Trong văn bản chỉ đạo về công tác điều tiết cấp nước ngày 22-10, UBND Hà Nội đề ra nhiều giải pháp đảm bảo cấp nước cho người dân thành phố.
Đáng chú ý, Hà Nội yêu cầu phải khẩn trương hoàn thành nhà máy nước mặt sông Hồng công suất 300.000m3/ngày đêm trong quý 1-2024.
Dự án nhà máy nước mặt sông Hồng có kế hoạch thực hiện từ quý 4-2015 đến quý 4-2020. Dự án có tổng mức đầu tư khoảng 3.700 tỉ đồng này dự kiến được đưa vào sử dụng từ quý 1-2021.
Tuy nhiên đến nay nhà máy mới hoàn thành khoảng 90% khối lượng công việc. Lãnh đạo UBND huyện Đan Phượng cho biết dự án gặp khó khăn trong việc xin giấy phép cắt đê để nối đường ống lấy nước đến nhà máy, dẫn đến chậm tiến độ.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm (phó chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam) cho biết hiện nay nguy cơ thiếu hụt nước sạch diện rộng ở Hà Nội đang hiện hữu.
Một nguyên nhân quan trọng được ông Nghiêm nêu ra là việc triển khai một số nhà máy nước đầu nguồn của TP đang chậm so với kế hoạch, đặc biệt là nhà máy nước mặt sông Hồng.
Trong khi đó, biến đổi khí hậu khiến nguồn nước suy giảm và các con sông thay đổi dòng chảy đã gây khó khăn cho việc khai thác nước mặt.
Nhà máy nước mặt sông Hồng được đầu tư gần 3.700 tỉ đồng trên diện tích khoảng 20,5ha, tại xã Liên Hồng, huyện Đan Phượng, Hà Nội - Ảnh: HỒNG QUANG
Dự án dự kiến được đưa vào sử dụng trong quý 1-2021, tuy nhiên đến nay (tháng 10-2023) dự án mới hoàn thành khoảng 90% khối lượng công việc. Trong ảnh là khu vực đặt các bể lắng của nhà máy.
Sau khi hoàn thiện, quá trình xử lý nước của nhà máy sẽ lần lượt qua các giai đoạn: sơ lắng cặn thô, keo tụ, trộn phản ứng, lắng ngang, lọc nhanh, lọc hữu cơ, khử trùng rồi đưa vào bể chứa nước sạch.
Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ Online, một số tốp công nhân vẫn duy trì thi công tại công trường - Ảnh: HỒNG QUANG
Hạng mục ống dẫn nước 1.600mm được công nhân thi công chiều 23-10 - Ảnh: HỒNG QUANG
Các hạng mục công trình đang xây dựng dở dang, phần lớn mới hoàn thiện thô, nhiều khu vực phủ đầy rêu sau thời gian dài chậm tiến độ - Ảnh: HỒNG QUANG
Khu vực nhà clo xử lý nước, bể chứa nước sạch đã cơ bản hoàn thành. Các bể chứa nước đang trong giai đoạn hoàn thiện xây dựng, dọn dẹp và thử thấm...
Hàng nghìn ống dẫn nước được tập kết tại bãi đất trống quanh nhà máy, xung quanh cỏ dại mọc um tùm - Ảnh: HỒNG QUANG
Phía ngoài cổng vào, các bảng hiệu đã bạc màu sau 8 năm thi công và nhiều lần lùi tiến độ - Ảnh: HỒNG QUANG
Đồng quan điểm về tầm quan trọng của những nhà máy nước mặt, trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Nguyễn Ngọc Điệp, chủ tịch Hội Cấp thoát nước Việt Nam, cho biết theo nghiên cứu, gần như toàn bộ nước ngầm ở Hà Nội, đặc biệt khu vực các quận, huyện phía nam Hà Nội như Hoàng Mai, Thanh Trì, Thanh Oai… đã bị ô nhiễm amoni.
Nguyên nhân được ông chỉ ra là do quá trình khai thác nước ngầm hàng trăm năm qua, người dân sau khi khai thác không áp dụng các quy trình chôn, lấp giếng dẫn đến tình trạng ô nhiễm. Trong khi đó, địa hình Hà Nội thấp dần với vùng trũng là các địa phương phía nam, biến đây thành khu vực ô nhiễm nhất.
"Do vậy, định hướng của thành phố là xây dựng hàng loạt các nhà máy nước mặt lớn và tiến tới hoàn toàn loại bỏ việc khai thác nước ngầm. Phần vì ô nhiễm, phần vì gây sụt lún đất", ông Điệp nhấn mạnh.
Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online