Nhằm mục tiêu “hạn chế đầu cơ tài nguyên đất đai, nhà ở”, thế nhưng dự thảo luật Thuế tài sản của bộ Tài chính lại đánh vào nhà ở thứ nhất và có giá trị thấp, như vậy là tận thu của cả người nghèo.

Đó là quan điểm của tác giả An Nhi trong bài viết “Đề xuất đánh thuế nhà ở trên 700 triệu đồng: Tận thu!” trên báo điện tử VOV sáng nay. Theo tác giả này, việc bộ Tài chính đề nghị đánh thuế đối với nhà ở có giá trị từ 700 triệu đồng trở lên và 1 tỷ đồng trở lên là không hợp lý, vấp phải phản ứng của đông đảo người dân.

Theo giải thích của cơ quan soạn thảo thì luật này góp phần “hạn chế đầu cơ tài nguyên đất đai, nhà ở”, thế nhưng lại đánh vào nhà ở thứ nhất thì lại hoàn toàn mâu thuẫn. Bởi, với cách tính toán, lập luận như vậy thì gần như 100% người mua nhà đều bị đánh thuế.

Nhà 700 triệu phải nộp thuế: Đừng làm giàu ngân sách bằng tận thu của dân! - 0

Nếu dự thảo luật Thuế tài sản của bộ Tài chính được thông qua thì ngay cả nhà ở xã hội dành cho người nghèo cũng bị đánh thuế (ảnh minh họa)

Chúng ta đều biết, cán bộ công chức đa phần sống bằng lương, tiền dành dụm được nếu nằm trong diện tăng thêm không được giảm trừ đều đã phải nộp thuế cho Nhà nước.

Nếu tiếp tục đánh thuế khi mua nhà thì sẽ dẫn tới tình trạng “thuế chồng thuế”. Còn nếu mua nhà trả góp, người dân phải vay ngân hàng thì chịu sao thấu hàng tháng vừa lo đóng thuế và lo trả lãi, gốc vay.

Chính vì thế, theo quan điểm của nhiều chuyên gia tài chính và mong muốn của người dân là Nhà nước chỉ nên đánh thuế với quyền sử dụng đất, chứ không nên đánh thuế trên giá trị của căn nhà xây dựng trên đó. Bởi lẽ, tiền xây dựng căn nhà đã được người dân trả thuế thu nhập trước đó rồi. Nếu chính sách thuế không hợp lý, không thoả đáng thì chắc chắn sẽ có tình trạng lách luật, trốn, gian lận thuế.

Tác giả bài báo còn phân tích, trước khi đề xuất luật Thuế tài sản với tính toán mỗi năm ngân sách thu thêm được từ 22.700 đến 31.000 tỷ đồng, cũng chính bộ Tài chính mới đây tuyên bố chủ trương tăng thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu đã được “đa số ý kiến đồng thuận”. Nếu chủ trương này được thông qua, mỗi lít xăng sẽ “cõng” tới 4.000 đồng tiền thuế bảo vệ môi trường, đem về cho ngân sách thêm gần 15.000 tỷ mỗi năm.

Điều khiến dư luận buồn và lo lắng hơn cả là ngành tài chính thay vì tìm cách tăng hiệu quả thu, tránh thất thu thuế, tăng hiệu quả quản lý và sử dụng ngân sách… thì lại chỉ biết tìm cách “đẻ” ra các sắc thuế mới, tận thu từ dân.

Đã vậy, những cán bộ, công chức làm việc trong các cơ quan này lại còn không tạo điều kiện cho doanh nghiệp, người dân làm ăn, kinh doanh. Tình trạng nhũng nhiễu của cán bộ Hải quan, cán bộ thuế thời gian qua đã khiến nhiều người dân, doanh nghiệp bức xúc.

Và rằng, câu chuyện tăng thu sẽ không bao giờ có hồi kết nếu như việc chi tiêu không hiệu quả. Con số thống kê của bộ Tài chính cho thấy, trong quý 1 năm nay, chi thường xuyên đã đạt gần 75,6% tổng chi. Trong khi nguồn nội lực cho phát triển kinh tế dài hạn là chi đầu tư phát triển chỉ chiếm 14,2% tổng chi ngân sách. Trong khi đó, chi thường xuyên luôn ở mức cao trên 70% tổng chi qua các năm.

Trong năm 2017, ngành kiểm toán đã phát hiện thừa tới 57.175 biên chế trong khu vực nhà nước. Và, hiện còn 42.146 đơn vị sự nghiệp được ngân sách bảo đảm toàn bộ kinh phí, bằng 73,7% số lượng đơn vị sự nghiệp. Kinh phí cấp cho các đơn vị sự nghiệp công lập chiếm trên 50% tổng kinh phí hoạt động của các đơn vị (khoảng 140.000 tỷ đồng), tăng 2,2% so với năm 2016…

“Với một bộ máy còn cồng kềnh lại được đánh giá là hiệu quả chưa cao thì có tăng thu bao nhiêu cũng không đủ và đặc biệt với cách chi hiện nay thì tình trạng dù bội chi chắc chắn năm sau cao hơn năm trước...

