''Luật ATTP vừa chồng chéo, vừa có lỗ hổng và phục vụ cho lợi ích nhóm ngành công nghiệp hóa chất'' - TS Trần Tuấn.

 

Xây dựng Luật ATTP còn thiếu cơ sở khoa học

Việc quản lý ATTP của Việt Nam hiện nay vừa chồng chéo vừa có lỗ hổng bởi Pháp luật về ATTP của ta chưa được xây dựng trên nền tảng các cơ sở khoa học. Bằng chứng là các phương án ta đưa ra chưa giải quyết được vấn đề mà còn gây nên dư luận gay gắt như thời gian vừa qua.

Thực tế, chúng ta đã cơ bản giải quyết được các nguyên nhân vi sinh vật gây ngộ độc thực phẩm: như ăn chín uống sôi, tránh các loại thực phẩm có chứa độc tố như một số loài nấm, rắn... Những vụ ngộ độc vì các loại thực phẩm này đã giảm nhiều so với trước đây, chỉ chiếm số lượng thấp, kiến thức của người dân cũng đã được nâng cao lên.

Vấn đề tồn đọng hiện nay nằm ở việc các hóa chất trong công nghiệp gây ảnh hưởng tới thực phẩm và an toàn thực phẩm như dư lượng hóa chất trừ sâu, thuốc diệt cỏ, thuốc bảo quản, hay các hóa chất trong công nghiệp như aseen, chì, vàng O, amiang...

Tôi đã thấy các tổ chức thế giới như Tổ chức Y tế thế giới, Tổ chức thương mại thế giới, các Hiệp hội về Y tế công cộng, dịch học đều đề xuất cấm hoàn toàn trên thế giới, cấm sản xuất, cấm phân phối, cấm sử dụng... nhưng Việt Nam đang bênh ngược lại.

Người Việt ăn bẩn độc:Làm ngược vì các ông lớn hóa chất  - 0

Xin lấy ví dụ cho việc phi khoa học trên: Khi chúng tôi ở Gevena dự hội nghị về kiểm điểm thực hiện 3 công ước thì ở đây bàn đến việc đưa vào trong danh sách cấm sử dụng trên toàn cầu một số hóa chất trong đó có Paraquad- một loại chất diệt cỏ, hóa chất dùng trong nông nghiệp có tác hại môi sinh rất lớn.

Lập tức, tôi tìm hiểu về chất này ở Việt Nam thì xuất hiện ngay thông tin "Paraquad- Bạn của nhà nông" trên trang web của một hệ thống nông nghiệp nước ta. Rõ ràng đây là phản khoa học.

Một ví dụ khác, rõ ràng amiang là một chất gây bệnh cho đường hô hấp. Trung bình mỗi năm hiện nay khi chúng ta vẫn chưa cấm được thì khoảng 70 nghìn tấn amiang được đưa vào Việt Nam và chuyển thành các sản phẩm trong đó 80% là chuyển vào sản phẩm tấm lợp. Những sản phẩm này lại thường chỉ có gia đình thiếu điều kiện tài chính sử dụng. Khi đó chúng ta thấy nào vỡ, nào hỏng, nghiền ra rồi rải trên đường đi. Khi đó, bụi sẽ lẫn vào đất, vào không khí, nguồn nước và quay trở lại gây ảnh hưởng sức khỏe bằng đường ăn uống, thực phẩm, hít phải khói bụi...

Vì các thông tin trái chiều còn tồn tại, các thông tin ngụy khoa học còn đầy rẫy trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng Internet... đến với người tiêu dùng rất nhanh chóng. Ta có thể thấy, rõ ràng những thông tin này phục vụ cho lợi ích của các nhóm công nghiệp hóa chất.

Lợi ích nhóm đã quá rõ ràng

Mới cách đây vài tháng, việc một công ty dược nhập khẩu quá số lượng chất Salbutamol đã đăng ký với Bộ Y tế bị phát hiện được cho là thiếu sự thanh kiểm tra của ngành này. Thực chất, ngành công nghiệp hóa chất trên thế giới hiện nay luôn đi theo lợi nhuận. Do vậy, việc một công ty dược đăng ký sai thông tin hay việc họ thực thi, nhập quá số lượng phục vụ lợi ích của họ là điều phổ biến.

Nhưng giải quyết nó thì do chính quyền và các tổ chức xã hội của các nước hoạt động đến đâu, các nhà hoạch định chính sách và được tổ chức lại, đưa vào, trở thành bằng chứng để soạn thảo các luật lệ. Đồng thời, khi triển khai phải thực hiện đánh giá thực thi hành lang pháp lý này với sự tham gia của các tổ chức xã hội dân sự đối với nhà nước, giảm thiểu tối đa sự can thiệp của các nhóm lợi ích trong công nghiệp.

Nếu Việt Nam không tổ chức được các đánh giá đó thì tôi chắc chắn rằng sẽ luôn bị can thiệp bởi các nhóm lợi ích vì các nhóm lợi ích có một vũ khí rất mạnh là họ có tiền và tài chính. Khi đó, những công ty này sẽ có mục tiêu, tìm cách để lách Luật, thông qua các tổ chức, các cơ quan quản lý để gây ảnh hưởng, hoặc tìm cách phản ánh sai lệch tới nhận thức của dân.

