ được yêu cầu không cười, chứ không thể nào mà tất cả họ đều như vậy được - bạn đọc Lucas Lenoir đồng tình - Ở Pháp tôi thấy rất ổn, rất được chào đón, Singapore cũng vậy”.
Ngoài thái độ nhân viên sân bay, việc mất nhiều thời gian cũng khiến du khách phiền lòng.
"Làm thủ tục tại các sân bay quốc tế Việt Nam là một chuyện rất căng thẳng, chưa kể là cực kỳ lâu, quy trình cấp thị thực mất nhiều thời gian, rồi phải xếp hàng dài qua hải quan nữa", bạn đọc George Goebel viết.
"Cả quá trình là quá mệt mỏi, lâu vô cùng nếu so sánh với Thái Lan hay Đài Loan, Sri Lanka và Ấn Độ", George Goebel so sánh.
"Phải nói là xếp hàng cả tiếng đồng hồ để qua hải quan thật là mệt mỏi, mà chỉ có vài quầy mở thôi. Đây là chuyện đầu tiên cần giải quyết", bạn đọc Marcia Ring cũng bày tỏ.
Tuy vậy, cũng có bạn đọc cho rằng họ không gặp vấn đề gì ở sân bay cả.
“Chắc là vợ chồng tôi khá may mắn, hơn 10 năm qua chúng tôi chẳng gặp phải vấn đề nào đáng kể cả. Tôi nghĩ là họ đang làm công việc của mình và được dặn là không nên quá dễ gần.
Mới năm nay tôi quên in visa xuất cảnh khi bay từ Hà Nội. Một bạn nhân viên trẻ đã rất kiên nhẫn và chấp nhận xử lý bản email. Tôi còn tưởng rằng mình sẽ bị bỏ lại đó cho đến khi tôi có thể trình được các bản in, và cũng phải thôi vì đó là quy tắc mà. Cũng trong chuyến này tôi thấy nhân viên hải quan hỏi đi hỏi lại và hướng dẫn hành khách rằng họ phải uống hết hoặc ném chai nước đi trước khi qua cổng kiểm soát”, bạn đọc Joanne Bailey viết.
“Tôi lại luôn thấy họ lịch sự và có năng lực”, Dan Mchugh bổ sung.
Bạn đọc John Gnoni có góc nhìn bao quát hơn. “Công bằng mà nói thì nhân viên sân bay khắp nơi trên thế giới đều nổi tiếng là ít có khiếu hài hước, ít nhất là kể từ sau vụ 11-9”, người này bình luận.
Bên cạnh chất lượng dịch vụ ở sân bay, một số bạn đọc còn bày tỏ mong muốn dịch vụ khách hàng ở Việt Nam được cải thiện hơn nữa.
“Ngành du lịch và các doanh nghiệp ở Việt Nam nói chung còn cần phải học nhiều về dịch vụ khách hàng. Họ quên mất là ai trả tiền cho họ. Và một khi bạn đã mất đi khách hàng nước ngoài, sẽ rất khó để khiến họ quay lại”, John Grofstein viết.
“Theo tôi, chuyện ở sân bay chỉ là vấn đề nhỏ, tôi từng gặp những chuyện như vậy ở khắp châu Âu và Bắc Mỹ, ở những địa điểm du lịch nổi tiếng nhất của thế giới, những nơi mà năm nào người ta cũng quay lại. Vấn đề lớn hơn ở đây là dịch vụ khách hàng khiến du khách sốc vẫn tiếp diễn sau khi họ đã rời sân bay”, Danny Black viết.
Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online