Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam ước tính còn khoảng 500 tấn vàng trong dân và đề nghị Ngân hàng Nhà nước huy động lượng vàng này.
Bởi lượng vàng trong dân còn rất lớn nên Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam kiến nghị Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thành lập Sở giao dịch vàng quốc gia.
"“Thông qua Sở giao dịch vàng quốc gia, Nhà nước có thể phát hành chứng chỉ vàng, hoặc trái phiếu vàng để huy động vàng trong dân. Đặc biệt, thông qua Sở Giao dịch vàng, các doanh nghiệp có thể mua vàng nguyên liệu để sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ, thay vì nhập khẩu, góp phần tiết kiệm ngoại tệ cho đất nước…”, ông Nguyễn Thành Long, Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam nhấn mạnh.
Người dân chen chúc đi mua vàng ngày Thần tài
Ngoài ra, để đảm bảo chất lượng vàng sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ, Hiệp hội này đề xuất NHNN xem xét cho doanh nghiệp nhập khẩu vàng nguyên liệu. Ước tính nhu cầu nhập khẩu vàng nguyên liệu hàng năm cho sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ ở Việt Nam hiện khoảng hơn 20 tấn/năm.
Từng trao đổi với Đất Việt về vấn đề huy động vàng trong dân, chuyên gia tài chính-ngân hàng - TS Nguyễn Trí Hiếu thừa nhận, đây là bài toán mà nhiều năm nay vẫn chưa giải được bởi rất khó thay đổi được tâm lý của người dân khi họ luôn coi dự trữ vàng như là "của để dành", tiết kiệm để dự phòng cho những biến cố lớn.
Vàng lại là nguồn tích trữ có khả năng giảm thiểu rủi ro trước nguy cơ lạm phát, là tài sản có thể tích trữ truyền đời, nghĩa là vàng là tài sản tiết kiệm an toàn và ít rủi ro hơn cả....
Từ tâm lý đó, nên bài toán làm sao để "moi" được của để dành của dân chúng để đưa vào NHNN là vấn đề dù được nói nhiều nhưng cho tới nay vẫn chưa khi nào thực hiện được.
Bởi thế, để huy động được vàng trong dân, TS Hiếu đề nghị NHNN nên đứng ra phát hành chứng chỉ huy động vàng và trả lãi cho số vàng huy động từ dân. Gửi vàng tại NHNN dân sẽ tin tưởng hơn bất cứ tổ chức tín dụng nào khác.
"Không như trước kia lần này không để các nhà băng kinh doanh vàng nữa mà Ngân hàng trung ương sẽ phát hành chứng chỉ vàng ngắn, trung và dài hạn để gom vàng về. Sau đó số vàng này có thể cho Bộ Tài chính vay dùng làm tài sản thế chấp các ngân hàng hoặc tổ chức tài chính nước ngoài vay ngoại tệ với lãi suất hợp lý đem về phục vụ các dự án phát triển kinh tế xã hội.
Trong bối cảnh nền kinh tế đang gặp khó khăn, cung vốn ra thị trường bế tắc, ngân hàng chỉ nên cho Bộ Tài chính vay vàng và Bộ Tài chính là đầu ra duy nhất với số vàng huy động của ngân hàng.
Ngoại trừ việc đấu thầu vàng để ổn định thị trường, Ngân hàng Trung ương không nên kinh doanh vàng, vì nếu như vậy nó sẽ đi ngược với vai trò của nhà quản lý thị trường vàng và trở thành đối thủ cạnh tranh với tất cả các thành phần kinh tế khác.
Trong trường hợp này, dưới sự giám sát của các cơ quan Quốc hội chúng ta phải tin tưởng Bộ Tài chính. Việc sử dụng số vàng huy động này của Bộ Tài chính và dưới sự giám sát của các cơ quan của Quốc hội sẽ tạo được sự tin cậy cao với dân chúng.
NHNN cũng phải đảm bảo vàng gom được trong dân sẽ được trả lại cho dân trong bất kỳ lúc nào, thời điểm nào. Nó giống như việc gửi tiền có kỳ hạn và không kỳ hạn vậy. Bên cạnh đó, chất lượng vàng gửi cũng phải được đảm bảo, tốt nhất là nên thống nhất tiêu chí, nguyên tắc một loại vàng khi người dân gửi và ngân hàng trả cho người dân", TS Nguyễn Trí Hiếu chỉ rõ.
Minh Thái