Như vậy, cần phải sửa đổi lại pháp luật về ATTP mà cụ thể hơn nữa là lấy các căn cứ khoa học để xây dựng luật, xây dựng các văn bản dưới luật để quản lý triệt để vấn đề này.

Cần xây dựng lại Luật và các quy định dưới luật dựa trên bằng chứng khoa học

Hiện nay, Thế giới nghiên cứu và công nhận các bằng chứng khoa học là 3 Công ước: Công ước Basel, Công ước Stockholm, Công ước Rotterdam. 3 Công ước này có mục tiêu chung là bảo vệ sức khỏe con người và môi trường trước hiểm họa hóa chất và rác thải độc hại, quản lý các vấn đề hóa chất độc hại như hóa chất nào phải cấm, hóa chất nào phải sử dụng hạn chế, những hóa chất nào từ khâu sản xuất tới vận chuyển, tiêu thụ đều phải bị kiểm soát nghiêm ngặt.

Công ước Basel tập trung vào vấn đề thực thi và hợp tác của các quốc gia trong kiểm sát vận chuyển hóa chất và chất thải độc hại xuyên biên giới.

Công ước Stockholm tập trung vào vấn đề như giảm và loại trừ các hóa chất độc hại dùng trong nông nghiệp và môi trường như DDT, PCB (Polychorinated biphenyls), Dioxin, peufluorooctane sulfonic acid….

Công ước Rotterdam tập trung vào danh mục các loại hóa chất độc hại, hóa chất công nghiệp và thuốc bảo vệ thực vật thuộc diện phải quản lý đặc biệt.

Các tổ chức quốc tế đã đưa ra nhiều nghiên cứu và khẳng định chỉ khi có 3 công ước này mới giải quyết được toàn diện vấn đề ATTP. Vậy ta cần phải dựa vào các công ước này để quy định chặt chẽ hơn về các văn bản quản lý.

Việt Nam hiện nay đang là thành viên chính thức của cả 3 công ước quốc tế này có nghĩa là trách nhiệm chúng ta đã ký thì phải thực hiện. Song Luật ATTP của chúng ta không hề thấy bóng dáng các nội dung này được đưa vào.

Chúng ta không lấy 3 công ước mà cả thế giới đã thống nhất làm cơ sở khoa học để xây dựng Luật thì rõ ràng ta sẽ rơi vào tình trạng phân tán và mất trọng tâm trong quản ly thực hiện luật như: bị phân đoạn hóa trong tiến trình quản lý; thừa mà vẫn thiếu quy định, hành lang pháp lý trong kiểm soát; thiếu chất lượng chuyên môn trong việc xây dựng, thực thi và giám sát đánh giá các văn bản thực hiện...

Điều này sẽ dẫn tới việc mỗi Bộ thực hiện một khâu khác nhau, trên mỗi công đoạn, phân công nhiệm vụ cho từng Bộ mà thiếu đi tính liên kết. Tình trạng hiện nay xảy ra là: chồng chéo có, lỗ hổng có, không phù hợp có, thậm chí cả phi khoa học.

Ngoài ra, vấn đề quản lý ATTP của chúng ta hiện nay bên cạnh hệ thống luật pháp kém đồng thời người dân cũng không có đủ kiến thức và các cộng đồng nói chung cũng không có khả năng và kiến thức để kiểm tra, kiểm soát vấn đề này.

Thực chất, trên thế giới việc hóa chất trong công nghiệp, thuốc, dược được sử dụng sai mục đích cũng có. Nhưng chế tài xử phạt cũng như cách các nước này quản lý vấn đề lại được kiểm soát chặt chẽ.

Ví dụ ở Mỹ, khi gặp vấn đề về ATTP bị phát hiện, cơ sở sản xuất ATTP đó chỉ có sạt nghiệp. Vậy thì họ quản lý bằng cách nào?

Thứ nhất, thông tin khoa học được thể hiện trong Luật, các quy định và phải được công khai, phổ biến tới người dân. Phải có một ban chuyên trách về các thông tin này, sàng lọc, xem xét các thông tin, tài liệu khoa học có đúng hay không. Khi đó, việc người dân phát hiện và thông báo tới chính quyền là một cách giúp lực lượng chức năng kiểm soát vấn đề vi phạm.

Thứ hai, họ có các Luật để tất cả các nghiên cứu trước khi đăng tải phải được kiểm soát về đạo đức nghiên cứu, các nghiên cứu đó phải được thực hiện riêng rẽ, không được chịu sự chi phối của bất cứ cơ quan quản lý nào có liên quan tới các ngành công nghiệp, có lợi ích nhóm như trên đã nêu.

Có thể lấy ví dụ việc nghiên cứu hóa chất sử dụng trong y dược là Sabutamol có ảnh hưởng như thế nào tới sức khỏe con người thì phải được các trung tâm, viện nghiên cứu không có lợi ích gì liên quan tới các công ty dược có cung cấp chất trên thực hiện việc nghiên cứu. Như vậy, kết quả nghiên cứu mới đáng tin cậy và chính xác.

Bài học cho chúng ta là thực hiện nghiêm túc về đạo đức trong nghiên cứu. Sau đó, ta phổ biến các tài liệu nghiên cứu này và lấy đó làm bằng chứng để xây dựng luật. Khi đã xây dựng được Luật rồi thì cứ thế mà áp dụng.

BS. TS. Trần Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Phát triển Cộng đồng (RTCCD)




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC