Với Công ty TNHH thương mại dịch vụ Khiết Tâm (TP.HCM), VCCI công nhận từ tháng 6/2012 đến tháng 6/2013 VCCI chi nhánh TP.HCM đã cấp 11 bộ C/O. Việc cấp trên căn cứ vào tờ khai hải quan xuất khẩu và một số chứng từ khác theo đúng quy định hiện hành.
Tuy nhiên căn cứ vào kết quả hậu kiểm và trên cơ sở các thông tin từ hải quan, bà Hương cho biết Công ty Khiết Tâm đã cung cấp các tờ khai hải quan xuất khẩu giả khi đề nghị cấp C/O nhằm gian lận về xuất xứ để tránh thuế chống bán phá giá.
Trước đó, tờ Tuổi trẻ dẫn thông tin từ Bộ Công thương cho biết, qua làm việc bộ này phát hiện Công ty TNHH thương mại dịch vụ Khiết Tâm (TP.HCM) và Công ty TNHH Quốc Việt (Long An) có dấu hiệu vi phạm về xuất xứ hàng hóa VN khi xuất sang EU các mặt hàng sắt thép thực chất có xuất xứ Trung Quốc, Đài Loan.
Để bảo vệ uy tín hàng xuất khẩu của VN, Bộ Công thương yêu cầu VCCI và Tổng cục Hải quan làm rõ trách nhiệm việc cấp giấy chứng nhận xuất xứ VN cho các sản phẩm thuộc loại hình tạm nhập tái xuất, đồng thời có biện pháp xử lý các công ty và cá nhân liên quan.
Đây được cho là điều nghịch lý trong bối cảnh thép trong nước đang bị dư thừa, ế ẩm thì các doanh nghiệp nội lại ồ ạt nhập khẩu hàng triệu tấn thép Trung Quốc về Việt Nam, khiến ngành công nghiệp thép trong nước điêu đứng.
Theo con số thống kê mà ông Nguyễn Văn Sưa, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) đưa ra, trong số gần 4 triệu tấn thép nhập khẩu từ đầu năm đến nay, có tới hơn 2,3 triệu tấn nhập khẩu từ Trung Quốc, trị giá hơn 1,2 tỷ USD. Con số này đã tăng gần 80% về lượng và 45% về giá trị so với năm trước.
Đáng lưu ý, trong số thép nhập từ Trung Quốc, có lượng lớn thép bán dưới dạng "thép hợp kim," chứa nguyên tố Bo, crôm... nên khi nhập khẩu vào Việt Nam không phải chịu thuế, giá bán rẻ hơn thép sản xuất trong nước.
Trong khi đó, các loại thép và tôn mạ này là những sản phẩm trong nước đã sản xuất được và vẫn còn dư năng lực.
Tổng cục Hải quan cũng cho hay, dù kiểm soát rất chặt, thậm chí đưa vào danh mục hàng hóa rủi ro về xuất xứ trong lĩnh vực xuất nhập khẩu nhằm ngăn chặn tình trạng lẩn tránh thuế, nhưng lượng thép nhập khẩu các loại từ Trung Quốc vẫn tăng rất mạnh.
Hậu quả của tình trạng này không chỉ đẩy các doanh nghiệp thép trong nước đứng trước nguy cơ đình đốn sản xuất, mà còn là hồi chuông báo động cho các công trình xây dựng do sử dụng các sản phẩm thép nhập khẩu chất lượng thấp.
Các chuyên gia trong ngành thép cho rằng một trong những nguyên nhân khiến tình trạng thép Trung Quốc nhập khẩu ồ ạt vào VN là do quy định và hàng rào kỹ thuật ở VN còn lỏng lẻo cùng khâu kiểm soát, thực thi quy định chưa chặt.
An An (tổng hợp)