Vậy nên, nếu chúng ta chỉ chăm chăm tìm nguồn thu mà không thực hiện hiệu quả việc tinh gọn bộ máy, không minh bạch các khoản thu – chi, đầu tư công không hiệu quả (vẫn còn nhiều công trình đắp chiếu, dở dang), không cải cách bộ máy…thì dân có è cổ ra đóng thuế cũng không thể nuôi nổi bộ máy này. Những việc này có lẽ đã vượt tầm của bộ Tài chính” – tác giả An Nhi nhận định.

Cùng quan điểm như trên, tác giả Lê Thanh Phong của báo Lao Động trong bài viết “Động não kiếm tiền quá khó, đánh vào túi dân rất dễ” cũng cho rằng, thông thường, khi đón nhận một chính sách thuế mới, động đến túi tiền của mình thì người dân thường phản ứng, nhưng trước thông tin đánh thuế nhà trị giá hơn 700 triệu đồng, thì không còn là phản ứng thông thường, mà là sự bức xúc.

Tác giả nhận định, bộ Tài chính lâu nay hầu nhu chưa nghĩ ra cách tăng thu ngân sách nào hiệu quả hơn là đánh thuế. Dân chưa kịp thở để lấy sức trước chính sách thuế này, đã phải thất kinh vì chính sách khác. Tăng thuế VAT, tăng thuế môi trường chưa đủ nên tiếp tục nghĩ cách tăng khác.

Người dân mua nhà hay căn hộ là đã đóng một loạt thuế rồi, trong đó có những thứ thuế doanh nghiệp phải đóng như đất đai, rồi vật liệu xây dựng, sau đó tính vào giá thành cho người mua. Nay khách hàng mua nhà hay căn hộ của doanh nghiệp lại tiếp tục đóng thuế thêm một lần nữa thì đúng là tận thu từ cả dân nghèo bởi chúng ta đều biết đến căn nhà ở xã hội cũng không có giá dưới 700 triệu.

Trong khi đó, theo tác giả Lê Thanh Phong, có nhiều việc nếu làm tốt thì có tiết kiệm được số tiền lớn cho quốc gia thì bộ Tài chính loay hoay làm không xong, đó là dẹp nạn xe công đang đục khoét ngân sách, cắt giảm chi tiêu của cả bộ máy để dành tiền trả nợ, giải quyết bài toán dôi dư nhân sự...

Báo Tuổi Trẻ dẫn lời một số chuyên gia kinh tế cho rằng luật Thuế tài sản là cần thiết song cách làm như đề xuất hiện nay là tận thu và cào bằng.

Trả lời báo Tuổi Trẻ, GS. Đặng Hùng Võ – nguyên Thứ trưởng bộ Tài nguyên và Môi trường khuyến nghị, không nên đánh thuế nhà ở theo trị giá suất đầu tư, mà phải đánh theo diện tích sử dụng để đảm bảo công bằng, đúng mục đích của sắc thuế này là sử dụng nhà đất hiệu quả. Cần đặt ra ngưỡng diện tích để tính thuế, giống như thuế thu nhập cá nhân là thu nhập tính thuế.

Ông Võ gợi ý, nên lấy mức bình quân diện tích nhà ở mà Chính phủ đề ra đến năm 2020 là 25m2/người là ngưỡng không chịu thuế. Phần diện tích vượt ngưỡng này mới phải tính thuế nhằm đảm bảo người dân có nhà để ở.

Đồng thời vị chuyên gia khuyến cáo, trước mắt chỉ nên đánh thuế nhà ở đô thị, chưa thu thuế tài sản đối với nhà ở nông thôn. Vì nhà ở nông thôn dù diện tích ở có thể rộng, nhưng thu nhập của nông dân chỉ trông vào sào ruộng.

TS. Hồ Hữu Tuấn (ĐH Công nghiệp TP.Hồ Chí Minh) thì cho rằng, trong điều kiện thu nhập người dân còn thấp như hiện nay, việc thu thuế tài sản đối với nhà đất nếu có chỉ nên tính đến phương án thu thuế đối với những nhà đất thứ 2. Bởi người dân mua được căn nhà rất khó, trong đó nhiều người mua trả góp và phải thắt chặt chi tiêu để có tiền trả góp.

“Bộ Tài chính lấy lý do việc xác định sở hữu nhà thứ 2 trở đi rất phức tạp nên không thực hiện phương án đánh thuế này là chưa hợp lý. Bởi với hệ thống quản lý nhà đất chưa chặt chẽ, minh bạch như hiện nay, dù thực hiện phương án thu thuế tài sản nào cũng đều sẽ gặp khó khăn”- ông Tuấn nói.

 

Hoàng Yến (tổng hợp)

Nguồn: ZING




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC