Nhiều người tiêu dùng chọn sử dụng nước mắm công nghiệp vì không chịu được sự nặng mùi của nước mắm truyền thống khi nấu ăn.

 

Bỏ nhà vì mùi nước mắm

Khi câu chuyện "nước mắm không phải là nước mắm" vẫn đang gây tranh cãi trong dư luận thì trong những lần trao đổi với Đất Việt, những người gắn bó với nghề làm nước mắm truyền thống cũng như chuyên gia trong ngành công nghệ sinh học và thực phẩm đã chỉ ra một số dấu hiệu để nhận biết nước mắm truyền thống và nước mắm công nghiệp.

Theo đó, nước mắm truyền thống được làm từ cá và muối nên có vị mặn và đặc biệt mùi nặng rất đặc trưng.

Chỉ cần dính vào tay hay quần áo thì rửa không hết mùi.

Trong khi đó, nước mắm công nghiệp do chỉ sử dụng một phần nước mắm truyền thống rồi pha chế với các chất điều vị, chất tạo ngọt tổng hợp, chất bảo quản... nên có màu sắc đẹp, vị không quá mặn, mùi không nặng và rửa xong sẽ mất mùi ngay.

Dù nhiều chuyên gia và người trong nghề làm nước mắm khẳng định, nước mắm truyền thống rất giàu đạm, nhưng bởi mùi nặng, vị nặng nên nhiều người tiêu dùng thích dùng nước mắm công nghiệp khi xào nấu.

Người Việt ăn mắm công nghiệp: Khi mũi chọn mùi hóa chất - 0

Nguyên liệu chính để sản xuất nước mắm ngon Phan Thiết gồm cá cơm và muối hạt trắng. Ảnh: Tuổi trẻ

Luôn dùng nước mắm trong các bữa ăn nhưng chị Nguyễn Vân Anh (Nguyễn Xiển, Thanh Xuân, Hà Nội) không thể chịu được mùi nước mắm khi xào nấu. Ám ảnh này đến từ nhiều năm dài chị sống ở nhà trọ. 

Chủ nhà trọ của chị có hai căn phòng cho thuê và chúng chỉ cách nhau một bức tường được xây lưng chừng, có giếng trời ở trên, bếp cũng được xây luôn ở khu vực này.

Không phàn nàn gì về hàng xóm trọ cùng, nhưng chị Vân Anh không thể chịu được mỗi khi hàng xóm nấu ăn.

"Bên ấy thường xuyên dùng nước mắm để xào nấu, mỗi lần như vậy mùi mắm nồng nặc khắp nơi và rất lâu mới bay hết.

Nhiều lần không chịu nổi, tôi phải chạy vào phòng đóng cửa lại nhưng mùi mắm vẫn lởn vởn khắp phòng.

Đáng sợ nhất là khi tôi mang bầu bị nghén, lúc hàng xóm nấu ăn chỉ có nước ra khỏi nhà vì nếu không sẽ nôn thốc nôn tháo, chết ngạt trong mùi mắm", chị Vân Anh kể khổ.

Tương tự, chị Trần Lan Hương (chung cư Linh Đàm, Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, chị đang đánh vật để tẩy mùi nước mắm ám trên bếp gần 1 tuần nay. Chị thường sử dụng nước mắm truyền thống khi nấu ăn để món ăn có mùi thơm. Thế nhưng, mỗi lần nấu, chị lại e ngại bởi mùi mắm bay dọc hành lang dù chị đã sử dụng máy hút mùi và bật quạt trần.

"Không tránh được việc dầu mỡ cùng nước mắm bắn ra bếp khi nấu. Dù lau chùi ngay sau khi nấu nhưng hễ đứng bếp là y rằng tôi lại ngửi thấy mùi mắm, không biết làm cách nào để tẩy cho hết", chị Hương than phiền.

Để tránh sự nặng mùi của mắm, chị Phạm Minh Hòa (Đội Cấn, Hà Nội) chọn cách sử dụng song song nước mắm công nghiệp và nước mắm truyền thống. Theo đó, chị dùng nước mắm truyền thống để chấm trên mâm cơm nhưng mua mắm công nghiệp hương cá hồi về để nấu.

"Có những món khi nấu bắt buộc phải dùng nước mắm mới ngon

. Mắm công nghiệp khi cho vào thức ăn không có mùi như mắm truyền thống, lại vẫn có vị ngọt, nhà tôi đã quen ăn như thế bao nhiêu năm.

Mắm truyền thống dây ra tay một chút, tôi phải rửa xà phòng đến mấy lần vẫn không hết mùi. Nấu mắm đó mà không có máy hút mùi, lại ở nhà hộp, kín như nhà tôi thì mùi bay lên tận phòng ngủ, rất kinh khủng", chị Hòa cho biết.

Không thể ăn được mắm công nghiệp

Sống ở vùng biển, ông Nguyễn Phái (Nghĩa Hưng, Nam Định) lại quen ăn thứ nước mắm mặn, nặng mùi mà không thể nào ăn được nước mắm công nghiệp. Chỉ cần dằm chút ớt vào bát mắm, ông có thể ăn liền hai bát cơm.

"Cũng có thời gian nhà tôi mua loại nước mắm được quảng cáo trên tivi suốt ngày về ăn nhưng nó chẳng có mùi vị gì hết, lại rất nhạt, giá cũng 30.000 đồng/chai, chẳng rẻ hơn loại mắm truyền thống tôi vẫn ăn.

Mắm kia tuy mặn nhưng có thể cho nước, đường, mỳ chính pha ra, ít ra nó vẫn có mùi mắm".

Vì quen ăn mắm truyền thống nên thi thoảng, có họ hàng đi xa về biếu chai mắm Phú Quốc hay Cát Hải, ông Phái quý lắm, bảo quà này còn quý hơn bánh kẹo, thuốc lá nhiều.

Đặc biệt, từ ngày cháu trai được gửi về quê ở với ông bà để cai sữa, con dâu ông thường gửi về loại nước mắm đặc biệt 60 độ đạm. Ông Phái cho biết, loại mắm ấy rất sánh, màu vàng đậm và vị rất thơm, nhưng đắt quá (85.000 đồng/chai 500ml), ông bà chỉ dám dùng nấu cháo cho cháu hoặc con cái về mới đem ra dùng.

Thành Luân
Báo Đất Việt

 




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC