Phó Chủ nhiệm Ủy ban văn hóa giáo dục thanh niên thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội Lê Như Tiến chia sẻ với phóng viên xoay quanh việc đặt tên cho con.
Đặt tên con là quyền của cha mẹ, nhưng theo ông việc đặt tên cũng phải theo một chuẩn mực nào đó?
Đương nhiên bố mẹ, người thân trong gia đình có quyền đặt tên cho con, cháu khi sinh ra. Thế nhưng không vì thế mà họ lại tùy tiện lấy những cái tên thiếu văn hóa, thiếu thuần phong mỹ tục được.
Tôi cũng đồng tình với quan điểm của đại biểu là việc đặt tên con không được quá dài, quá phức tạp kiểu rồng rắn lên mây. Theo tôi, một cái tên cho con dung dị có đầy đủ họ tên là được vì hàng triệu triệu người Việt Nam vẫn đặt như thế.
Mình là người Việt Nam mà đặt những cái tên rất xa lạ như của Anh, Mỹ, Hàn Quốc… gì đó thì rất phản cảm. Vì thế nên có những quy định nào đó cho việc đặt tên cho phù hợp. Trước hết để phù hợp với thuần phong mỹ tục, phù hợp với những giá trị nhân văn của Việt Nam.
ĐBQH Lê Như Tiến (Ảnh: ND)
Phải chăng vì chúng ta không có những quy định cụ thể, hay một chuẩn mực nào đó nên mới xuất hiện những cái tên ngày càng khó hiểu như vậy?
Đúng như vậy. Từ trước đến nay chúng ta chưa có văn bản pháp luật nào quy định về việc đặt tên. Đó cũng chính là lỗ hổng về mặt pháp lý để các ông bố bà mẹ có thể tùy tiện đặt tên cho con.
Nhưng theo tôi, nên đặt những cái tên thân thương bằng tiếng Việt, không nên dùng tiếng nước ngoài, dùng tên khó hiểu, đặc biệt không nên dùng những tên xấu xí của con vật, hình ảnh hiện tượng thiếu thẩm mỹ.
Vậy theo ông, cần đưa ra những quy định như thế nào để hạn chế việc này?
Theo tôi phải đưa ra những quy định như đặt những cái tên phải phù hợp với dân tộc, không được đặt những cái tên quá dài, ngữ nghĩa của nó quá phức tạp, khó hiểu hoặc tên bằng tiếng nước ngoài, sẽ không thuận lợi cho việc gọi, giao tiếp là được.
Như vậy chỉ cần đưa ra những quy định có tính chất khung chung, vì mình là người Việt Nam tại sao lại đặt những cái tên theo nước ngoài. Trừ trường hợp bố hoặc mẹ là người nước ngoài thì có thể đặt con theo hai tên. Đặt những cái tên tiếng Việt kèm theo cả tên nước ngoài là chuyện cá biệt.
Ông vừa nói tên tiếng Việt “pha” tiếng nước ngoài là chuyện cá biệt, nhưng hình như bây giờ việc đặt tên kiểu như vậy không còn là cá biệt nữa. Điều này có tạo ra những khó khăn gì đối với các cơ quan không?
Những cái tên như vậy cũng sẽ có những khó khăn nhất định khi làm thủ tục hành chính, ví như người làm thủ tục họ không hiểu đó là người Việt Nam hay người nước ngoài. Lúc đó mình lại tự tạo sự phức tạp không cần thiết cho chính mình. Nếu cứ đặt cái tên thuần Việt, rất dung dị từ trước đến nay thì chẳng ai có quyền bắt mình giải trình, lý giải khi đi làm giấy khai sinh.
Theo tôi, đặt tên gì thì đặt nhưng phải phù hợp với thuần phong mỹ tục của người Việt Nam và phù hợp với tính nhân văn, nhân bản thì hơn.
Xin cảm ơn ông!
Nêu ý kiến về Luật Hộ tịch, đại biểu Nguyễn Thị Nhung (Khánh Hòa) đã nêu ra những bất cập khi dự thảo luật không quy định nguyên tắc đặt tên cho con. Điều này sẽ gây khó khăn cho cán bộ hộ tịch cơ sở và bất lực khi cha mẹ đặt tên cho con không thuần Việt.
Bà Nguyễn Thị Nhung dẫn dụ hàng loạt những cái tên rất khó hiểu, chẳng giống ai như: Đinh San U, Cao Nô Ki A, Lê Văn Hận, Nguyễn Văn Lì, rồi những cái tên quá dài như Lê Hoàng Hiếu Nghĩa Đệ Nhất Lương Tâm Nhân…
Đại biểu đề nghị luật nên quy định nguyên tắc đặt tên và nguyên tắc xác định họ, dân tộc cho con phù hợp với văn hóa truyền thống với phong tục, tập quán lâu nay. Còn nếu Luật hộ tịch không quy định nguyên tắc xác định họ, dân tộc và nguyên tắc đặt tên thì cần phải xây dựng một luật mới là Luật đặt tên, hay phải quy định rõ hơn trong Bộ luật dân sự (sửa đổi) sắp tới”.